Uống thuốc kháng sinh có làm tăng đường huyết không?

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh có thể tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với sức khỏe. Vậy uống thuốc kháng sinh có làm tăng đường huyết không? Các bạn hãy tham khảo thông tin lời giải trong bài viết dưới đây.

1. Uống thuốc kháng sinh có làm tăng đường huyết không?

Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện mới đây bởi các nhà khoa học Đan Mạch, việc lạm dụng kháng sinh có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cho người bệnh.

Để có được kết quả này, Tiến sĩ Kristinan Hallundbæk Mikkelsen và các đồng sự tại bệnh viện Gentofte Đan Mạch đã tiến hành khảo sát, theo dõi thói quen sử dụng kháng sinh trên một nhóm tình nguyện gồm 170.504 người bệnh tiểu đường type 2 và 1,3 triệu người không mắc bệnh, ở những độ tuổi và giới tính bất kỳ.

Sau một thời gian dài thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng thuốc kháng sinh ở người bệnh tiểu đường type 2 sử dụng là 0,8% trong khi người bình thường sử dụng là 0,5%. Từ đây, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng việc lạm dụng kháng sinh làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2, đặc biệt là đối với các loại kháng sinh có phổ hẹp như Penicillin V.

Về nguyên nhân của điều này, các chuyên gia cho biết việc sử dụng kháng sinh trong thời gian dài có thể sẽ làm thay đổi hệ vi khuẩn trong đường ruột của cơ thể. Điều này sẽ gây rối loạn chuyển hóa đường và là tiền đề phát triển bệnh tiểu đường type 2.

Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả nghiên cứu ban đầu, sẽ cần phải có nhiều cuộc khảo sát hơn nữa để có thể xác định chính xác lý do làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 để góp phần ngăn chặn hoặc chẩn đoán sớm bệnh.

2. Các loại thuốc làm tăng đường huyết khác ngoài kháng sinh

Bên cạnh kháng sinh, một số thuốc làm tăng đường huyết phổ biến gồm có:

  • Cortisol và các chế phẩm liên quan: Bao gồm các loại như prednisolon, methylprednisolon, dexamethason... có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch nên được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh liên quan đến phản ứng viêm (như viêm khớp hay dị ứng)... Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là gây tăng đường huyết do tăng việc chuyển hóa glucose, tăng đề kháng insulin.
  • Hormon tuyến giáp: Bao gồm các loại thuốc như levothyroxin, levothyrox, L-thyroxin do có khả năng làm tăng đề kháng insulin. Tuy nhiên, việc tăng đường huyết khi dùng levothyroxin, levothyrox, L-thyroxin chỉ xảy ra khi dùng với liều cao. Trường hợp bệnh nhân dùng liều thấp và trung bình thì thường không thể hiện hiệu ứng lâm sàng bất lợi này. Do đó với những người bệnh đái tháo đường mà bị suy tuyến giáp, bạn hoàn toàn vẫn có thể dùng các thuốc này với liều điều trị thông thường.
  • Hormon có cấu trúc steroid: Gồm có estrogen, progesterone sẽ gây tăng đường huyết do làm tăng đề kháng với insulin ở các mô. Đặc biệt, nguy cơ tăng đường huyết thường xảy ra nhiều ở phụ nữ bị thừa cân, béo phì hoặc có tiền sử tiểu đường thai nghén. Bởi thế, các chuyên gia khuyến cáo hạn chế sử dụng những loại thuốc này cho người béo phì, người bệnh đái tháo đường.
  • Các thuốc lợi tiểu: Danh sách này gồm có các loại thuốc lợi tiểu nhóm thiazid (tiêu biểu như hydroclorothiazid, chlorothiazide); nhóm lợi tiểu quai (tiêu biểu như furosemid, bumetanid); nhóm sulfamid (tiêu biểu như acetazolamide, indapamid) làm tăng đường huyết do trực tiếp làm giảm tiết insulin của tuyến tụy, tăng đề kháng insulin. Với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường kèm theo bệnh tăng huyết áp, suy tim, bạn sẽ cần phải cân nhắc cẩn thận khi dùng các thuốc lợi tiểu nhóm này.
  • Một số thuốc khác: Bao gồm Cyclophosphamide (dùng trong các bệnh khớp, ung thư); các thuốc chẹn beta (dùng điều trị tăng huyết áp, suy tim, nhịp tim nhanh); các thuốc chống viêm không steroid (dùng trong viêm khớp dạng thấp, gút); thuốc Phenytoin (dùng chống động kinh); Phenobarbital (dùng an thần, gây ngủ); Niacin (dùng điều trị rối loạn mỡ máu); các thuốc chứa đường với hàm lượng cao (như siro ho, dung dịch tiêm truyền glucose)...

Trên đây là một số thông tin về thuốc làm tăng đường huyết. Để giảm thiểu những tác dụng phụ của thuốc, các bạn hãy chú ý dùng thuốc đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan