Viên sỏi thận được tán vỡ như thế nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khoa học kỹ thuật hiện đại giúp cho việc điều trị ngoại khoa đối với sỏi ngày càng đơn giản. Một số phương pháp tán sỏi thận phổ biến hiện nay gồm tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng, tán sỏi thận qua da. Cùng tìm hiểu rõ hơn về các phương pháp này và cơ chế tán vỡ sỏi của chúng.

1. Kỹ thuật tán sỏi thận ngoài cơ thể

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể được xem là phương pháp mang lại hiệu quả điều trị sỏi thận tương đối cao mà ít gây sang chấn nhất.

Tán sỏi ngoài cơ thể là gì?

Tán sỏi ngoài cơ thể là kỹ thuật dùng sóng xung động hoặc laser tác động từ bên ngoài cơ thể tại vùng có sỏi. Sóng xuyên qua bề mặt cơ thể, truyền trong môi trường nước, hội tụ tại viên sỏi, làm vỡ liên kết của sỏi và làm vỡ sỏi.

Khi được tán sỏi, bệnh nhân không cần gây mê hay gây tê, trong khoảng thời gian 1 - 2 ngày bệnh nhân có thể xuất viện, từ 1 – 2 tuần sau các mảnh sỏi được tán vỡ sẽ tự đào thải ra ngoài qua đường tiểu tự nhiên, bên cạnh đó cũng có những trường hợp ngay sau tán bệnh nhân đã đi ra sỏi rất nhiều.

Viên sỏi thận được tán vỡ như thế nào?

Chỉ định

Phương pháp tán sỏi thận ngoài cơ thể được chỉ định với trường hợp viên sỏi thận kích thước < 15mm, không nằm ở đài thận dưới và thận có cấu trúc giải phẫu bình thường.

Lưu ý khi thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể

  • Trung bình mỗi liệu trình điều trị chỉ sử dụng từ 3.000 nhịp sóng xung kích trở xuống, để đảm bảo an toàn cho nhu mô thận và đồng thời tán vỡ được sỏi;
  • Do sỏi luôn di động theo nhịp thở, nên trong quá trình tán sỏi cần giữ nhịp thở sâu và đều, nếu không số lần sóng xung kích không trúng vào sỏi tăng lên, làm giảm hiệu quả điều trị;
  • Sau khi tán sỏi, bệnh nhân cần phải uống nhiều nước (từ 2 lít/ngày trở lên) để có thể đào thải hết những mảnh vụn của sỏi ra ngoài theo nước tiểu.

Ưu điểm

Kỹ thuật đơn giản, không gây đau đớn cho bệnh nhân, bệnh nhân hầu như không cảm nhận gì và sẽ được ra viện ngay.

Nhược điểm

Không áp dụng được với sỏi có kích thước quá lớn, các loại sỏi san hô, sỏi quá cứng. Sau khi tán sỏi, các mảnh sỏi nhỏ khi được đào thải ra ngoài qua đường tiểu tự nhiên rất dễ gây tổn thương cho đường tiết niệu như gây tắc hoặc gây viêm nhiễm đường niệu. Có thể xuất hiện các cơn đau quặn. Sau khi tán sỏi, bệnh nhân bắt buộc phải dùng thuốc để đẩy sỏi ra ngoài

2. Tán sỏi thận nội soi ngược dòng

Tán sỏi thận nội soi ngược dòng là gì?

Tán sỏi thận nội soi ngược dòng là kỹ thuật được thực hiện bằng việc đưa ống soi mềm qua đường tiểu lên niệu quản – bể thận, vào các đài thận tiếp cận trực tiếp viên sỏi, sau đó dùng năng lượng khí nén hoặc laser để phá vụn viên sỏi và bơm rửa rồi gắp để lấy hết sỏi ra ngoài.

Quy trình tán sỏi nội soi ngược dòng

Tán sỏi thận bằng kỹ thuật nội soi ngược dòng được tiến hành như sau:

  • Bệnh nhân được đặt thông niệu quản (sonde JJ) trước tán sỏi 10 - 15 ngày;
  • Gây mê toàn thân nội khí quản, bệnh nhân nằm ngửa ở tư thế sản khoa;
  • Soi bàng quang rút JJ, soi niệu quản - bể thận đánh giá niệu quản, đặt guide wire đài bể thận (guide wire- dụng cụ dùng để dẫn đường khi đặt các ống thông khác nhau vào cơ thể người);
  • Đặt Sheath 12Fr (ống nòng niệu quản) vào niệu quản lên đài bể thận trượt đồng trục guide wire;
  • Rút guide wire, nòng Sheath, đưa ống mềm nội soi qua Sheath lên đài bể thận;
  • Xác định vị trí, số lượng kích thước sỏi và liên quan với đài bể thận. Nếu không đặt được Sheath, niệu quản chít hẹp, gấp khúc, chỉ định đặt ống mềm nội soi trực tiếp. Nếu không được sẽ chuyển phương pháp điều trị khác;
  • Tán sỏi thận thành mảnh nhỏ bằng thiết bị tán sỏi Holmium Laser 80W;
  • Bơm rửa lấy mảnh sỏi, rọ Nitinol lấy sỏi. Kiểm tra sạch sỏi;
  • Rút ống soi mềm, đặt JJ ngược dòng, Foley niệu đạo.
Viên sỏi thận được tán vỡ như thế nào?

Ưu điểm

Kỹ thuật đơn giản, phần lớn sỏi được lấy ra ngoài, nếu có sót lại thông thường là vụn sỏi. Phương pháp này tán được mọi loại sỏi có kích thước nhỏ hơn 20mm, kể cả sỏi san hô. Sau khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân có thể ăn nhẹ sau 3-6 tiếng và ra viện sau khoảng 12-24h theo dõi.

Nhược điểm

Không áp dụng được đối với các bệnh nhân bị hẹp niệu đạo, đường niệu đang trong giai đoạn viêm, nhiễm khuẩn. Nguy cơ xảy ra biến chứng như thủng niệu quản do đốt laser nhầm vị trí hoặc bị lan, không đặt được ống nội soi để tiếp cận được vị trí có sỏi...

3. Tán sỏi thận qua da

Tán sỏi thận qua da là gì?

Tán sỏi thận qua da là tạo một đường hầm nhỏ khoảng 6-10mm, đường hầm chạy từ ngoài da đi vào trong thận đến vị trí có sỏi. Sau đó dùng khí nén hoặc laser phá vỡ sỏi, hút sỏi nhỏ và vụn sỏi ra khỏi đường tiết niệu.

Chỉ định

Phương pháp này được chỉ định cho những trường hợp sỏi nhóm đài dưới, sỏi cứng, sỏi san hô, sỏi lớn, sỏi bể thận.

Ưu điểm

Phương pháp này có thể lấy toàn bộ những viên sỏi thận chỉ sau 1 lần can thiệp và áp dụng được đối với những sỏi to.

Nhược điểm

Sau mổ, đường hầm để cho ống nội soi xuyên vào vị trí sỏi có thể bị nhiễm trùng. Quá trình tán kéo dài, đôi khi có thể gây mất máu cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật có để lại sẹo và phải nằm lại viện khoảng 3-5 ngày.. Phương pháp này chi phí khá cao.

Tóm lại, khi bị bệnh sỏi thận, bệnh nhân không nên quá lo lắng, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị một cách hiệu quả, an toàn và không để lại biến chứng sau khi tiến hành phẫu thuật.

Cả 3 kỹ thuật tán sỏi kể trên đều đang được sử dụng tại hệ thống Y tế Vinmec. Quý khách bị sỏi thận nên lựa chọn điều trị ở những cơ sở y tế uy tín như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Tại đây có đầy đủ trang thiết bị phục vụ tốt cho các kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp, kỹ thuật tán sỏi được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ có tay nghề cao, được đào tạo bài bản. Đặc biệt Vinmec luôn chú trọng cập nhật những tiến bộ y khoa mới nhất trên thế giới trong điều trị sỏi thận.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe