Mỡ thừa là nguồn quý hiếm để lưu trữ tế bào gốc phục vụ điều trị bệnh và thẩm mỹ

Bài viết bởi TS. Ngô Anh Tiến và Th.S. Chu Thị Thảo – Ngân hàng mô Vinmec.


Tế bào gốc trung mô từ mô mỡ - Adipose-derived mesenchymal stem cell (AD-MSC) được sử dụng hiệu quả trong nhiều trị liệu lâm sàng, tế bào gốc nói chung và đóng một vai trò quan trọng trong y học tái tạo nói riêng

1. Tế bào gốc trung mô từ mô mỡ - Adipose-derived mesenchymal stem cell (AD-MSC) là gì?

Mô mỡ là mô liên kết lỏng, thường được tích tụ trong các túi mỡ ở phần bụng hoặc vùng đùi. Mô mỡ được cấu tạo bởi hàng triệu tế bào mỡ cùng với các thành phần cấu tạo mạch máu bao gồm tế bào nội mô mạch máu, nguyên bào sợi, bạch cầu đơn nhân, các đại thực bào, và các tế bào gốc (Adipose-derived mesenchymal stem cells – AD-MSC). Trong số đó, AD-MSC chiếm khoảng 1-5% tổng số tế bào có nhân trong mô mỡ và tỉ lệ này sẽ giảm dần theo tuổi tác. Các tế bào này là tế bào gốc trưởng thành, chúng có khả năng tự tái tạo, điều hòa miễn dịch và tiềm năng đa biệt hóa để tự biến đổi thành nhiều dòng tế bào khác nhau như mỡ, sụn, xương, cơ tim, hay tế bào thần kinh....

Được sử dụng hiệu quả trong nhiều trị liệu lâm sàng, tế bào gốc nói chung và AD-MSC nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong y học tái tạo.

Quá trình biệt hóa của tế bào gốc trung mô từ mô mỡ
Quá trình biệt hóa của tế bào gốc trung mô từ mô mỡ. Nguồn trích dẫn: Alderman et al., 2011

2. Tế bào gốc (AD-MSC) mô mỡ được phân tách như thế nào?

Đầu tiên, mỡ có thể được thu thập theo 2 cách chính: chọc hút hoặc phẫu thuật. Khi hút mỡ (liposuction), mỡ được chuyển thành dạng lỏng dưới tác động cơ học (ví dụ của sóng siêu âm) hoặc tác động hóa học của các enzyme và được hút ra qua một ống nhỏ. Trong phương pháp phẫu thuật, một lượng nhỏ mỡ thừa dưới da được cắt và lưu lại. Mô mỡ cũng có thể được lấy ngay trong các ca mổ lấy thai, phần mỡ dưới lớp sẹo mổ (vốn sẽ bị bỏ đi như rác thải Y tế) cũng có thể được thu lại như một nguồn để tách AD-MSC hiệu quả. Việc thu thập mô mỡ chỉ được coi là tiểu phẫu và gần như không gây đau đớn, và đó là một lợi thế.

Tiếp theo, mô mỡ sẽ được đưa tới phòng tách chiết tế bào gốc để được xử lý. Các tế bào được thu lại để nuôi cấy trong môi trường thích hợp và có thể tăng sinh lên rất nhiều lần. Trong quá trình này, môi trường nuôi cấy có chứa các yếu tố tăng trưởng được xác định, thích hợp cho việc chọn lọc và tăng sinh các tế bào AD-MSC mà vẫn đảm bảo tính chất và tiềm năng của chúng.

Trước khi được thu hoạch để điều trị hoặc lưu trữ với mục đích sử dụng trong tương lai, các tế bào AD-MSC cần trải qua quá trình kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng để đảm bảo không nhiễm vi sinh vật có hại cũng như có đầy đủ tính chất của tế bào gốc theo như yêu cầu khuyến cáo của Hiệp hội quốc tế về liệu pháp tế bào – ISCT và đảm bảo tế bào đủ tiêu chuẩn để sử dụng trong điều trị lâm sàng.

3. Tế bào gốc AD-MSC có những ứng dụng gì?

AD-MSC có khả năng biệt hóa thành các dòng tế bào cần thiết cho y học tái tạo để điều trị nhiều bệnh khác nhau (Hình 1). Theo thống kê trên trang ClinicalTrials.gov, cho đến thời điểm hiện tại, có hàng trăm thử nghiệm lâm sàng sử dụng AD-MSC để điều trị các bệnh trên người. Trong đó phải kể đến các ứng dụng như:


Y học tái tạo đang ngày càng có những bước tiến xa hơn dựa trên nền tảng của tế bào gốc, trong đó có AD-MSC. Không chỉ dừng lại ở việc cấy ghép trực tiếp tế bào gốc vào vị trí bị tổn thương, hay biệt hóa AD-MSC thành dòng tế bào mong muốn trước khi ghép vào cơ thể, những đột phá trong lĩnh vực biến đổi gen cho thấy cơ hội kết hợp giữa liệu pháp tế bào và liệu pháp gen trong điều trị. AD-MSC được biến đổi gen để có thêm các khả năng kiểm soát và tái cơ cấu lại những lỗi trong cơ thể người bệnh.

4. Tại sao nên lưu trữ tế bào gốc mô mỡ ngày từ bây giờ?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ của việc suy giảm số lượng và tiềm năng của tế bào gốc theo độ tuổi của con người. Điều này cũng xảy ra đối với tế bào gốc AD-MSC. Theo kết quả của một số nghiên cứu, khi so sánh tỉ lệ tế bào gốc thu lại từ nhiều người với độ tuổi khác nhau, tiềm năng biệt hóa cũng như khả năng tăng sinh của tế bào có xu hướng giảm khi độ tuổi tăng lên. Do đó, việc lưu trữ tế bào gốc khi cơ thể còn khỏe mạnh để sử dụng lúc cần thiết là một sự chuẩn bị phù hợp và thông minh cho tương lai.

Thêm vào đó, việc phân lập và tăng sinh tế bào gốc mô mỡ trước khi lưu trữ có thể giúp rút ngắn thời gian chờ điều trị, chuẩn bị nguồn tế bào gốc sẵn sàng để sử dụng bất cứ lúc nào, cho các mục đích từ thẩm mỹ đến điều trị bệnh hiểm nghèo.

  • Chuẩn bị cho nhu cầu trong tương lai
  • Luôn sẵn sàng nguồn tế bào gốc bất cứ khi nào cần
  • Lưu lại tế bào gốc ở trong thái khỏe mạnh và tiềm năng nhất
tế bào gốc mô mỡ
Hình ảnh tế bào gốc mô mỡ

5. Tại sai nên lưu trữ tế bào gốc mô mỡ tại Vinmec?

Để có thể chuẩn bị được nguồn AD-MSC đảm bảo chất lượng cho lưu trữ và điều trị, quy trình và phương pháp phân lập cũng như điều kiện xử lý - nuôi cấy đóng vai trò rất quan trọng. Tại Ngân hàng Mô Vinmec, quy trình phân tách và nuôi cấy tăng sinh tế bào gốc mô mỡ được xây dựng từ kết quả của nhiều năm nghiên cứu và phát triển của Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec. Với phương pháp đã được chuẩn hóa, thiết bị hiện đại cùng với quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ giúp đảm bảo chất lượng tế bào gốc ở mức cao nhất, đáp ứng đủ tiêu chuẩn để lưu trữ và sử dụng cho điều trị lâm sàng.

Tế bào gốc sẽ được trữ lạnh theo quy trình giảm nhiệt độ có kiểm soát nghiêm ngặt, giúp duy trì tính chất và độ sống của tế bào gốc tới mức cao nhất. Sản phẩm tế bào gốc được lưu trữ ở pha hơi của ni tơ lỏng (-190 độ C) trong hệ thống lưu trữ tự động, đảm bảo toàn vẹn khả năng trị liệu của tế bào dù lưu trữ trong thời gian dài. Các tế bào được chia ra thành các đơn vị nhỏ để thuận tiện cho việc sử dụng nhiều lần.

Hiện tại, Ngân hàng mô Vinmec cung cấp gói lưu trữ tế bào gốc trong 25 năm, tuy nhiên, khách hàng hoàn toàn có thể gia hạn thêm nếu có nhu cầu. Vui lòng để lại thông tin liên lạc (TẠI ĐÂY) hoặc liên hệ Hotline 0936246199 của ngân hàng mô Vinmec để được tư vấn thêm.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan