Xét nghiệm CRP trong khám tổng quát để làm gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Xét nghiệm CRP giúp đánh giá tình trạng nhiễm trùng của cơ thể, đồng thời theo dõi sự đáp ứng của tình trạng viêm đối với điều trị. Ngoài ra, chỉ số CRP còn giúp tầm soát bệnh mạch vành tim (CHD), bệnh tim mạch ở những người có bề ngoài khỏe mạnh.

1. Xét nghiệm CRP là gì?

CRP là viết tắt của C-reactive protein, hay còn được gọi là Protein phản ứng C. Đây là một protein không được cơ thể sản xuất trong điều kiện bình thường nhưng được cơ thể sản xuất tại gan và phóng thích vào máu một vài giờ sau khi mô bị tổn thương do nhiễm trùng hoặc do các nguyên nhân khác gây viêm.

Chỉ số CRP thường tăng trong vòng 6 giờ từ khi có phản ứng viêm, tăng trước khi cơ thể có các triệu chứng đau, sốt và tăng trước các chỉ điểm lâm sàng khác. CRP tăng đáng kể khi cơ thể bị nhiễm trùng, chấn thương, đau tim hoặc các rối loạn miễn dịch. Một ưu điểm của xét nghiệm CRP là không phụ thuộc vào các yếu tố như nồng độ globulin máu và hematocrit do đó có giá trị cao trong đánh giá tình trạng nhiễm trùng của cơ thể hoặc theo dõi sự bùng phát của các bệnh mãn tính.

2. Xét nghiệm CRP trong khám sức khỏe để làm gì?

Xét nghiệm CRP không đủ đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh, tuy nhiên nó giúp cung cấp thông tin về sự xuất hiện của tình trạng viêm nhiễm, cùng với các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm khác, bác sĩ sẽ xác định bệnh nhân đang trong tình trạng nhiễm trùng hoặc đang trong đợt bùng phát các bệnh viêm mạn tính. Có hai loại xét nghiệm CRP đó là xét nghiệm CRP chuẩn (Standard CRP) và xét nghiệm CRP siêu nhạy (high-sensitivity CRP, viết tắt là hs-CRP).

2.1. Xét nghiệm CRP chuẩn

Xét nghiệm CRP chuẩn có ích trong đánh giá tình trạng viêm tiến triển, thường được chỉ định trong các trường hợp như:

Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa
Xét nghiệm CRP chuẩn trong bệnh lý tự miễn lupus ban đỏ

Giá trị CRP trong máu bình thường < 6mg/l, CRP tăng nhẹ theo tuổi và tăng tỷ lệ thuận với mức độ tổn thương. Xét nghiệm CRP giúp đánh giá tình trạng nhiễm trùng và các bệnh lý gây viêm. CRP thường ở mức 6-40mg/L ở phụ nữ có thai, người nhiễm siêu vi, viêm nhẹ. Mức CRP từ 40-200mg/L thường gặp ở những người có viêm, nhiễm trùng đang hoạt động, tăng >200mg/L nếu nhiễm trùng hoặc bỏng nặng.

Xét nghiệm CRP cũng được thực hiện lặp lại nhiều lần để đánh giá đáp ứng điều trị. Chỉ số CRP giảm khi tình trạng viêm nhiễm giảm, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt.

2.2. Xét nghiệm CRP siêu nhạy (hs-CRP)

Trong các đợt khám sức khỏe, bệnh nhân thường được chỉ định xét nghiệm CRP siêu nhạy. Xét nghiệm này giúp tầm soát bệnh mạch vành tim (CHD), bệnh tim mạch ở những người có bề ngoài khỏe mạnh. CRP có vai trò quan trọng trong tiên đoán nguy cơ xảy ra nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch ngoại biên, đột quỵ và đột tử trong tương lai ở những người không hề có bệnh mạch vành. Ngoài ra, CRP còn là yếu tố dự báo nguy cơ về sau ơ những bệnh nhân đã trải qua các thủ thuật tái tưới máu như nong mạch vành, phẫu thuật tạo cầu nối, đặt stent,...

Theo đó, hs-CRP được dùng để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch như sau:

  • <1mg/L, bệnh nhân có nguy cơ thấp mắc các bệnh tim mạch
  • 1-3mg/L: bệnh nhân có nguy cơ trung bình
  • >3mg/L: bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch
hs-CRP
Xét nghiệm CRP siêu nhạy trong chẩn đoán bệnh lý tim mạch

3. Xét nghiệm CRP được thực hiện như thế nào?

Bệnh nhân thông thường sẽ không cần kiêng cữ trước khi thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân không ăn trước xét nghiệm 4-12 giờ để đảm bảo kết quả chính xác. Quy trình lấy máu xét nghiệm CRP được thực hiện như những xét nghiệm thông thường. Nhân viên xét nghiệm sẽ quấn một dải băng quanh cánh tay để làm ngưng lưu thông máu, sát trùng chỗ lấy máu và dùng kim tiêm để lấy máu tĩnh mạch. Sau khi lấy máu, vùng lấy máu của bệnh nhân sẽ được băng, ép để cầm máu.

Trong một số trường hợp, chỉ số CRP có thể chưa phản ánh đúng tình trạng viêm hoặc tình trạng sức khỏe người bệnh do CRP bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như:

  • CRP cao ở các bệnh nhân béo phì, huyết áp cao, đái tháo đường, lipid máu cao. Phụ nữ mang thai giai đoạn sau của thai kỳ, người hút thuốc lá cũng thường có CRP cao.
  • CRP thấp ở những người có cân nặng thấp, tập thể dục thường xuyên, vận động nhiều. Những người uống rượu bia hoặc sử dụng các thuốc như aspirin, thuốc chống viêm không steroid, corticosteroid, statin, thuốc chẹn beta giao cảm cũng thường có CRP giảm.

Do đó, ngoài kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố lâm sàng như tình trạng người bệnh, các bệnh đang mắc phải, các thuốc đang sử dụng,... để đưa ra chẩn đoán phù hợp.

Lấy máu xét nghiệm
Lấy mẫu máu tĩnh mạch ngoại vi thực hiện xét nghiệm CRP

4. Xét nghiệm CRP trong khám sức khỏe ở đâu?

Khám sức khỏe định kỳ là cách tốt để mỗi người tự bảo vệ sức khỏe của chính mình. Khám sức khỏe định kỳ bao gồm khám lâm sàng tổng quát, thực hiện các xét nghiệm, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và các kỹ thuật thăm dò chức năng,... Khám sức khỏe định kỳ giúp người bệnh có thể phát hiện và có hướng điều trị bệnh ở giai đoạn sớm. Việc làm này không chỉ tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà còn tạo ra cơ hội điều trị bệnh sớm, giảm thiểu tối đa nguy cơ và rủi ro có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: