Chú ý những biểu hiện bất thường về tâm lý ở bệnh nhân ung thư

Tất cả bệnh nhân ung thư đều có những phản ứng về cảm xúc từ giai đoạn chẩn đoán tới khi thực hiện điều trị bệnh. Chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân ung thư đóng vai trò cốt lõi trong việc nâng cao cơ hội sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

1. Diễn biến tâm lý bệnh nhân ung thư

Ở bệnh nhân ung thư, diễn biến tâm lý chung thường trải qua 4 giai đoạn:

  • Sửng sốt và nghi ngờ: sau khi biết mình bị ung thư, bệnh nhân bị bất ngờ, có người rơi vào tình trạng trầm cảm, u uất, cáu gắt với mọi người. Sau vài ngày nhiều bệnh nhân sẽ chuyển sang trạng thái nghi ngờ, không biết bác sĩ có chẩn đoán bệnh chính xác không. Họ sẽ tìm đến nhiều bác sĩ, cơ sở y tế để thăm khám và hy vọng vào khả năng mình không mắc ung thư.
  • Hy vọng: tinh thần bệnh nhân bớt căng thẳng, tin vào ý kiến của bác sĩ và nhân viên y tế, hy vọng phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác sẽ giúp chữa khỏi bệnh.
  • Chấp nhận: sau khi can thiệp phẫu thuật hoặc sử dụng các phương pháp trị liệu khác, bệnh nhân đã chấp nhận căn bệnh của mình, tiếp tục theo dõi và tuân theo hướng điều trị. Họ không còn nghĩ nhiều về cái chết và không thấy mặc cảm về bệnh tật.
  • Chờ đợi: bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối chấp nhận sự ra đi, không quá quan tâm tới vấn đề ung thư chết như thế nào mà đặt niềm hy vọng vào một cuộc sống tương lai ở thế giới khác.

2. Tình trạng lo âu ở bệnh nhân ung thư

2.1 Lo âu là gì?

Lo âu là cảm giác căng thẳng, bồn chồn hoặc lo sợ, cảnh báo cơ thể để phản ứng lại các mối đe dọa. Tuy nhiên, lo âu với cường độ mạnh và kéo dài có thể là một rối loạn gây trở ngại cho các mối quan hệ cũng như hoạt động hằng ngày của con người.

dien-bien-tam-ly-benh-nhan-ung-thu-1
Lo âu là trạng thái tâm lý thường gặp ở người mắc bệnh ung thư

Có 2 dạng lo âu: lo âu cấp tính và lo âu mạn tính. Lo âu cấp tính xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn còn lo âu mạn tính thì tiếp diễn trong thời gian dài.

Nhiều bệnh nhân ung thư đã trải qua các triệu chứng của lo âu như:

  • Sợ điều trị hoặc các tác dụng phụ của quá trình điều trị.
  • Sợ ung thư tái phát hoặc di căn sau khi điều trị.
  • Lo lắng về sự không ổn định của bệnh ung thư.
  • Lo lắng về việc mất khả năng tự chủ.
  • Lo lắng về sự thay đổi các mối quan hệ.
  • Sợ hãi cái chết.

Sự lo âu có thể khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn hơn trong việc lựa chọn phương pháp chăm sóc và điều trị ung thư.

2.2 Triệu chứng của lo âu cấp tính

Người bị lo âu cấp tính thường xuyên gặp phải những triệu chứng dưới đây trong một khoảng thời gian ngắn:

  • Sợ hãi với cường độ mạnh.
  • Thờ ơ với bản thân hoặc môi trường xung quanh.
  • Hồi hộp, tim đập nhanh.
  • Tăng huyết áp, đau ngực, khó thở, có cảm giác ngạt thở, vã mồ hôi, ớn lạnh, chóng mặt hoặc cảm giác nâng nâng, run sợ, ợ nóng, buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, đau bụng,...
dien-bien-tam-ly-benh-nhan-ung-thu-2
Hồi hộp, tim đập nhanh là biểu hiện của lo âu cấp tính

2.3 Triệu chứng của lo âu mạn tính

Lo âu mạn tính bao gồm các đợt lo âu cấp tính song hành cùng một hoặc nhiều triệu chứng sau đây, tồn tại trong thời gian dài:

  • Lo nghĩ quá mức.
  • Cảm giác bồn chồn, dễ cáu gắt, mệt mỏi, khó tập trung.
  • Căng cơ.
  • Mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, hay tỉnh dậy giữa chừng.
  • Do dự, hay gặp khó khăn khi đưa ra quyết định.

3. Biện pháp chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân ung thư

Có nhiều phương pháp giúp bệnh nhân ung thư đối khó với lo âu, căng thẳng thần kinh hay các suy nghĩ tiêu cực. Cụ thể là:

3.1 Kỹ thuật thư giãn

Kỹ thuật thư giãn có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác. Những phương pháp thư giãn đang được áp dụng phổ biến hiện nay là:

  • Hít thở sâu.
  • Giãn cơ: gồm kéo căng và làm giãn cơ bắp trên toàn cơ thể.
  • Thư giãn trong tưởng tượng: sử dụng ngôn ngữ và âm nhạc để giúp bệnh nhân hình dung ra những khung cảnh, trải nghiệm và cảm xúc tích cực.
  • Thiền định: tập trung sự chú ý vào một hướng nhằm đạt tới trạng thái tĩnh tại và giảm căng thẳng thần kinh.
  • Thôi miên.
  • Yoga: phối hợp hơi thở và các bài tập ở nhiều tư thế khác nhau để thúc đẩy sự thư giãn.
dien-bien-tam-ly-benh-nhan-ung-thu-3
Bệnh nhân ung thư nên tập yoga để có tinh thần tốt hơn

3.2 Điều trị tâm lý

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ giúp bệnh nhân hướng đến những suy nghĩ tích cực. Những lựa chọn điều trị tâm lý bao gồm điều trị cá thể, điều trị theo cặp hoặc theo gia đình, điều trị theo nhóm. Ngoài ra, các bác sĩ tâm lý còn có thể kê đơn thuốc cho bệnh nhân sử dụng thêm.

3.3 Dùng thuốc

Với những bệnh nhân ung thư bị lo âu, căng thẳng trung bình hoặc nặng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc dựa trên bệnh trạng của bệnh nhân, các tác dụng phụ tiềm ẩn, các loại thuốc người bệnh đang sử dụng và bệnh sử của người bệnh. Bệnh nhân cần chia sẻ với bác sĩ về những loại thuốc mình đang sử dụng để bác sĩ kê đơn cho phù hợp vì có một số thuốc có thể tương tác với thuốc chống lo âu,căng thẳng.

Một số bệnh nhân ung thư cải thiện triệu chứng tâm lý sau 2 tuần dùng thuốc. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả đầy đủ thì bệnh nhân thường được khuyên nên dùng thuốc từ 6 - 8 tuần. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc có thể không đủ hiệu quả để trị lo âu, căng thẳng mà cần phối hợp với phương pháp điều trị tâm lý.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

776 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan