Trường hợp nào nên tháo vòng tránh thai?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản phụ khoa.

Sử dụng vòng tránh thai là một trong những phương pháp tránh thai khá phổ biến tại Việt Nam vì có chi phí thấp, dễ thực hiện và hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phụ nữ được khuyên nên tháo vòng tránh thai để tránh gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản.

1. Vòng tránh thai là gì?

Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ, thường có hình chữ T, được đặt vào lòng tử cung để không cho trứng thụ tinh và làm tổ trong tử cung, giúp tránh thai hiệu quả. Ưu điểm của phương pháp tránh thai bằng cách đặt vòng là thủ thuật thực hiện đơn giản, chi phí thấp và có hiệu quả tức thì từ thời điểm đặt vòng đến 5 năm sau. Bên cạnh đó, vòng tránh thai còn có thể hạn chế lượng máu mất đi trong chu kỳ kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh, giảm nguy cơ hình thành u xơ tử cung và nguy cơ viêm vùng chậu. Đồng thời, vòng tránh thai cũng không gây khó chịu khi sinh hoạt vợ chồng.

Vòng tránh thai được khuyến cáo sử dụng cho các chị em trong độ tuổi sinh sản (từ 18 – 49 tuổi).

2. Trường hợp không nên sử dụng vòng tránh thai

Vòng tránh thai là biện pháp tránh thai được áp dụng rất rộng rãi. Tuy nhiên, có một số trường hợp được khuyến cáo là không nên đặt vòng tránh thai.

2.1. Trường hợp tuyệt đối không đặt vòng tránh thai

  • Có thai hoặc nghi ngờ có thai.
  • Viêm nhiễm đường sinh dục.
  • Viêm niêm mạc tử cung sau khi sinh, sau phá thai nhiễm trùng trong 3 tháng trở lại đây.
  • Xuất huyết tử cung bất thường chưa rõ nguyên nhân.
  • Bệnh ác tính đường sinh dục.

2.2. Trường hợp không nên đặt vòng tránh thai

  • Phụ nữ chưa có con.
  • Có tiền sử thai ngoài tử cung, tái tạo tai vòi.
  • Bị bệnh van tim.
  • Bị rối loạn đông máu.
  • Có biểu hiện bất thường về tâm thần cản trở việc theo dõi vòng.
  • Bị lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung.
  • Bị sa sinh dục độ II, III.
  • Có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Tiền sử dị ứng đồng, bệnh Wilson, bất thường trong hấp thu chuyển hóa đồng.

3. Khi nào nên tháo vòng tránh thai?

khi-nao-thi-nen-thao-vong-tranh-thai-1
Tháo vòng tránh thai trong trường hợp vòng hết hạn sử dụng

Tháo vòng tránh thai khi nào là tốt nhất? Các chuyên gia sản phụ khoa khuyên phụ nữ nên tháo vòng tránh thai trong những trường hợp sau:

  • Vòng hết hạn sử dụng: Vòng tránh thai bằng chất dẻo có thời gian sử dụng 5 – 7 năm, vòng làm bằng thép không gỉ có thời hạn sử dụng 10 – 15 năm. Khi hết thời gian này, vòng tránh thai dễ bị gãy, gây ra các bệnh phụ khoa. Việc tháo vòng hết hạn sử dụng là điều cần thiết, đặc biệt với những phụ nữ đã hết tuổi sinh sản.
  • Ra máu khi đặt vòng: Những phụ nữ liên tục bị ra máu sau khi đặt vòng, kinh nguyệt bất thường kèm theo những triệu chứng khó chịu khác nên tháo vòng tránh thai.
  • Có ý định mang thai.
  • Chủ động muốn tháo vòng khi vòng bị rộng, đặt lệch, gây thủng tử cung nhưng chưa rơi vào khoang bụng.
  • Phụ nữ bị viêm vùng chậu cấp, u ác tính ở tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung nên tháo vòng để điều trị bệnh dễ dàng và hiệu quả hơn.
  • Phụ nữ đã mãn kinh 6 tháng vì lúc này tác dụng phòng tránh thai của vòng đã không còn.

Chú ý: Một số trường hợp phụ nữ mang thai khi vẫn còn vòng tránh thai trong cơ thể. Khi gặp tình huống này, thai phụ nên đi thăm khám tại những bệnh viện lớn để được tư vấn lựa chọn phương án an toàn nhất.

4. Một số lưu ý khi tháo vòng tránh thai

khi-nao-thi-nen-thao-vong-tranh-thai-2
Nên thực hiện thủ thuật tháo vòng tránh thai vào ngày gần sạch kinh nguyệt

Khi tháo vòng tránh thai, phụ nữ cần chú ý tới một số vấn đề sau:

  • Phụ nữ đến thời kỳ tháo vòng nhưng không đủ sức khỏe hoặc đang trong thời gian mắc bệnh cấp tính sẽ tạm thời chưa lấy vòng cho tới khi phục hồi sức khỏe.
  • Phụ nữ bị viêm nhiễm cơ quan sinh dục cần điều trị dứt điểm viêm nhiễm rồi mới tiến hành tháo vòng.
  • Nên thực hiện thủ thuật tháo vòng tránh thai vào ngày gần sạch kinh.
  • Không nên có con ngay sau khi tháo vòng vì sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thai nhi. Thời điểm có con tốt nhất là sau 2 – 3 tháng tháo vòng để tử cung hoàn toàn ổn định.
  • Sau khi tháo vòng phụ nữ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc dùng thuốc kháng viêm, tránh viêm nhiễm và dính buồng tử cung.
  • Nếu không may vòng tránh thai lọt vào khoang bụng cần tiến hành phẫu thuật nội soi gấp để lấy vòng. Sau đó, phụ nữ nên nghỉ ngơi 2 – 3 tuần trước khi đi làm lại để tránh gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe sau này.
  • Kiêng vận động mạnh, làm việc nặng ngay sau khi tháo vòng. Trong vòng 1 tiếng đầu sau khi tháo vòng, phụ nữ không nên đi lại nhiều, lên xuống cầu thang. Trong vòng 1 tuần sau tháo vòng, phụ nữ cần tránh hoạt động thể thao nặng hay bơi lội, leo núi.
  • Kiêng thụt rửa vùng kín, ngâm mình trong bồn nước để tránh gây viêm nhiễm phụ khoa.
  • Kiêng quan hệ tình dục ngay sau khi tháo vòng tránh thai để tránh gây chảy máu âm đạo và bệnh phụ khoa do viêm nhiễm. Sau khi tháo vòng 7 – 10 ngày có thể sinh hoạt vợ chồng lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

31.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan