Tìm hiểu liệu pháp insulin nền

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Hiện có nhiều phác đồ điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường. Và liệu pháp insulin nền đang được sử dụng rộng rãi vì có hiệu quả kéo dài hơn so với insulin tác dụng nhanh.

1. Insulin là gì?

Khi ăn, một hệ thống được lập trình sẵn trong cơ thể sẽ gửi tín hiệu cho tuyến tụy tiết ra một loại hormone được gọi là insulin. Insulin có nhiệm vụ đưa glucose di chuyển vào các cơ, gan và tế bào mỡ để tạo thành năng lượng hoặc để dự trữ.

Với bệnh nhân tiểu đường, tuyến tụy không thể sản xuất đủ hoặc không sản xuất được insulin đáp ứng nhu cầu cơ thể. Bởi vậy, lượng đường trong máu sẽ tăng cao. Để kiểm soát lượng đường trong máu, bệnh nhân cần thay thế hoặc hỗ trợ chức năng của tuyến tụy bằng cách sử dụng insulin.

Khi sử dụng insulin, bệnh nhân đái tháo đường có thể dựa theo bữa ăn để giảm lượng đường huyết ngay sau khi dùng bữa. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần sử dụng một lượng nhỏ insulin giữa các bữa ăn để đảm bảo đường huyết ổn định. Đó là lý do insulin tác dụng kéo dài ra đời.

2. Insulin nền là gì?

Tìm hiểu liệu pháp insulin nền
Insulin tác dụng kéo dài còn được gọi là insulin nền

Có nhiều dạng insulin khác nhau. Điểm khác biệt của mỗi dạng nằm ở tốc độ giảm lượng đường trong máu nhanh hay chậm tính từ thời điểm tiêm, thời điểm tác động lên lượng đường huyết mạnh nhất và thời gian tác dụng kéo dài bao lâu. Các loại insulin đang được sử dụng hiện nay là:

  • Insulin tác dụng nhanh: Bắt đầu có hiệu quả chỉ sau 15 phút sau khi tiêm vào cơ thể, đạt đỉnh trong khoảng 30 - 90 phút và tác dụng kéo dài 3 - 5 giờ;
  • Insulin tác dụng ngắn (loại thông thường): Mất khoảng 30 - 60 phút để hoạt động, đạt đỉnh từ 2 - 4 giờ và tác dụng có thể kéo dài 5 - 8 giờ;
  • Insulin tác dụng trung bình: Có hiệu lực sau 1 - 3 giờ, đạt đỉnh sau khoảng 8 giờ và tác dụng có thể kéo dài 12 - 16 giờ;
  • Insulin tác dụng kéo dài: Mất nhiều thời gian nhất để bắt đầu có tác dụng: cần 4 giờ để thuốc ngấm vào máu, không có giai đoạn đỉnh điểm nên giúp ổn định lượng đường huyết trong suốt cả ngày. Cơ chế này cũng giống như tác dụng của insulin được sản xuất bởi tuyến tụy để kiểm soát lượng đường huyết giữa các bữa ăn.

Insulin tác dụng kéo dài còn được gọi là insulin nền. Nó giúp kiểm soát lượng đường huyết trong cơ thể bệnh nhân suốt cả ngày. Hiện có 2 loại insulin kéo dài trên thị trường là insulin glargine (Lantus) có tác dụng kéo dài tới 24 giờ và insulin detemir (Levemir) có tác dụng kéo dài 18 - 23 giờ.

3. Ứng dụng liệu pháp insulin nền điều trị đái tháo đường

Tiểu đường
Liệu pháp insulin nền có hiệu quả tốt trong việc kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường

Liệu pháp insulin nền có tên tiếng Anh là Basal Insulin Therapy.

3.1 Chỉ định

Bệnh nhân có đường máu trước ăn và sau ăn ở giới hạn bình thường hoặc hơi cao theo khuyến cáo nhưng HbA1c không đạt được mục tiêu khi điều trị phối hợp thuốc viên hạ đường huyết theo đường uống với liều tối đa.

Theo Hiệp hội các nhà Nội tiết Lâm sàng Hoa Kỳ (American Association of Clinical Endocrinologists - AACE) và ADA/EASD 2012, liệu pháp tiêm insulin nền được chỉ định cho bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có nguy cơ nhiễm độc glucose, HbA1c > 8% dù đang dùng 2 loại thuốc viên hoặc không đạt mục tiêu sau 1 năm điều trị.

3.2 Cách tính liều tiêm insulin

Insulin nền kết hợp với thuốc viên uống trước đó (1, 2 hoặc 3 thuốc liều tối đa): Dùng thuốc uống hạ đường huyết như thường ngày + 1 mũi insulin chậm loại insulin human NPH được tiêm dưới da sau khi ăn tốt trước khi đi ngủ. Nếu tiêm insulin chậm analogue (insulin detemir, insulin glargine,...) thì có thể tiêm bất kỳ lúc nào trong ngày cùng thời điểm uống thuốc hạ đường huyết.

3.3 Liều dùng

Nên bắt đầu sử dụng insulin liều thấp 0,1 U/kg rồi tăng dần tối đa 0,4 U/kg.

3.4 Khuyến cáo

  • Điều chỉnh liều insulin trong liệu pháp insulin nền dựa vào đường huyết hồi cứu buổi sáng ít nhất trong 3 ngày liên tiếp. Nếu bệnh nhân xảy ra cơn hạ đường huyết cần điều chỉnh liều lượng tiêm insulin;
  • Khi sử dụng insulin NPH cần kiểm tra đường máu trước khi đi ngủ do loại insulin này đạt đỉnh cao vào buổi khuya, dễ gây hạ đường huyết trong khi ngủ.

3.5 Tác dụng phụ khi sử dụng insulin nền

Cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, việc tiêm insulin nền có thể gây ra một số tác dụng phụ:

  • Hạ đường huyết: Chóng mặt, ớn lạnh, mắt mờ, nhức đầu, suy nhược cơ thể và ngất xỉu;
  • Tác dụng phụ khác: Đau nhức, mẩn đỏ hoặc sưng tấy ở vị trí tiêm.

Liệu pháp insulin nền có hiệu quả tốt trong việc kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường. Vì vậy, khi được chỉ định sử dụng liệu pháp này, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chính xác về lịch trình tiêm, liều lượng tiêm cho phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan