U tủy sống có thể gây liệt

Những dấu hiệu ban đầu như đau lưng, đau chân của bệnh u tủy cột sống rất dễ nhầm lẫn với các căn bệnh xương khớp thông thường khác, dẫn đến chủ quan không thăm khám và điều trị kịp thời, gây hậu quả đáng tiếc. U tủy sống được đánh giá là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể chèn ép vào tủy sống gây liệt và tử vong nhanh chóng.

1. Bệnh u tủy sống là gì?

U tủy cột sống là căn bệnh tuy hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm, với tình trạng tủy sống có những khối u nằm trong ống sống gây chèn dây thần kinh vào các cấu trúc thần kinh trong ống sống. Khi khối u phát triển to lên sẽ gây chèn ép vào tủy sống và tạo nên những thiếu hụt về thần kinh ở đoạn tủy sống phía dưới, làm cho người bệnh bị tê bì, yếu, liệt 2 chi dưới hoặc đại tiểu tiện không tự chủ...

U cột sống
U tủy cột sống là căn bệnh tuy hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm

2. Các giai đoạn của u tủy cột sống

Giai đoạn đầu tiên của u tủy cột sống là giai đoạn người bệnh chỉ có các triệu chứng tại chỗ và triệu chứng của rễ thần kinh thường rất mơ hồ.

Các cơn đau tại cột sống thường chỉ ở mức âm ỉ và khó chịu, người bệnh sẽ không cảm thấy đau dữ dội mà sau một thời gian cơn đau sẽ lan ra theo phạm vi của dây thần kinh (vị trí mà các khối u chèn ép lên). Lúc này, người bệnh thường sẽ có cảm giác đau buốt từng cơn, giống như bỏng rát.

Người bệnh u tủy cột sống ở giai đoạn tại chỗ và rễ thần kinh cũng có trường hợp không bị đau mà chỉ có cảm giác tê, giảm hoặc mất cảm giác hay bị yếu một cơ nào đó. Người bệnh thường chủ quan và bỏ qua giai đoạn này vì nó xảy ra rất nhanh, đặc biệt là với người bệnh bị u di căn từ nơi khác đến hoặc u ác tính.

Sau giai đoạn đầu tiên là giai đoạn chèn ép một nửa tủy, khối u sẽ phát triển to ra và chèn ép, đẩy tủy sống sang một bên. Người bệnh sẽ thấy xuất hiện triệu chứng yếu hoặc liệt một bên, giảm hoặc mất cảm giác khi sờ vào, khi tiếp xúc với môi trường nóng hoặc lạnh.

Cũng giống như giai đoạn đầu tiên, giai đoạn chèn dây thần kinh một nửa tủy sống diễn ra rất nhanh, nhiều khi khiến người bệnh không kịp nhận ra đã chuyển sang giai đoạn toàn phát.

Người bệnh u tủy cột sống khi bước vào giai đoạn toàn phát sẽ có các rối loạn về cảm giác xuất hiện ở cả 2 bên của cơ thể. Đồng thời, các rối loạn về vận động cũng xuất hiện ở cả 2 bên, đặc biệt ở chi chân và chi tay hay xuất hiện co rút. Khi người bệnh cử động hoặc gấp các khớp thì chúng sẽ rung lên làm cho mất kiểm soát.

Ngoài ra, các rối loạn tiêu tiểu mà người bệnh u tủy cột sống thường gặp trong giai đoạn này có thể là bí tiểu, đái dắt, tiểu khó hoặc đôi khi tiểu dầm dề và táo bón.

3. Điều trị u tủy cột sống

Dụng cụ phẫu thuật
Đa số người bệnh bị u tủy cột sống đều phải tiến hành phẫu thuật để giải quyết khối u và giải phóng sự chèn ép dây thần kinh

Đa số người bệnh bị u tủy cột sống đều phải tiến hành phẫu thuật để giải quyết khối u và giải phóng sự chèn ép dây thần kinh, bởi các loại u tân sinh có sự phát triển không ngừng và ngày càng to ra, chèn ép nhiều vào tủy và hệ thống thần kinh.

Một số trường hợp người bệnh có các u lympho (lymphoma) đáp ứng nhạy với hóa trị hoặc u tế bào mầm (germinoma) nhạy với tia xạ, còn hầu hết các trường hợp khác đều phải giải quyết bằng phương pháp phẫu thuật.

Người bệnh có u ở màng cứng ngoài tủy thì việc mổ lấy u khá dễ dàng vì chúng thường chỉ dính một phần nhỏ vào các dây thần kinh hoặc màng tủy. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bệnh có u ngoài màng cứng thì sẽ khó khăn hơn cho việc lấy hết khối u vì chúng có thể ăn lan ra nhiều hướng khác nhau, hủy xương và chảy máu nhiều.

Đặc biệt, những ca u tủy cột sống ngoài màng cứng thường là di căn nên khả năng hồi phục của người bệnh sẽ kém và thời gian sống còn lại không dài. Do vậy, trong trường hợp này, bác sĩ sẽ phải cân nhắc có nên mổ không. Nếu thấy phẫu thuật không có lợi thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện hóa trị, xạ trị.

Xu hướng phẫu thuật ít xâm lấn được áp dụng khá phổ biến hiện nhiều này, nhờ đó mà các cuộc mổ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Sau nhiều ca mổ lấy hết u tủy cột sống thì có thể kết luận rằng, đối với u nội tủy có độ ác tính thấp, chỉ cần mổ lấy hết u là triệt để, bệnh nhân không cần xạ trị hay hóa trị thì khả năng tái phát cũng rất thấp.

Tóm lại, u tủy cột sống là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, hiệu quả điều trị sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn. Do vậy, nếu thấy cơ thể có những biểu hiện như đau nhiều ở vùng cột sống, yếu hoặc liệt hai chân, hai tay, tê bì... thì người bệnh cần chủ động đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng rủi ro đến tính mạng có thể xảy ra.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan