Nếu bạn kiểm soát đường huyết được trong vùng an toàn thì cũng giống như bạn đang sống trong một xã hội được pháp luật bảo vệ, bạn sẽ có sức khỏe tốt và một cuộc sống hạnh phúc.
Rất nhiều nghiên cứu y học đã chứng minh rằng bệnh tiểu đường có những vùng đường huyết nguy hiểm. Đó là khi đường huyết của bạn quá thấp hoặc quá cao.
Đường huyết xuống thấp dưới 60mg/dl có thể dẫn đến tình trạng hôn mê, thậm chí tử vong, còn đường huyết tăng cao hơn 180mg/dl có thể gây tổn thương nhiều bộ phận quan trọng trong cơ thể như tim mạch, mạch máu, mắt, thận và thần kinh.
Trung bình cứ 10 người bị tiểu đường thì có 8 người bị mắc bệnh tim mạch và có tới 75% số ca tử vong ở người bệnh tiểu đường týp 2 là do bệnh tim mạch, chủ yếu là do nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Bệnh thận do tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận giai đoạn cuối, còn liên quan tới bệnh võng mạc do tiểu đường cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở người dân của những nước công nghiệp phát triển.
Vùng đường huyết nguy hiểm của bệnh tiểu đường, một “khái niệm mới”?
Vùng nguy hiểm của bệnh tiểu đường là một khái niệm không hề mới đối với các thầy thuốc nhưng với các bệnh nhân tiểu đường thì còn rất nhiều người chưa biết, hoặc biết nhưng không hiểu rõ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của khái niệm này.
Trở ngại lớn nhất trong việc điều trị thành công bệnh tiểu đường hiện nay không phải do thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc, thiếu cơ sở điều trị hay thiếu thầy thuốc chuyên khoa mà chính là sự chủ quan và thiếu hiểu biết của người bệnh.
Có rất nhiều người, dù đã được cảnh báo nhưng vẫn cho rằng bệnh tiểu đường của mình là nhẹ vì không thấy có “biến chứng”, nên không quan tâm đến đường huyết của họ là bao nhiêu. Thậm chí họ còn cảm thấy tự hào phần nào là mình được ưu đãi vì không phải chịu những gánh nặng của bệnh tật như những người khác.Vì thế họ rất ít đi khám và làm xét nghiệm đường huyết, có thể 2 - 3 tháng hoặc 6 tháng, có khi hàng năm mới đi kiểm tra đường huyết một lần.
Trong thực tế, chỉ khi đường huyết rất cao (trên 300mg/dl = 16,5mmol/l) thì người bệnh mới có một số triệu chứng như mệt mỏi, đi tiểu nhiều và khát nước...
Còn khi đường huyết cao khoảng từ 126 – 300 mg/dl (7 - 16,5mm/l) bạn sẽ không cảm nhận được vì nó không làm bạn đau, chẳng làm bạn mệt hay có cảm giác khó chịu, nhưng đó lại chính là lý do vì sao bệnh tiểu đường lại gây ra nhiều tổn thất như vậy.
Theo nghiên cứu UKPDS – một nghiên cứu mới nhất và đáng tin cậy nhất về bệnh tiểu đường thì ngay tại thời điểm được phát hiện mắc bệnh thì 50% số bệnh nhân tiểu đường týp 2 đã có ít nhất một biến chứng rồi. Lý do là vì đa số các bệnh nhân tiểu đường týp 2 có thể sống hàng tháng thậm chí hàng năm với mức đường huyết cao, mà không hề biết là nhiều bộ phận trong cơ thể đang bị phá hủy dần bởi đường huyết cao cho đến khi biến chứng xuất hiện. Tại thời điểm đó thì dù có được điều trị tích cực và rất tốn kém thì hiệu quả thường vẫn rất thấp, không thể ngăn được các biến chứng nặng lên và có thể phải trả giá bằng chính cuộc sống của mình và hạnh phúc của gia đình mình. Mà đây cũng chính là phần lớn người bệnh tiểu đường ở Việt nam đang mắc phải sai lầm này
Như vậy nếu chờ cho đến khi có các triệu chứng mới bắt đầu điều trị thì đã quá muộn.
Ngăn ngừa vùng nguy hiểm của bệnh tiểu đường
Đó là hãy giữ đường huyết của bạn nằm trong vùng bình thường (an toàn), và đây cũng chính là mục tiêu cơ bản, là bí quyết để điều trị thành công bệnh tiểu đường.
Tất cả các bệnh nhân đều có thể đạt được mục tiêu này nếu họ thực sự muốn và quyết tâm.
Muốn biết đường huyết của bạn đang nằm trong vùng an toàn hay vùng nguy hiểm, bạn cần phải đo đường huyết tại nhà một hoặc nhiều lần mỗi ngày, cả trước và sau bữa ăn. Các kết quả đường huyết sẽ giúp người bệnh và thầy thuốc đánh giá được kết quả của phương pháp điều trị, và điều chỉnh phác đồ điều trị sao cho hiệu quả nhất.
Ngày nay, tự đo đường huyết tại nhà bằng máy đo cá nhân được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là phương pháp tin cậy và phù hợp cho mọi bệnh nhân tiểu đường.
Cách sử dụng máy đo đường huyết rất đơn giản, gồm ba thao tác chính là: gắn que thử vào máy, thấm máu vào que, và đợi máy báo kết quả sau 5 – 30 giây. Khi mới được chẩn đoán hoặc khi thay đổi chế độ điều trị thì người bệnh nên đo 2 – 4 lần mỗi ngày vào trước các bữa ăn chính và trước khi đi ngủ. Còn khi đường huyết đã tương đối ổn định thì các bạn vẫn nên đo 1 – 3 lần mỗi tuần. Ngoài ra, các bạn cũng nên kiểm tra đường máu sau bữa ăn 2 giờ hoặc khi có biểu hiện hạ đường huyết hay khi bị ốm... là những thời điểm mà đường máu rất hay dao động.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tăng đường huyết sau khi ăn có khả năng gây biến chứng tương đương với tăng đường huyết lúc đói, thậm chí còn gây xơ vữa động mạch trước cả tăng đường huyết lúc đói.
Với một số bệnh nhân, chi phí cho việc thử đường máu hằng ngày có thể là khá cao so với mức thu nhập, và họ thường nghĩ rằng nếu dành số tiền đó cho việc mua các loại thuốc đắt tiền, đặc chủng thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Họ đã nhầm, thứ nhất là vì chi phí cho thử đường máu đều đặn là rất nhỏ so với những lợi ích mà họ có được khi tránh được các biến chứng nặng của tiểu đường, thứ hai là nếu điều trị mà không kiểm tra đường máu, không đánh giá kết quả điều trị thì cũng giống như đi trong đêm mà không có đèn soi đường, sẽ rất dễ bị lạc lối.
Giữ đường huyết của bạn trong vùng an toàn, đóng vai trò then chốt trong phòng ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của chính bệnh tiểu đường và các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Nếu bạn kiểm soát đường huyết được trong vùng an toàn thì cũng giống như bạn đang sống trong một xã hội được pháp luật bảo vệ, bạn sẽ có sức khỏe tốt và một cuộc sống hạnh phúc.
Theo Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), đối với đa số bệnh nhân tiểu đường, mức đường huyết an toàn là:
Trước bữa ăn: 90 - 130mg/dl (5,0 – 7,2mmol/l)
Sau bữa ăn 1 - 2 giờ: nhỏ hơn 180mg/dl (10mmol/l)
Trước lúc đi ngủ: 110 – 150mg/dl (6,0 – 8,3mmol/l)
Tùy lứa tuổi, giai đoạn bệnh, mức độ các biến chứng... mà mức đường huyết an toàn của mỗi người bệnh có thể khác nhau nhưng không nhiều. Hãy hỏi bác sĩ về mức đường huyết an toàn mà bạn cần đạt.
Người bệnh tiểu đường cần làm gì?
Để có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc, mỗi người bệnh hãy nắm bắt cơ hội tự bảo vệ mình ngay từ khi mới được chẩn đoán tiểu đường.
Hãy biến những hiểu biết, những mong ước tốt đẹp của bạn thành những hành động cụ thể. Các bạn hãy chú ý chăm sóc, theo dõi bệnh tiểu đường từ những việc nhỏ nhặt nhất, đơn giản nhất mỗi ngày. Đó là:
- Tuân thủ một chế độ ăn lành mạnh, hợp lý mà bác sĩ đề ra.
- Luyện tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hỏi bác sĩ cách luyện tập nào hiệu quả nhất và an toàn nhất.
- Dùng thuốc điều trị tiểu đường (uống hoặc tiêm) đúng cách, đúng giờ hằng ngày.
- Kiểm tra đường huyết hằng ngày bằng máy đo đường huyết cá nhân và ghi lại kết quả vào sổ tay.
- Kiểm tra kỹ bàn chân hằng ngày trước khi đi ngủ, phát hiện mọi bất thường như vết cắt, vết phỏng, chỗ bị đau, bị sưng, bị đỏ, hoặc chỗ móng chân bị đau...
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng hằng ngày.
- Bỏ ngay hút thuốc lá.
ThS-BS. NGUYỄN ĐÌNH TUẤN
Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế VinMec, Tập đoàn VinGroup