Vấn đề sức khỏe cho người đồng tính nam và nam có quan hệ tình dục đồng giới

Hiểu được các vấn đề quan trọng đối với sức khỏe, từ bệnh lây truyền qua đường tình dục cho tới vấn đề trầm cảm đối với người đồng tính nam và nam có quan hệ tình dục đồng giới sẽ giúp họ biết được cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân.

1. Tự bảo vệ bản thân trước bệnh lây truyền qua đường tình dục

Nam giới có quan hệ đồng tính đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn nhiều lần, bao gồm cả HIV - virus gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

Để tự bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục:

  • Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác: mỗi lần quan hệ tình dục hãy sử dụng bao cao su mới, đặc biệt là quan hệ qua đường hậu môn và ngay cả quan hệ qua đường miệng. Chỉ nên sử dụng chất bôi trơn dạng nước, không sử dụng loại sáp chiết xuất từ xăng dầu, sữa dưỡng thể hoặc các loại dầu. Chất bôi trơn dạng dầu có thể làm hư hại bao cao su, dẫn tới rách bao cao su.
  • Chung thủy: một cách khác để phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục là chung thủy với một bạn tình không bị bệnh.
  • Hạn chế sử dụng rượu, không sử dụng ma túy: không trong trạng thái tỉnh táo dễ dẫn tới quan hệ tình dục không an toàn; không dùng chung bơm kim tiêm nếu sử dụng ma túy.
  • Tiêm chủng: tiêm chủng giúp phòng tránh một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan virus A và B, nhưng không phải tất cả các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục đều phòng tránh được bằng vắc xin, như viêm gan virus C (căn bệnh có thể dẫn tới suy gan, ung thư gan và tử vong) không có vắc xin phòng ngừa. Vắc xin phòng virus gây u nhú ở người (virus HPV) có thể tiêm ngừa cho nam giới từ 26 tuổi trở xuống. HPV có mối liên quan tới ung thư trực tràng ở nam giới quan hệ đồng tính.
  • Kiểm tra sức khỏe cho cả bạn thân và bạn tình: đừng quan hệ tình dục không an toàn trừ khi chắc chắn cả hai người không bị HIV cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Việc đi khám rất quan trọng, bởi nhiều người không biết bản thân bị bệnh hoặc chủ quan với sức khỏe của chính mình.
  • Thuốc chống phơi nhiễm (PrEP): thuốc chống phơi nhiễm là một phương pháp giúp những người khỏe mạnh phòng tránh nhiễm HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày. Thuốc sử dụng là thuốc phối hợp của emtricitabine và tenofovir (biệt dược: Truvada), có thể làm giảm nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục ở những đối tượng có nguy cơ cao. Truvada cũng là thuốc trong phác đồ điều trị HIV. Trước khi sử dụng Truvada để phòng tránh HIV, bác sĩ cần chắc chắn người sử dụng không nhiễm HIV. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cần xét nghiệm virus viêm gan B, nếu nhiễm virus viêm gan B sẽ cần kiểm tra chức năng thận trước khi kê đơn Truvada. Thuốc cần được tuân thủ sử dụng nghiêm ngặt hàng ngày, và các biện pháp phòng tránh khác vẫn nên được sử dụng, như dùng bao cao su mỗi khi quan hệ.

Phòng ngừa HIV bằng thuốc chống phơi nhiễm PrEP
Phòng ngừa HIV bằng thuốc chống phơi nhiễm PrEP
  • Chống trầm cảm: người đồng tính nam và nam giới có quan hệ tình dục đồng tính đối mặt với nguy cơ trầm cảm và rối loạn lo âu cao hơn bình thường. Nếu e ngại đi khám, hãy chia sẻ tâm trạng với người bạn tin tưởng hoặc người yêu, đây là bước khởi đầu giúp quá trình điều trị được diễn ra thuận lợi hơn.

2. Xác định rõ mối lo âu về ngoại hình

Người đồng tính nam dễ mắc các vấn đề lo âu về ngoại hình và rối loạn ăn uống (như chán ăn hoặc tuyệt thực tâm lý) hơn người dị tính.

Có một giả thuyết cho rằng vì bị ám ảnh bởi hình tượng người đồng tính ẻo lả, người đàn ông cơ bắp, nên một số người đồng tính nam hoặc nam giới song tính cảm thấy lo lắng quá mức về vấn đề cân nặng.

Nếu như gặp phải lo âu về ngoại hình hay rối loạn ăn uống, đừng ngần ngại tới khám bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để có điều trị thích hợp.

3. Tìm kiếm sự giúp đỡ khi rơi vào tình trạng lạm dụng chất kích thích

Ở Hoa Kỳ, người đồng tính nam thường hút thuốc nhiều hơn so với người dị tính, và họ cũng uống rượu nhiều hơn so với mức trung bình chung.

Nếu rơi vào tình trạng lạm dụng chất kích thích, đừng ngần ngại tìm sự trợ giúp từ các tổ chức của người đồng tính, các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần, hoặc các trung tâm có điều trị lạm dụng chất kích thích.

3.1 Nhận thức về bạo hành

Bạo hành ảnh hưởng tới mọi đối tượng trong một mối quan hệ. Người đồng tính nam có xu hướng im lặng trong tình huống này bởi sự lo ngại về phân biệt đối xử cũng như thiếu nơi trốn tránh tạm thời cho họ.


Bị đối xử lạm dụng dẫn tới tình trạng trầm cảm, lo âu và tuyệt vọng
Bị đối xử lạm dụng dẫn tới tình trạng trầm cảm, lo âu và tuyệt vọng

Bị đối xử lạm dụng dẫn tới tình trạng trầm cảm, lo âu và tuyệt vọng. Nếu giữ kín xu hướng tình dục thì khi bị bạo lực sẽ khó tìm được sự giúp đỡ. Chỉ có hành động càng sớm càng tốt mới có thể đẩy lùi nạn bạo hành.

Trong trường hợp bị bạo hành, hãy chia sẻ với bất kỳ ai, có thể là bạn bè, người yêu, nhân viên y tế hay một mối quan hệ thân thiết nào đó, thậm chí hãy gọi điện cho đường dây nóng chuyên hỗ trợ về vấn đề bạo hành và lên kế hoạch rời xa kẻ bạo hành.

3.2 Đưa chăm sóc sức khỏe định kỳ thành mục tiêu ưu tiên

Đừng để nỗi lo sợ về quan hệ đồng tính hay bất kỳ sự kỳ thị xu hướng tình dục nào cản trở tới việc chăm sóc sức khỏe.

Hãy lựa chọn một bác sĩ mang lại sự tin tưởng. Đừng ngần ngại thừa nhận mình là người đồng tính nam hay song tính, hãy xin tư vấn về những tầm soát nên thực hiện ở độ tuổi của mình, như huyết áp, nồng độ cholesterol, tiền liệt tuyến, tinh hoàn hay tầm soát ung thư đại trực tràng.

Nếu không phải là người chung thủy, hãy định kỳ tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hãy tin tưởng và chia sẻ những lo lắng về sức khỏe với bác sĩ, nhằm sớm phát hiện và điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe