Đâu là các yếu tố nguy cơ ung thư vú?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ ung thư vú là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Có yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ chắc chắn mắc bệnh và không phải tất cả các yếu tố nguy cơ đều có tác động như nhau. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ ung thư vú, hãy nói chuyện với bác sĩ về biện pháp có thể làm giảm nguy cơ và sàng lọc ung thư vú.

1. Nguyên nhân ung thư vú

Ung thư vú xảy ra khi một số tế bào vú bắt đầu phát triển bất thường. Các tế bào này phân chia nhanh hơn các tế bào khỏe mạnh và tiếp tục tích lũy, tạo thành một khối. Các tế bào có thể lây lan (di căn) từ vú đến các hạch bạch huyết hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể.

Ung thư vú thường bắt đầu với các tế bào trong các ống dẫn sản xuất sữa (ung thư vú thể xâm nhập). Ung thư vú cũng có thể bắt đầu trong mô tuyến gọi là tiểu thùy (Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn) hoặc trong các tế bào hoặc mô khác trong vú.

Các nhà nghiên cứu đã xác định các yếu tố nội tiết tố, lối sống và môi trường có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nhưng vẫn chưa lý giải được vì sao một số người không có yếu tố nguy cơ nhưng vẫn mắc bệnh ung thư, nhưng những người khác có yếu tố nguy cơ thì lại không bao giờ phát triển thành bệnh ung thư. Có khả năng ung thư vú là do sự tương tác phức tạp của cấu trúc di truyền và môi trường.

dau-la-cac-yeu-nguy-co-ung-thu-vu-1
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc ung thư vú

2. Các yếu tố nguy cơ ung thư vú

2.1 Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

  • Ngày càng già đi: Nguy cơ ung thư vú tăng theo tuổi tác; hầu hết các bệnh ung thư vú được chẩn đoán sau 50 tuổi.
  • Đột biến gen: Phụ nữ đã thừa hưởng các thay đổi (đột biến) đối với một số gen nhất định từ bố mẹ, chẳng hạn như BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ mắc ung thư vú và buồng trứng cao hơn so với những không không có các gen đột biến này.
  • Tiền sử sinh sản: Có kinh nguyệt sớm trước 12 tuổi và bắt đầu mãn kinh sau 55 tuổi khiến phụ nữ tiếp xúc với hormone lâu hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
  • Có mật độ vú dày: Ngực dày có nhiều mô liên kết hơn mô mỡ, đôi khi có thể khiến bạn khó nhìn thấy khối u trên nhũ ảnh. Phụ nữ có bộ ngực dày có nhiều khả năng bị ung thư vú.
  • Tiền sử cá nhân ung thư vú hoặc một số bệnh vú không ung thư. Phụ nữ bị ung thư vú có nhiều khả năng bị ung thư vú lần thứ hai. Một số bệnh vú không ung thư như tăng sản không điển hình (atypical hyperplasia) hoặc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (Lobular carcinoma in situ) có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư vú: Một người phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn nếu cô ấy có mẹ, chị gái hoặc con gái (người thân cấp 1) hoặc nhiều thành viên trong gia đình hoặc họ hàng bên phía nhà mẹ hoặc bố có người bị ung thư vú. Có một người nam giới cấp độ 1 mắc ung thư vú cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ, ví dụ, bố bị ung thư vú sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú ở con gái của ông bố này.
  • Điều trị bằng xạ trị: Phụ nữ đã xạ trị vào ngực hoặc vú (như điều trị ung thư hạch Hodgkin) trước 30 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn trong cuộc sống sau này.
  • Phụ nữ dùng thuốc diethylstilbestrol (DES), được dùng cho một số phụ nữ mang thai ở Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 1940 đến 1971 để tránh sảy thai, có nguy cơ cao mắc ung thư vú hơn. Phụ nữ có mẹ dùng DES khi mang thai cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
dau-la-cac-yeu-nguy-co-ung-thu-vu-2
Phụ nữ dùng thuốc diethylstilbestrol có nguy cơ cao mắc ung thư vú

2.2 Các yếu tố nguy có thể thay đổi

  • Không hoạt động thể chất. Phụ nữ không hoạt động thể chất có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
  • Thừa cân hoặc béo phì sau mãn kinh. Phụ nữ lớn tuổi thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với những người có cân nặng bình thường.
  • Dùng nội tiết tố. Một số hình thức trị liệu thay thế hormone (bao gồm cả estrogen và progesterone) được thực hiện trong thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú khi dùng hơn năm năm. Một số biện pháp tránh thai đường uống (thuốc tránh thai) cũng đã được phát hiện ra có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Tiền sử sinh sản. Mang thai lần đầu sau 30 tuổi, không cho con bú sữa mẹ hoàn toàn và không mang thai đủ tháng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Uống rượu. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tăng lên khi uống nhiều rượu hơn.
  • Nghiên cứu cho thấy các yếu tố khác như hút thuốc, tiếp xúc với hóa chất có thể gây ung thư và sự thay đổi các hormone do làm việc theo ca cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.

3. Ai là người có nguy cơ ung thư vú cao nhất?

Những người có tiền sử gia đình mạnh về ung thư vú hoặc thay đổi di truyền trong gen BRCA1 và BRCA2, là đối tượng có thể có nguy cơ cao bị ung thư vú. Ngoài ra những đối tượng này cũng có thể có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng.

Do đó, đối với những trường hợp có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ tư vấn cho những tượng này về các cách để giảm nguy cơ ung thư vú, chẳng hạn như sử dụng các loại thuốc ngăn chặn hoặc giảm estrogen trong cơ thể hoặc phẫu thuật.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

920 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan