Tắc ruột có phải mổ không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ - Bác sĩ ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh tắc ruột hoàn toàn, không đáp ứng với phương án điều trị khác hoặc có biến chứng sau khi điều trị thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ tắc ruột. Tùy thuộc vào từng phương pháp phẫu thuật và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà thời gian hồi phục sức khỏe sẽ khác nhau.

1. Tìm hiểu về bệnh tắc ruột

Điều trị tắc ruột
Bệnh bị tắc ruột có nhiều nguyên nhân

Tắc ruột là một thuật ngữ y khoa thể hiện tình trạng khi cơ thể có ruột non hoặc ruột già bị tắc và các chất tiêu hóa từ thức ăn không thể thoát ra ngoài cơ thể. Người bệnh bị tắc ruột có thể bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ kèm một số triệu chứng bao gồm: bụng sưng to, đầy hơi, đau và có cứng; chán ăn, không trung hoặc đại tiện được; buồn nôn và nôn; táo bóntiêu chảy.

Mặc dù người bệnh bị tắc ruột có nhiều nguyên nhân, nhưng tắc ruột sau mổ ổ bụng là nguyên nhân thường gặp nhất.

Trong thời gian đầu khi bị tắc ruột, người bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng hoặc chủ quan với các biểu hiện sớm của bệnh nên vẫn tiếp tục ăn và khiến cho thức ăn bị ứ lại tiếp tục đẩy quá chỗ bị tắc. Nếu không được điều trị kịp thời, tắc ruột có thể dẫn tới thủng ruột và làm cho các thành phần trong ruột (vi khuẩn, bã thức ăn) có thể lan tràn đến các khoang trong cơ thể và dẫn tới tử vong.

Không chỉ đe doạ tính mạng, người bệnh bị tắc ruột còn có nguy cơ gặp phải 2 trong số những biến chứng nặng nhất của bệnh tắc ruột chính là hoại tử và viêm phúc mạc.

2. Triệu chứng thường gặp khi bị tắc ruột

Khi bị tắc ruột, dù là do nguyên nhân nào gây ra thì người bệnh cũng có những triệu chứng cụ thể sau:

  • Đau quặn bụng, đầy bụng
  • Chán ăn, buồn nôn, nôn ra chất giống như phân
  • Không thể trung tiện, đại tiện được.

3. Bị tắc ruột có phải mổ không?

Mổ tắc ruột
Tùy vào từng nguyên nhân, tình trạng và mức độ tắc ruột ở người bệnh mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp.

Tùy vào từng nguyên nhân, tình trạng và mức độ tắc ruột ở người bệnh mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp. Thông thường, nếu bệnh nhân bị tắc ruột ở mức độ nhẹ thì có thể sử dụng phương pháp hậu môn nhân tạo, hút mũi dạ dày hoặc giải áp đường trực tràng để giúp giảm bớt áp lực cho người bệnh, sử dụng thuốc hoặc xây dựng chế độ ăn ít chất xơ để điều trị tắc ruột.

Vậy bị tắc ruột có phải mổ không? Ngoài việc điều trị bằng phương pháp thông thường thì trong các trường hợp sau, bác sĩ sẽ chỉ định mổ tắc ruột:

  • Người bệnh bị tắc ruột hoàn toàn và ngăn không cho máu lưu thông đến vùng bị ảnh hưởng. Trường hợp này nếu không mổ tắc ruột thì có thể làm cho ruột bị chết và ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh
  • Người bệnh tắc ruột xuất hiện biến chứng, nếu không mổ tắc ruột thì sẽ khiến cho ruột bị áp lực cao, bị vỡ các chất chứa trong ruột cùng với vi khuẩn sẽ rò rỉ vào trong ổ bụng, biến chứng này có thể đe dọa tính mạng
  • Người bệnh bị tắc ruột non có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

4. Mổ tắc ruột có nguy hiểm không?

Đa phần các trường hợp người bệnh tắc ruột được chỉ định thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối bã gây tắc và đoạn ruột bị hỏng. Bệnh nhân nếu bị tắc ruột hoàn toàn mà chậm cấp cứu trong khoảng 3 - 4 giờ thì sẽ gây ra tình trạng mất cân bằng giữa nội mô và ngoại mô ở ruột, làm thẩm thấu dịch vào ổ bụng gây sốc mất nước, dẫn đến nhiễm trùng hoại tử ruột và có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Trường hợp bệnh nhân bị tắc ruột do xoắn thì phải vừa mổ tắc ruột vừa phải hồi sức, vì nếu chậm trễ quai ruột sẽ thiếu máu và rất nhanh dẫn đến hoại tử, vô cùng nguy hiểm đến tính mạng.

5. Quy trình mổ tắc ruột

Trong quá trình mổ tắc ruột, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành cắt một đường mổ ở bụng để lộ ruột (một số trường hợp có thể mổ nội soi và vết mổ nhỏ hơn), rồi sau đó tìm khu vực bị tắc nghẽn trong ruột và loại bỏ nó.

Người bệnh bị tắc ruột có thể sẽ bị cắt bỏ đoạn ruột bị hư nếu phát hiện được. Đây là thủ thuật cắt bỏ phần ruột bị hư hỏng và nối các đầu ruột khỏe mạnh lại. Trường hợp các đầu ruột khỏe mạnh không thể kết nối lại sau khi đã loại bỏ các phần bị hư vì bị tắc ruột thì bác sĩ sẽ đưa một đầu ruột đến chỗ mở của thành bụng với phẫu thuật tạo hậu môn giả hoặc thủ thuật mở thông ruột hồi.

Người bệnh sau mổ tắc ruột sẽ hồi phục dần tùy vào tình hình thức khỏe của bản thân và chuyên môn của bác sĩ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp gặp phải biến chứng sau mổ như:

  • Mô sẹo hình thành ở vùng bụng, đôi khi có thể gây tắc nghẽn ruột
  • Các vấn đề với phẫu thuật làm hậu môn giả hoặc thủ thuật mở thông ruột hồi
  • Ruột bị tê liệt tạm thời
  • Các tác dụng phụ của thuốc gây mê
  • Tổn thương các bộ phận lân cận
  • Mở các đường khâu của ruột, có thể gây ra vấn đề đe dọa tính mạng.

Sau khi thực hiện mổ tắc ruột, người bệnh sẽ ở lại viện trong một thời gian để bác sĩ chăm sóc và kiểm tra các biến chứng. Thời gian phục hồi sau phẫu thuật truyền thống sẽ lâu hơn so với phẫu thuật nội soi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan