Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý rất phổ biến hiện nay, có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi. Chúng khiến cho các khớp xương và sụn bị tổn thương, gây ra nhiều bất lợi trong sinh hoạt hàng ngày.

1. Viêm khớp dạng thấp có phải là bệnh tự miễn hay không?

Bệnh tự miễn được dùng chung cho những bệnh sinh ra do có sự rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể. Thông thường hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ và chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, nhưng khi có sự rối loạn hệ miễn dịch lại cho rằng một số tế bào nào đó của cơ thể là kháng nguyên lạ và tấn công chúng.

Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công vào các bao hoạt dịch hoặc màng bao quanh các khớp. Từ đó gây ra viêm nhiễm và phá hủy sụn và xương bên trong khớp. Vì vậy bệnh viêm khớp dạng thấp cũng được xét vào một dạng bệnh tự miễn.

Bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến sụn xương, nó còn làm giãn và suy yếu các gân, dây chằng để giữ các khớp với nhau làm các khớp bị biến dạng và mất tính liên kết. Tình trạng viêm cũng có thể xuất hiện ở các bộ phận khác như phổi, mắt, tim, mạch máu, da và dây thần kinh (khá hiếm).

Bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, những thao tác thường nhật như mang vác đồ vật, mặc quần áo, sử dụng bút,... có thể gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt với những bệnh nhân viêm khớp mắt cá, khớp gối, khớp bàn chân sẽ khó khăn trong việc đi đứng và cúi người.

bệnh viêm phổi hít
Tình trạng viêm có thể gặp ở một số cơ quan khác như phổi

2. Những dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp

Dấu hiệu viêm khớp dạng thấp thường gặp nhất ở các bệnh nhân là đau khớp và xơ cứng khớp, tình trạng này sẽ nặng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy, và cũng có thể là sau khi ngồi bất động trong khoảng thời gian dài.

Tình trạng xơ cứng khớp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường đỡ hơn khi cử động và chỉ xuất hiện đột ngột rồi nhanh chóng biến mất nên người bệnh thường không chú ý đến dấu hiệu ban đầu này.

Một số bệnh nhân viêm khớp dạng thấp còn gặp phải các triệu chứng như: nhịp thở ngắn, mệt mỏi, bỏng hoặc ngứa mắt, nổi nhọt ở chân, chán ăn, ngứa ran và tê, nốt sần da, yếu và sốt cao,... đặc biệt chú ý ở những vị trí khớp có thể xuất hiện tình trạng đỏ, sưng tấy, nóng, mềm và biến dạng.

Phát hiện và điều trị viêm khớp dạng thấp sớm nhờ các dấu hiệu ban đầu có thể mang lại kết quả điều trị tích cực cho người bệnh. Vì vậy, bạn nên đi khám bác sĩ ngay khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng trên.

3. Biến chứng thường gặp của bệnh viêm khớp dạng thấp


Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó loãng xương là một biến chứng thường gặp nhất ở bệnh lý này. Viêm khớp dạng thấp sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương cho người bệnh, làm cho các xương yếu và dễ gãy.

Các phương pháp đo mật độ xương để phát hiện nguy cơ loãng xương
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây biến chứng loãng xương ở người bệnh

Đồng thời loãng xương cũng có thể gặp phải khi tiến hành điều trị viêm khớp dạng thấp không đúng cách. Khi người bệnh lạm dụng thuốc giảm đau để giảm bớt các cơn đau tạm thời hoặc có thể sử dụng những thuốc có thành phần corticosteroid, mặc dù có thể giúp giảm đau tức thì nhưng lại đem lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về sau như tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, béo phì,...

Bên cạnh bệnh loãng xương thì những người bị viêm khớp dạng thấp có thể gặp phải hội chứng ống cổ tay, các vấn đề về tim mạch và bệnh phổi.

4. Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp như thế nào?

Bệnh viêm khớp dạng thấp thường khó chẩn đoán chính xác ngay từ giai đoạn đầu vì những triệu chứng của bệnh khá mơ hồ và chỉ xuất hiện thoáng qua như bị đau hay hơi cứng các khớp về sáng. Vì vậy người bệnh cần phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xác định tình trạng bệnh một cách cụ thể.

Đầu tiên bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh dựa trên những triệu chứng thực thể như sờ các khớp thấy ấm, phù và đau. Sau đó có thể tiến hành xét nghiệm máu để thu được một kết quả chính xác nhất. Ở những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường có tốc độ lắng hồng cầu tăng hoặc protein phản ứng C (CRP), từ đó có thể phát hiện ra quá trình viêm trong cơ thể. Các xét nghiệm máu thông thường khác tìm kiếm yếu tố thấp khớp và kháng thể peptide citrullinated chống cyclic.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân chụp X-quang để kiểm tra diễn biến của viêm khớp dạng thấp, hay sử dụng MRI và siêu âm để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.

MRI khớp vai
MRI được chỉ định trong đánh giá tình trạng của bệnh lý viêm khớp dạng thấp

5. Điều trị viêm khớp dạng thấp

Hiện nay chưa có cách điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm khớp dạng thấp, tuy nhiên chúng ta vẫn có những phương pháp điều trị để quản lý được tình hình của bệnh. Phương pháp điều trị này sẽ kiểm soát các cơn đau và kiểm soát phản ứng viêm. Nếu tích cực điều trị thì có thể thuyên giảm tình trạng viêm khớp tại một số trường hợp. Quá trình điều trị này bao gồm việc sử dụng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và thực hiện các bài tập vận động đặc hiệu. Phương pháp sẽ giúp cho quản lý tốt tình trạng bệnh, ngăn ngừa tổn thương khớp và một số cơ quan khác trong cơ thể.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ , hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan