Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng laser

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới diễn tiến âm thầm, có thể gây ra các biến chứng như huyết khối tĩnh mạch nông và huyết khối mạch sâu gây đau, phù nề 2 chi dưới. Nguyên nhân bệnh lý có thể liên quan đến yếu tố di truyền, nghề nghiệp đòi hỏi phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động...

1. Các giai đoạn của suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Trên thế giới đã chia các giai đoạn của suy giãn tĩnh mạch thành 7 giai đoạn, được tính từ giai đoạn 0 cho đến giai đoạn 6 theo mức độ nặng dần của bệnh.

  • Giai đoạn 0: Giai đoạn sớm của bệnh, nhìn chân vẫn bình thường. Có các triệu chứng nhẹ, mơ hồ, khó phát hiện được, như sưng chân, tê chân, mỏi chân, nặng bắp chân, cảm giác kiến bò dọc cẳng chân, chuột rút ban đêm.
  • Giai đoạn 1: Tĩnh mạch có thể giãn nhẹ dưới chân, dạng mạng lưới nhìn thấy trên chân.
  • Giai đoạn 2: Tĩnh mạch có thể nổi ngoằn ngoèo dưới da.
  • Giai đoạn 3: Gồm những triệu chứng của giai đoạn 2, kèm theo phù chân.
  • Giai đoạn 4: Thay đổi màu sắc của da ở dưới chân như cẳng chân, cổ chân. Phù chân, chàm.
  • Giai đoạn 5: Loạn dưỡng da, phù chân, loét chân nhưng vết sẹo đã lành.
  • Giai đoạn 6: Loạn lưỡng da, vết loét tiến triển.
Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ của suy giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính
Trên thế giới đã chia các giai đoạn của suy giãn tĩnh mạch thành 7 giai đoạn

2. Phương pháp điều trị của suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Có nhiều phương pháp điều trị của suy giãn tĩnh mạch chi dưới, thông thường dùng thuốc điều trị (điều trị nội khoa) nhằm bảo tồn suy giãn tĩnh mạch không biến chứng. Các phương pháp tốt nhất trong giãn tĩnh mạch chi dưới thường là thể thao, bơi lội hoặc yoga. Nếu giai đoạn nặng hơn thì cần can thiệp để điều trị, như thời gian trước đây, bác sĩ sẽ mổ hở để giải phẫu các tĩnh mạch giãn.

Khi phát hiện bệnh sớm, bệnh nhân có thể được điều trị bằng vớ y tế và thuốc. Khi nặng hơn thì cần được can thiệp để loại bỏ các tĩnh mạch suy giãn. Điều trị hợp lý bệnh giãn tĩnh mạch sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm các chi phí điều trị không cần thiết và tránh được các biến chứng như huyết khối tĩnh mạch, loét chân khó lành.

  • Thuốc: chống đông, giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, làm tan cục máu, làm bền thành mạch (aescin, flavonoid)...
  • Băng ép: Vớ y khoa, thun cuộn, máy áp lực.
  • Vật lý trị liệu.
Bài tập điều trị phục hồi chức năng suy giãn tĩnh mạch ở chi dưới
Điều trị hợp lý bệnh giãn tĩnh mạch sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống

3. Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng laser

Khi học phát triển, bệnh nhân có thể điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng laser, dùng nhiệt để đốt tĩnh mạch giãn, mang lại hiệu quả tuyệt đối. Sau khi áp dụng phương pháp mới này, bệnh nhân có thể về sinh hoạt bình thường.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng laser với nguyên lý dùng nhiệt từ ánh sáng laser để làm xẹp tĩnh mạch, bác sĩ sẽ luồn sợi laser vào lòng tĩnh mạch bị giãn. Sau khi bật nguồn, tia laser được chiếu vào vị trí cần can thiệp và kéo từ từ ra khiến hai thành tĩnh mạch dính liền với nhau. Song song đó, quá trình gây tê kết hợp bơm nước xung quanh tĩnh mạch sẽ giúp giảm ảnh hưởng của tia laser lên các mô xung quanh, hạn chế làm bỏng mô cũng như tránh các biến chứng lên các dây thần kinh cảm giác.

Bệnh nhân giãn tĩnh mạch chi dưới nặng nên điều trị bằng phương pháp laser nội tĩnh mạch. Bởi vì quy trình thực hiện nhanh chóng, ít xâm lấn và ít biến chứng. Thời gian điều trị ngắn, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày. Ngoài ra thời gian phục hồi khá nhanh, bệnh nhân có thể đi lại ngay sau phẫu thuật. Đây là phương pháp có tỉ lệ thành công và tính thẩm mỹ cao nhất.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng laser hoàn toàn không không để lại sẹo, thời gian hồi phục ngắn, Ngày hôm sau người bệnh có thể trở lại làm việc bình thường.

Những lợi ích của điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng laser là hủy những tĩnh mạch nông bị giãn bị rối loạn chức năng giúp bệnh nhân không còn các triệu chứng, cũng như phòng ngừa các biến chứng của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới. Phần lớn trường hợp, những triệu chứng khó chịu do bệnh suy giãn tĩnh mạch sẽ biến mất hoàn toàn.

Đốt laser nội tĩnh mạch
Sử dụng laser điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

4. Nên làm gì để tránh các biến chứng

  • Suy van tĩnh mạch chi dưới diễn biến mạn tính lâu dài theo thời gian và tuổi tác.
  • Cần tập trung chữa trị tốt, có kế hoạch theo dõi tái khám định kỳ khi bệnh còn ở giai đoạn sớm. Điều trị bằng thuốc và vớ áp lực ở giai đoạn giãn tĩnh mạch nhỏ dạng mạng nhện hay dạng lưới. Ở giai đoạn giãn thân tĩnh mạch, cần đến phẫu thuật cắt bỏ hoặc can thiệp nội mạch phối hợp với điều trị nội khoa.
  • Cần thay đổi thói quen làm việc và sinh hoạt; tránh đứng lâu hoặc ngồi bất động kéo dài; khi đi ô tô hay máy bay đường dài thì phải gấp duỗi chân từng lúc cho máu lưu thông, uống nhiều nước, mang tất dài hỗ trợ; giảm cân khi dư thừa; dùng thuốc đề phòng huyết khối tĩnh mạch sâu khi có chỉ định.
  • Các tổn thương van tĩnh mạch mạn tính tuy không thể hồi phục, nhưng nếu điều trị tốt, người bệnh vẫn còn có thể làm việc sinh hoạt bình thường.

5. Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Cần tạo thói quen duy trì lối sống lành mạnh như tập thể dục đều đặn, chế độ ăn uống hợp lý,... Với những công việc có tính đặc thù phải ngồi lâu, đứng nhiều,... khi đã bị suy giãn tĩnh mạch rồi có thể thay đổi công việc tránh việc đứng lâu khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Tăng cường vận động, thể thao bơi lội là phương pháp tốt nhất cho tĩnh mạch.

Khi đi trên tàu xe, máy bay trong thời gian dài phải tạo tư thế ngồi thoải mái, thỉnh thoảng nên đi lại cho khí huyết lưu thông. Vì vậy, khoảng 1-2 tiếng đồng hồ, nên đứng dậy và đi loanh quanh, co duỗi cơ chân.

Không ngâm chân nước nóng vì khi nóng làm giãn mạch máu ngày nặng hơn.

Uống đầy đủ nước, duy trì trọng lượng hợp lý, chế độ ăn uống nhiều chất xơ.

Nhận biết các dấu hiệu của bệnh để phòng tránh: Sưng, đỏ, đau, hoặc thay đổi màu sắc trên da chân nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bệnh suy giãn tĩnh mạch này sẽ giãn nở khi gặp nhiệt độ nóng, vì thế nên hạn chế ngâm chân ở nước nóng. Khi tắm nước nóng dưới vòi sen thì hạn chế đứng. Nên ngồi hoặc tắm trong bồn.

Bơi lội
Bơi lội giúp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng laser đã và đang là hướng đi mới trong điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới. Các Bác sĩ nhận thấy đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn, ít biến chứng và đặc biệt là tỉ lệ thành công cao. Ưu điểm của phương pháp này là có thể điều trị ngoại trú, tĩnh thẩm mỹ cao, thời gian hồi phục nhanh và với những cải tiến mới đã làm giá thành điều trị xuống mức thấp nhất có thể.

Biến chứng nặng nề nhất của suy giãn tĩnh mạch chi dưới là hình thành huyết khối trong lòng mạch gây tắc, diễn biến thành mảng biến đổi sắc tố trên da và loét hoại tử vùng da.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan