Nạo vét hạch cổ trong ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật

Nạo vét hạch cổ thông thường được chỉ định cùng lúc với phẫu thuật tuyến giáp, tuy nhiên một số trường hợp chưa nạo vét hạch cổ khi phẫu thuật cắt khối u. Những trường hợp này người bệnh cần tiến hành nạo vét hạch sau khi phẫu thuật nhằm hạn chế và ngăn ngừa sự di căn của các tế bào ác tính.

1. Đại cương

Ung thư tuyến giáp là tình trạng tăng sinh bất thường của các tế bào ác tính tại tuyến giáp, bệnh không phổ biến với tỷ lệ mắc từ 0,7-2,3%. Ung thư tuyến giáp có tiên lương tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Ung thư tuyến giáp nếu phát hiện sớm chưa di căn thì phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, kết hợp với nạo vét hạch cổ tiệt căn là biện pháp điều trị mang lại hiệu quả cao.

Nạo vét hạch cổ là phẫu thuật nhằm loại bỏ các hạch bạch huyết giới hạn bởi phía trên là góc hàm, phía dưới là xương đòn, phía bên là bờ bên cơ ức móng, xương móng cho tới bờ trước của cơ thang. Thông thường hạch cổ được loại bỏ cùng lúc khi phẫu thuật loại bỏ khối u nguyên phát, tuy nhiên cũng có một số trường hợp vì nguyên nhân nào đó mà chưa loại bỏ hạch cổ trong quá trình phẫu thuật.

Các tế bào ung thư tuyến giáp có thể xâm nhập vào các hạch bạch huyết vùng lân cận sau đó di căn tới các cơ quan của cơ thể và phát triển. Nên việc nạo hạch cổ giúp ngăn ngừa và giảm nguy cơ các tế bào ung thư di căn sang các vùng khác của cơ thể.

Sưng hạch bạch huyết
Nạo vét hạch cổ là phẫu thuật nhằm loại bỏ các hạch bạch huyết

2. Kỹ thuật nạo vét hạch cổ trong ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật

2.1 Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định: Người bệnh cắt toàn bộ tuyến giáp mà chưa nạo vét hạch hoặc trường hạch di căn vùng cổ sau mổ ung thư giáp.

Chống chỉ định: Không có chống chỉ định tuyệt đối, nên chú ý khi phẫu thuật cho người có sức khỏe kém, người cao tuổi và mắc bệnh mạn tính.

2.2 Chuẩn bị

  • Người thực hiện: Kíp mổ cần có bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, bác sĩ phụ phẫu thuật và gây mê, điều dưỡng và kỹ thuật viên hỗ trợ.
  • Phương tiện: Dụng cụ dùng để gây mê và phẫu thuật, thuốc trong trường hợp có những bất thường xảy ra.
  • Người bệnh: Được khám và giải thích về bệnh tình cho người bệnh, xét nghiệm cơ bản trước mổ. Có thể cho thuốc an thần tối hôm trước nếu cần.

2.3 Các bước tiến hành

Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, hai tay để dạng, cổ ưỡn và độn gối dưới vai sao cho có thể bộc lộ vùng phẫu thuật.

Gây mê: Gây mê nội khí quản

  • Tiền hành khởi mê cho bệnh nhân bằng thuốc gây mê đường hô hấp, thuốc gây mê đường tĩnh mạch hoặc cả hai loại kết hợp.
  • Sau khi khởi mê, người bệnh cơ đủ giãn và ngủ đủ sâu tiền hành đặt đặt nội khí quản. Kiểm soát hô hấp và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh bằng máy.

Tiến hành phẫu thuật:

  • Rạch da: Rạch da qua lớp cơ bám da cổ, ngay phía trên các tĩnh mạch cổ trước trên lớp nông của cân cổ sâu.
  • Nạo vét hạch:
    • Khoang trung tâm: Giới hạn phía trong là trục khí quản và thực quản, giới hạn ngoài là động mạch cảnh trong, giới hạn trên là sụn giáp, giới hạn dưới là trung thất trên. Tách hạch dọc theo đường đi của dây thần kinh quặt ngược, lấy bỏ toàn bộ hạch gồm cả tổ chức mỡ từ trên xuống dưới bao gồm các hạch trước, cạnh bên khí quản.
    • Khoang bên: Giới hạn phía ngoài động mạch cảnh trong. Loại bỏ toàn bộ tổ chức mỡ và hạch bảo tồn cơ ức đòn chũm, tĩnh mạch cảnh trong, dây thần kinh X.
    • Tiến hành lấy hạch cổ bên đối diện tương tự.
  • Đóng vết mổ khâu ngoài da: Tiến hành khâu tổn thương và đặt dẫn lưu dịch tại các khoang nạo vét hạch cổ.

2.4 Theo dõi sau phẫu thuật

  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn.
  • Các biến chứng sau rút ống nội khí quản và phẫu thuật như:
    • Chảy máu: Nếu sau mổ có dịch hồng ở bình dẫn lưu, giảm dần, sau 48 giờ hay 36 giờ có thể rút dẫn lưu. Khi bị chảy máu thì bình dẫn lưu có toàn máu đỏ tươi, mạch huyết áp tụt, người bệnh có thể lo lắng, hoảng hốt, nặng rối loạn trí giác..
    • Nhiễm trùng: Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, đau vùng mổ, có dịch bất thường mùi hôi chảy ra từ vị trí phẫu thuật, xét nghiệm thấy có hội chứng nhiễm khuẩn.
    • Rò bạch huyết: Xuất hiện dịch trắng như nước vo gạo qua dẫn lưu ra bình, số lượng tùy từng trường hợp, có thể có số lượng tới 500 ml/ngày.
    • Tại biến do đặt ống nội khí quản như: Suy hô hấp sau rút nội khí quản, viêm thanh-khí-phế quản...
Suy hô hấp
Tại biến do đặt ống nội khí quản như suy hô hấp sau rút nội khí quản

3. Tai biến và cách xử trí tai biến sau phẫu thuật nạo vét hạch cổ

  • Chảy máu: Chảy máu sau mổ có thể xảy ra, để đề phòng tai biến này cần chú ý các mép da và các mạch máu vùng phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng: Người bệnh sau phẫu thuật cần sử dụng kháng sinh để dự phòng tình trạng nhiễm khuẩn. Khi xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn, người bệnh cần điều trị bằng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ.
  • Rò bạch huyết: sau thay băng ép mà vẫn tiếp tục chảy dịch trắng, nhiều thì phải mở hốc mổ để kiểm tra lại vùng ống ngực để kẹp và buộc lại.
  • Tai biến do đặt ống nội khí quản
    • Suy hô hấp sau rút nội khí quản: Có nhiều nguyên nhân gây suy hô hấp sau khi rút nội khí quản, người bệnh biểu hiện khó thở tím tái. Cần cung cấp oxy đầy đủ cho người bệnh, nếu không tự thở được cần thở máy, đặt lại ống nội khí quản.
    • Khàn tiếng, viêm họng: Thường sẽ giảm sau vài ngày.

Phẫu thuật nạo vét hạch cổ rất cần thiết trong những trường hợp ung thư tuyến giáp chưa nạo hạch cổ hoặc có dấu hiệu nghi ngờ di căn hạch nhằm hạn chế sự di căn của tế bào ác tính sang các cơ quan trong cơ thể.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

28K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan