Tìm hiểu về phương pháp đặt vòng tránh thai

Đặt vòng tránh thai là một phương pháp được nhiều người sử dụng nhờ hiệu quả tránh thai cao lên tới 98%. Đây là một dụng cụ đặt trong tử cung, hoạt động dựa trên cơ chế ngăn cản quá trình thụ tinh và làm tổ của trứng. Tuy nhiên, phụ nữ cần lưu ý một số vấn đề trước khi đặt để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản.  

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ hình chữ T được đưa vào lòng tử cung để ngăn ngừa mang thai. Hiện nay, có hai loại vòng chính đang được sử dụng là: vòng đồng (tác dụng kéo dài từ 5 đến 10 năm) và vòng nội tiết (hiệu quả trong khoảng 3 đến 5 năm).

Không phải tất cả phụ nữ đều có thể sử dụng vòng tránh thai. Nếu không hợp, một số triệu chứng như đau bụng, đau lưng, ra máu kinh nhiều hay thậm chí là gây thiếu máu sẽ xảy ra.

Trước khi đặt vòng, phụ nữ cần khám phụ khoa để phát hiện và điều trị kịp thời các viêm nhiễm đường sinh dục. Bởi nếu không, viêm nhiễm có thể theo vòng lan lên trên, gây viêm lan rộng và thậm chí dẫn đến chửa ngoài tử cung khi mang vòng.

Khi mang vòng tránh thai mà xuất hiện các dấu hiệu bất thường như dịch âm đạo có màu vàng, xanh, tiết nhiều, có mùi hôi khó chịu, âm hộ ngứa ngáy thì chị em phụ nữ cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

2. Thời điểm đặt vòng tránh thai

Ngay sau khi sạch kinh là thời điểm thích hợp nhất để đặt vòng tránh thai. Đối với phụ nữ sau sinh thường, thời gian đặt vòng thường là sau 6 tuần. Còn đối với sản phụ sinh mổ, do tử cung cần thời gian lành lại lâu hơn nên việc đặt vòng thường được thực hiện sau 3 tháng trở lên. Riêng đối với những trường hợp sau hút thai hoặc sẩy thai, phụ nữ cần chờ kinh nguyệt ổn định trở lại mới tiến hành đặt vòng. 

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

Thời điểm đặt vòng thích hợp nhất là sau khi sạch kinh.
Thời điểm đặt vòng thích hợp nhất là sau khi sạch kinh.

3. Quy trình đặt vòng

3.1 Trước khi đặt vòng

Phụ nữ nên đối chiếu kỹ ưu, nhược điểm của phương pháp đặt vòng tránh thai với bản thân trước khi quyết định.

3.2 Đặt vòng tránh thai

Để cảm nhận các cơ quan vùng chậu, bác sĩ sẽ đặt một tay lên bụng bệnh nhân trong khi chèn hai ngón tay vào âm đạo. Bằng cách này, vị trí và kích thước của tử cung sẽ được xác định chính xác để tiến hành đặt vòng.

Sau đó, âm đạo sẽ được mở ra bằng dụng cụ y tế chuyên dụng (dụng cụ mỏ vịt) và khử trùng kỹ lưỡng nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ được gây tê. Cuối cùng, vòng tránh thai sẽ được luồn nhẹ nhàng qua cổ tử cung và mở ra thành hình chữ T khi đến tử cung.

Mặc dù chỉ mất vài phút để đặt vòng nhưng nhiều người vẫn cảm thấy hơi khó chịu trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ sẽ trở lại các hoạt động hàng ngày ngay sau đó. Để đề phòng trường hợp bị chảy máu sau đặt vòng, người bệnh sẽ được đề nghị mang theo băng vệ sinh sau khi đeo vòng tránh thai.

3.3 Sau khi đặt vòng  

Nhằm đảm bảo vòng tránh thai luôn đặt đúng vị trí, phụ nữ nên đi kiểm tra định kỳ hàng tháng.  

Ngoài ra, chị em có thể tự kiểm tra tại nhà bằng cách rửa sạch tay, đưa ngón tay vào âm đạo đến khi chạm cổ tử cung. Vòng tránh thai được đặt ở vị trí thích hợp nếu cảm thấy sợi dây từ cổ tử cung. Tuy nhiên, chị em chỉ nên chạm nhẹ vào sợi dây và tuyệt đối không kéo vì có thể làm xê dịch vòng.

Trong trường hợp bị chảy máu quá nhiều, phụ nữ nên đi gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.  

Đặt vòng tránh thai.
Đặt vòng tránh thai.

4. Chống chỉ định đặt vòng cho những ai?

Mặc dù có tỷ lệ tránh thai cao và nhiều ưu điểm nhưng vẫn có những trường hợp không nên đặt vòng tránh thai, bao gồm:  

  • Nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai
  • Trong vòng ba tháng trước khi đặt vòng, phụ nữ đang bị viêm vùng chậu, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc mắc các bệnh này.
  • Bệnh lý ác tính đường sinh dục.
  • Lòng tử cung bị biến dạng do bị tật bẩm sinh hoặc u xơ.  
  • Xuất huyết đường sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán và điều trị.
  • Các trường hợp có tổn thương nặng chưa lành, chưa kiểm soát được băng huyết và thiếu máu cấp tính hoặc ngay sau hút thai. 
Phụ nữ mang thai là đối tượng không nên sử dụng biện pháp đặt vòng.
Phụ nữ mang thai là đối tượng không nên sử dụng biện pháp đặt vòng.

Phụ nữ nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn nếu xuất hiện triệu chứng bất thường. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe