Các xét nghiệm cần thiết cho người bệnh U lympho tế bào T ngoại vi ở da (CTCL)

U lympho tế bào T ở da là một dạng ung thư hiếm gặp, thường xuất hiện khi các tế bào lympho T phát triển và nhân lên không kiểm soát trên da. Bài viết sẽ trình bày các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh lý này.

1. U lympho tế bào T ngoại vi ở da là gì?

U lympho nguyên phát tại da (PCL) là một nhóm hiếm gặp của bệnh lý U lympho ác tính không Hodgkin (NHL). Lưu ý rằng U lympho nguyên phát tại da không phải là ung thư da. U lympho nguyên phát tại da có thể là kết quả sự phát triển bất thường của các tế bào B, tế bào T hoặc tế bào NK.

U lympho tế bào T ở da (CTCL) là một bệnh lý ác tính xuất hiện tại da với sự nhân lên không kiểm soát của tế bào bạch cầu lympho T - tế bào có tác dụng chống lại nhiễm trùng. U lympho tế bào T ngoại vi ở da có thể biểu hiện với các mẩn đỏ như phát ban, hoặc các mảng hơi nhô lên hoặc có vảy, và đôi khi là các khối u trên da. Hầu hết U lympho tế bào T ở da tiến triển chậmậm, tuy nhiên nó có thể liên quan với các bất thường tại hạch bạch huyết, huyết học hay các cơ quan khác.

U lympho tế bào T ở da bao gồm các phân nhóm sau đây:

  • Mycosis fungoides (MF), hội chứng Sézary (SS)
  • Rối loạn tăng sinh tế bào lympho T CD30+ nguyên phát tại da (PCLPDs): U lympho tế bào lớn bất thục sản tại da (PC-ALCL), U lympho dạng sẩn (LyP),...

2. Các xét nghiệm cần thiết cho bệnh nhân U lympho tế bào T ở da

U lympho nguyên phát tại da có thể xuất hiện dưới dạng ban, mảng, vảy hay u cục. Sau khi thăm khám lâm sàng, kết hợp hỏi tiền sử, bệnh sử, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để có thể chẩn đoán U lympho tế bào T tại da, từ đó có hướng điều trị hợp lý.

2.1. Xét nghiệm máu

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu lấy một mẫu máu để làm các xét nghiệm:

  • Công thức máu: Xét nghiệm công thức máu là cần thiết để xác định số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu của bệnh nhân. Kết quả công thức máu sẽ cho biết số lượng hồng cầu có đảm bảo để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể hay không, số lượng bạch cầu để chống nhiễm trùng và tiểu cầu liên quan đến việc kiểm soát chảy máu. Công thức máu cũng cho biết số lượng và tỷ lệ của các loại bạch cầu trong máu, bao gồm: bạch cầu trung tính, bạch cầu lympho, bạch cầu mono, bạch cầu ưa base, bạch cầu ưa acid.
  • Bảng trao đổi chất toàn diện (CMP): Đây là xét nghiệm đo lường 14 chất khác nhau trong máu của bệnh nhân, cung cấp những thông tin quan trọng liên quan chức năng gan, thận, điện giải,...
  • Xét nghiệm viêm gan virus B và C: Bệnh nhân U lympho tế bào T ở da cần được làm xét nghiệm tầm soát viêm gan B, C trước khi bắt đầu điều trị với hóa trị liệu hay liệu pháp miễn dịch.
  • Xét nghiệm HIV: Bệnh nhân nên được làm xét nghiệm kiểm tra kháng thể HIV trong máu, nước tiểu hoặc nước bọt
  • Xét nghiệm HTLV: Xét nghiệm HTLV được sử dụng để phát hiện nhiễm trùng do HTLV-I hoặc HTLV-II, có thể là nguyên nhân gây ra u lympho tế bào T.
  • Xét nghiệm LDH (Lactate dehydrogenase): Đây là một loại enzyme được tìm thấy trong hầu hết các tế bào. Sự phát triển nhanh của các tế bào, chẳng hạn như khối u, cũng là nguyên nhân làm LDH máu tăng cao.
  • Thử thai: Nếu kế hoạch điều trị có thể ảnh hưởng đến việc mang thai thì các đối tượng nguy cơ có thai sẽ được thử thai trước khi bắt đầu điều trị.
  • Điện di protein huyết thanh (SPEP): Điện di protein huyết thanh nhằm kiểm tra các protein cụ thể trong máu (globulin) có thể tăng lên trong một số điều kiện như đa u tủy.

2.2. Chẩn đoán hình ảnh

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh là công cụ hữu ích giúp phát hiện, đánh giá các tổn thương bất thường trong cơ thể.

  • X quang: X quang là kỹ thuật sử dụng tia X liều thấp để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể.
  • Cắt lớp vi tính: Chụp cắt lớp vi tính (CT) sử dụng tia X và công nghệ máy tính để “chụp ảnh” bên trong cơ thể. Tất cả các hình ảnh ở nhiều góc độ khác nhau được kết hợp lại để tạo nên hình ảnh rõ ràng, giúp đánh giá chính xác các tổn thương ở sâu bên trong cơ thể. Cắt lớp vi tính sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn khi được chụp với thuốc cản quang. Tuy nhiên, một số người lại bị dị ứng với chất này nên không sử dụng được.
  • Cộng hưởng từ: Cộng hưởng từ (MRI) ứng dụng nguyên lý từ trường để khảo sát các cơ quan trong cơ thể. Chụp cộng hưởng từ với thuốc tương phản giúp đánh giá tổn thương chính xác hơn.
  • PET/CT: PET/CT là công cụ hữu ích trong đánh giá U lympho tế bào T. Sự thay đổi hấp thu FDG gợi ý nhiều đến mức độ ác tính của khối u.

2.3. Sinh thiết tổn thương da nghi ngờ

Sinh thiết là hình thức lấy một mẫu mô để làm xét nghiệm mô bệnh học nhằm xác định chẩn đoán. Một mẫu tổn thương da sẽ được lấy ra và xét nghiệm để xác định bản chất của khối u. Ngoài giải phẫu bệnh, bệnh nhân còn được làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán khác như hóa mô miễn dịch nhằm xác định U lympho ở da thuộc loại nào.

  • Sinh thiết rạch cắt tổn thương (incisional biopsy): Sinh thiết rạch cắt là kỹ thuật lấy tổn thương một vùng da bằng lưỡi dao mổ.
  • Sinh thiết cắt bỏ (excisional biopsy): Sinh thiết cắt bỏ sẽ loại bỏ một vùng da, khối u hoặc tổn thương lớn hơn.
  • Sinh thiết dùi lỗ (punch biopsy): Sinh thiết dùi lỗ là kỹ thuật lấy mẫu nhỏ da và mô liên kết bằng dụng cụ cầm tay.
  • Sinh thiết cạo gọt (shave biopsy): Sinh thiết cạo gọt da là kỹ thuật loại bỏ lớp trên cùng của da bằng cách sử dụng một công cụ như dao cạo. Loại sinh thiết này không được khuyến khích vì nó không lấy mẫu đủ sâu, trong khi tế bào lympho bất thường thường được tìm thấy dưới bề mặt da.

2.4. Sinh thiết hạch nghi ngờ

Quá trình thăm khám hoặc xét nghiệm trước đó có thể phát hiện hạch nghi ngờ. Trong trường hợp này, có thể cân nhắc việc sinh thiết hạch bằng cách sinh thiết lõi hoặc phẫu thuật bóc hạch sinh thiết.

2.5. Xét nghiệm tủy xương

Xét nghiệm tủy xương thường cần thiết trong chẩn đoán và điều trị U lympho ác tính, bởi vì U lympho có khả năng xâm lấn tủy xương. Có 2 loại xét nghiệm tủy xương thường được thực hiện cùng lúc là chọc hút tủy xươngsinh thiết tủy xương.

Khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân có thể được yêu cầu nằm sấp hoặc nằm nghiêng. Sau đó, bác sĩ sẽ gây tê da và bề mặt ngoài của xương rồi tiến hành chọc tủy. Sau thủ thuật, bệnh nhân có thể cảm thấy đau xương tại vị trí chọc tủy trong vòng vài ngày.

2.6. Xét nghiệm kiểu hình miễn dịch

Xét nghiệm kiểu hình miễn dịch (Immunophenotyping) được thực hiện đối với mẫu bệnh phẩm sinh thiết da. Immunophenotyping sử dụng các kháng thể để phát hiện sự hiện diện hay vắng mặt của một số kháng nguyên - các protein hoặc chất đánh dấu có thể tìm thấy trên bề mặt hoặc bên trong các tế bào bạch cầu. Cần lưu ý rằng kiểu hình miễn dịch có thể thay đổi khi U lympho tiến triển. Immunophenotyping có thể được thực hiện bằng kỹ thuật tế bào dòng chảy hoặc hóa mô miễn dịch.

  • Flow cytometry (Kỹ thuật tế bào dòng chảy): Flow cytometry là một phương pháp nhằm phát hiện, xác định và đếm các tế bào cụ thể. Flow cytometry được ứng dụng phổ biến nhất vào việc xác định các dấu hiệu trên tế bào, đặc biệt là trong hệ thống miễn dịch, có ý nghĩa trong việc chẩn đoán và điều trị U lympho nguyên phát tại da. Flow cytometry có thể được tiến hành trên các tế bào máu (ngoại vi), tủy xương hoặc sinh thiết.
  • Hóa mô miễn dịch: Hóa mô miễn dịch giúp xác định kiểu hình miễn dịch từ mẫu bệnh phẩm sinh thiết da, bao gồm: CD3, CD4, CD8, CD10, CD20, CD30, CD56, ALK, BCL2, BCL6, IRF4/MUM1,... Việc mất các dấu hiệu bề mặt tế bào như CD26, CD27 và CD7 trên các tế bào T ác tính có giá trị trong chẩn đoán U lympho tế bào T ở da. Mặt khác, sự biểu hiện quá mức của CD164 đã được báo cáo trên các tế bào T CD4 + của bệnh nhân mắc hội chứng Sézary. U lympho tế bào T ở da được đặc trưng bởi sự biến đổi của hầu hết kháng nguyên tế bào T, CD56 dương tính, và biểu hiện CD30 hạn chế hoặc âm tính. Ki67, CD34 và AgNOR là các thông số liên quan đến sự tăng sinh tế bào và tăng sinh mạch - dấu hiệu cho thấy sự tiến triển của U lympho tế bào T ngoại vi ở da.

2.7. Xét nghiệm phân tử

Các xét nghiệm phân tử được thực hiện nhằm phân loại U lympho tế bào T ở da và điều trị nhắm trúng đích. Các nghiên cứu gần đây đã xác nhận vai trò của gen TOX như một dấu hiệu của U lympho tế bào T ngoại vi ở da, mở ra hướng điều trị nhắm trúng đích. Các nghiên cứu cũng đã gợi ý rằng EPHA4 có thể là dấu hiệu chẩn đoán và tiên lượng cho hội chứng Sézary.

Xét nghiệm phân tử giúp phát hiện sự tái sắp xếp tế bào T hoặc tế bào B của U lympho nguyên phát tại da. Các kỹ thuật xét nghiệm phân tử khác có thể kể đến như:

  • Lai so sánh hệ gen (Comparative genomic hybridization - CGH)
  • Giải trình tự thông lượng cao (High Throughput Sequencing - HTS)
  • Giải trình tự gen thế hệ mới (Next-generation sequencing - NGS)
  • Nhiễm sắc thể đồ (Karyotype)
  • Lai huỳnh quang tại chỗ (Fluorescence in situ hybridization - FISH)
  • Phản ứng chuỗi polymerase (Polymerase chain reaction - PCR)

Trường hợp người bệnh có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ của bệnh lý U lympho tế bào T ngoại vi ở da (CTCL) miêu tả ở trên vui lòng đến các bệnh viện chuyên khoa ung bướu trên khắp cả nước để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu này được hỗ trợ bởi Takeda.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

158 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: