Viêm tĩnh mạch: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lã Thị Thùy - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tĩnh mạch là mạch máu dẫn máu từ các cơ quan về lại tim. Chúng vẫn có nguy cơ bị viêm hay tổn thương khi bị tác động vào, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể hay đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.

1. Viêm tĩnh mạch là gì?

Bệnh lý mạch máu ngoại biên là các bệnh về mạch máu không phải nuôi dưỡng cho tim, não và động mạch chủ. Nói cách khác, đây là nhóm bệnh về động mạch, tĩnh mạch và bạch mạch có chức năng cung cấp máu cho các cơ quan ở phía xa hơn như tay, chân. Viêm tĩnh mạch cũng là một bệnh lý thường gặp trong nhóm các bệnh mạch máu ngoại biên.

Nếu động mạch là những mạch máu dẫn máu từ tim đi đến các cơ quan trong cơ thể, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng thì tĩnh mạch là con đường hồi lưu máu từ các cơ quan trở về tim. Viêm tĩnh mạch được nghĩ đến khi những mạch máu này bị tổn thương, biến dạng cấu trúc, sưng đau hay viêm nhiễm.

Tùy vào đặc điểm tĩnh mạch bị tổn thương, bệnh lý viêm tĩnh mạch chia làm hai nhóm: Viêm tĩnh mạch nôngviêm tĩnh mạch sâu.

  • Tĩnh mạch nông có kích thước nhỏ, nằm nông dưới da và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tình trạng viêm tĩnh mạch thường có nguyên nhân là do yếu tố bên ngoài gây tác động vào, như đặt ống thông tĩnh mạch để truyền dịch hay truyền thuốc, các loại dịch ưu trương. Viêm tĩnh mạch nông có thể tự thuyên giảm khi ngưng tác động mà không cần điều trị đặc hiệu gì.
  • Tĩnh mạch sâu có kích thước lớn hơn, nằm sâu bên trong khối cơ chân, tay và có van nhằm giữ cho máu chảy một chiều trở về tim. Viêm tĩnh mạch sâu thường do có sự hiện diện của cục máu đông trong lòng tĩnh mạch và tình trạng này được gọi là viêm tắc tĩnh mạch. Khi đó, nó có nguy cơ di chuyển về phổi, gây hậu quả khó lường nếu không can thiệp kịp thời. Điều quan trọng là phải nhận biết các yếu tố nguy cơ, triệu chứng của bệnh để phát hiện sớm, điều trị sớm.

2. Các dấu hiệu của viêm tĩnh mạch là gì?

Tĩnh mạch bị tổn thương
Viêm tĩnh mạch thường gặp ở chân.

Bệnh viêm tĩnh mạch chân thường gặp hơn so với bệnh viêm tĩnh mạch tay, bởi lẽ tĩnh mạch chân nằm xa trung tâm hơn, còn chịu sức nặng cơ thể và cả trọng lực trái đất.

Dù cho có viêm tĩnh mạch nông hay sâu, người bệnh đều sẽ tự nhận thấy cảm giác đau trong vùng chi bị tổn thương, hạn chế vận động, vùng da xuất hiện dấu sưng tấy, phù, sờ thấy ấm nóng hơn chi đối bên.

Viêm tĩnh mạch nông thường khởi phát chậm từ một vùng da đỏ, mềm dọc theo tĩnh mạch trên da. Vùng da này có thể có cảm giác ấm, đau, sưng và ngứa, cảm giác như bỏng rát. Các triệu chứng nặng hơn khi để chân thấp đặc biệt khi bước chân xuống giường buổi sáng. Có thể kèm theo sốt nhẹ. Nếu có nhiễm trùng đi kèm thì triệu chứng có thể là sưng, nóng, đỏ, đau, sốt hay có tổn thương da.

Viêm tĩnh mạch sâu có triệu chứng giống viêm tĩnh mạch nông nhưng một số người không có triệu chứng. Một số người bị đau và phù toàn bộ chi dưới. Cơn đau dữ dội hơn nhưng khó xác định chính xác vị trí. Nếu viêm tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở bắp chân hay đùi, cơn đau có thể dễ nhận thấy hơn khi đi bộ hoặc gập chân.

Triệu chứng toàn thân thường đi kèm trong các trường hợp viêm tĩnh mạch sâu. Người bệnh sốt nhẹ âm ỉ, mệt mỏi hay hồi hộp, tim nhanh, khó thở, ho ra máu nếu huyết khối di chuyển lên phổi gây thuyên tắc phổi, nhồi máu phổi.

3. Nguyên nhân gì gây ra viêm tĩnh mạch?

Viêm tĩnh mạch phần lớn là do những tác động từ bên ngoài, chấn thương hoặc khi niêm mạc mạch máu bị kích thích.

Trong trường hợp viêm tĩnh mạch nông, nguyên nhân có thể do thủ thuật đặt ống thông tĩnh mạch, vị trí luồn kim bị nhiễm trùng, tiêm thuốc có tính kích ứng cao, dịch truyền có nồng độ cao vào tĩnh mạch,...

Trong trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu, nguyên nhân còn có thể là hệ quả của các bệnh lý khác như chấn thương tĩnh mạch sâu do phẫu thuật, gãy xương. Nếu tình trạng thiếu vận động kéo dài, tịnh dưỡng lâu trên giường sau phẫu thuật hoặc ngồi sau chuyến bay dài, tư thế đứng lâu liên tục nhiều giờ khiến hệ thống tĩnh mạch bị dãn ra, lưu lượng máu trì trệ cũng tạo điều kiện hình thành huyết khối gây viêm tắc tĩnh mạch.

Ngoài ra, ở một số người, máu cũng có khả năng dễ đông máu hơn bình thường do các bệnh lý di truyền, mất quân bình giữa các yếu tố trong hệ thống đông cầm máu hay có thể là do các loại bệnh lý ung thư, rối loạn mô liên kết, bệnh tự miễn, dùng thuốc tránh thai hay các liệu pháp hormone, mang thai, thừa cân hoặc béo phì, hút thuốc lá, nghiện rượu,...

4. Viêm tĩnh mạch có nguy hiểm không?

Viêm tĩnh mạch nông thường khu trú và không dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nếu ngăn chặn ngay các yếu tố gây kích thích. Nếu để chậm trễ, viêm tĩnh mạch nông vô trùng sẽ dẫn đến viêm nhiễm trùng và khi tình trạng nhiễm trùng lan ra xung quanh sẽ tạo vết thương trên da hoặc thậm chí đi vào máu gây nhiễm trùng máu.

Đối với viêm tĩnh mạch sâu, ngoài những tổn thương do viêm nhiễm tại chỗ, biến chứng đáng e ngại là khi cục máu đông theo mạch máu di chuyển lên phổi, gây thuyên tắc động mạch phổi. Máu đến phổi không được sẽ dẫn đến nhồi máu phổi. Nếu thể tích vùng phổi bị hoại tử lớn, máu không được nhận oxy từ bên ngoài vào, bệnh nhân dễ dẫn đến suy hô hấp, trụy tuần hoàn và tử vong. Chính vì vậy, huyết khối tĩnh mạch sâu gây biến chứng thuyên tắc phổi là một trường hợp cấp cứu nội khoa cần được điều trị ngay lập tức.

5. Cách chẩn đoán và điều trị viêm tĩnh mạch

Chẩn đoán viêm tĩnh mạch nông thường đơn giản, dễ nhận biết khi nhận thấy các nguồn tác động. Việc điều trị chỉ cần tháo bỏ ống thông tĩnh mạch, vệ sinh vết thương nếu nguyên nhân là do đặt kim tĩnh mạch; lập đường truyền tĩnh mạch trung tâm khi phải truyền các dung dịch ưu trương, dịch dinh dưỡng, sử dụng thuốc kháng viêm,... Từ đó, tình trạng viêm, sưng đỏ sẽ mau chóng cải thiện dần. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng, chảy dịch mủ, bệnh nhân có thể cần được chỉ định kháng sinh vài ngày.

Đối với viêm tĩnh mạch sâu, ngoài những triệu chứng cơ năng, các yếu tố nguy cơ, bệnh có thể phải dựa vào xét nghiệm, hình ảnh học để chẩn đoán. Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm mạch máu bên chi bị ảnh hưởng và vận tốc sóng âm giúp đánh giá tốc độ dòng chảy, có bị tắc nghẽn hay không; đôi khi có thể quan sát thấy huyết khối, mô tả được kích thước, vị trí qua đầu dò siêu âm. Nếu không loại trừ được khả năng thuyên tắc phổi, nhất là khi bệnh nhân có các triệu chứng như khó thở, suy hô hấp, rối loạn huyết động, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có cản quang cần nhanh chóng thực hiện để kiểm tra sự hiện diện của cục máu đông trong động mạch phổi.

Việc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu luôn phức tạp và phác đồ kéo dài hơn so với bệnh lý trên tĩnh mạch nông. Liệu trình thuốc chống đông máu liên tục trong ba tháng hoặc sáu tháng và đôi khi suốt đời nếu lý do của sự hình thành huyết khối không giải quyết được trọn vẹn. Đối với các bệnh nhân có chống chỉ định với thuốc kháng đông hay gặp phải các biến chứng do thuốc, các trường hợp này cần can thiệp đặt lưới lọc trên tĩnh mạch chủ nhằm ngăn chặn cục máu đông từ chi dưới di chuyển về phổi.

Những bệnh nhân có biến chứng thuyên tắc phổi cũng được chỉ định thuốc kháng đông lâu dài. Tuy nhiên, trong các tình huống cấp cứu, nguy kịch tính mạng, thuốc tiêu sợi huyết nhằm làm tan cục máu đông cần chỉ định tức thì hoặc các thủ thuật can thiệp nội mạch nhanh chóng lấy cục máu đông ra khỏi cơ thể.

6. Làm thế nào để phòng ngừa viêm tĩnh mạch?

Thăm khám lâm sàng
Vận động sau phẫu thuật sớm giúp bệnh nhân nhanh hồi phục

Viêm tĩnh mạch sâu dễ gặp trong cộng đồng và nguy hiểm hơn so với viêm tĩnh mạch nông. Cần tránh các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông để hạn chế khả năng bị viêm tắc tĩnh mạch sâu. Các biện pháp đó là:

  • Tập vận động lại càng sớm càng tốt sau khi phẫu thuật, ngay cả vận động thụ động trên giường.
  • Tránh tư thế đứng lâu một vị trí. Nên mang vớ nén áp lực nếu công việc đòi hỏi phải đi đứng nhiều.
  • Thường xuyên đứng lên, đi vài bước hay duỗi chân tại chỗ và uống nhiều nước khi ngồi trên chuyến bay dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan