Vết thương lâu lành có phải bị HIV?

Vết thương trên da có thể lành sau một thời gian tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nếu những vết thương trên da lâu lành hơn so với bình thường thì có thể bạn đang gặp phải vấn đề sức khỏe nào đó. Liệu rằng vết thương lâu lành có phải bị HIV hay không? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có câu trả lời.

1. Tại sao vết thương lâu lành?

Khi bạn có những vết thương trên da cơ thể sẽ có cơ chế để giúp cho vết thương trên da của bạn lành lại. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ rộng của thương tổn, vị trí tổn thương, các bệnh lý khác... mà thời gian lành khác nhau. Đôi khi, có một số người gặp phải tình trạng vết thương bị lâu lành hơn so với những người khác hoặc với thời gian trước đây. Vậy tại sao vết thương lâu lành? Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến cho vết thương của bạn lâu lành hơn:

  • Nhiễm trùng

Da của chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn gây bệnh trong môi trường. Khi da bị xước da, các vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Nếu vết thương bị nhiễm trùng, vùng da xung quanh sẽ bị tấy đỏ, vết thương sẽ lâu lành chảy nước vàng, mủ có mùi hôi. Khi bị nhiễm trùng vết thương thì thường khiến cho vết thương sẽ lâu khỏi hơn.

  • Thiếu vitamin

Các vitamin như vitamin A và C có trong trái cây và rau quả giúp cho cơ thể mau lành các vết thương. Vì vậy, khi bạn đang bị thương thì nên bổ sung những thực phẩm có tác dụng tốt như như cam, rau bina, khoai lang và ớt chuông để giúp vết thương chóng lành.

  • Bệnh tiểu đường

Do lượng đường trong máu tăng cao, nên những người tiểu đường có nguy cơ bị nhiễm trùng và khiến cho vết thương lâu lành hơn. Đường trong máu cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự tuần hoàn máu của cơ thể, hệ miễn dịch và các dây thần kinh dẫn đến bị đau đớn, vết thương khó lành. Nếu như thấy các vết thương lâu lành, đặc biệt là những vết thương ở chân và bàn chân nên nghĩ tới bệnh tiểu đường.

  • Do dùng một số loại thuốc

Một số loại thuốc cũng có thể là nguyên nhân khiến cho vết thương chậm lành. Hóa trị và các hóa chất mạnh làm suy giảm hệ thống miễn dịch, làm cho quá trình làm lành vết thương khó khăn hơn. Các loại thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn tốt, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Ngoài ra, thuốc chống viêm cũng có thể gây ra ức chế giai đoạn viêm khiến vết thương lâu lành. Nếu như thuốc là nguyên nhân gây ra tình trạng này thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.

  • Khả năng lưu thông máu kém

Khi cơ thể bạn lành vết thương, các tế bào hồng cầu mang các tế bào mới tới vùng da bị tổn thương. Nếu cơ thể lưu thông không tốt, máu sẽ di chuyển đến chỗ vết thương chậm hơn, trì hoãn quá trình chữa bệnh. Lưu thông kém có thể do bệnh tiểu đường, béo phì, cục máu đông, sự tích tụ của động mạch hoặc một số tình trạng khác.

  • Uống rượu

Các nghiên cứu cho biết, khi bạn uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng trong khi nằm viện. Ngoài ra uống rượu, bia thường xuyên sẽ làm cho suy giảm số lượng bạch cầu trong cơ thể, tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm chậm quá trình hồi phục vết thương.

  • Nhiễm HIV

Đây là một nguyên nhân khiến cho cơ thể chúng ta bị suy giảm sức đề kháng, điều này khiến cho vết thương lâu lành hơn do dễ bị nhiễm khuẩn, các yếu tố bảo vệ khỏi tác nhân vi sinh bị giảm sút.

Ngoài ra, những người khi bị nhiễm HIV có nguy cơ nhiễm virus trên da như Herpes simplex (còn gọi là bệnh mụn rộp, giời leo...) thường xuất hiện phổ biến quanh mũi, quanh miệng và có thể xuất hiện ở mắt, hậu môn, sinh dục, nhưng tình trạng này cũng có thể kèm theo ở bất kỳ vùng nào trên da. Trước khi xuất hiện bọng nước và vết loét, thương tổn thường đỏ, nhạy cảm hơn, nóng, ngứa và đau, mụn nước xuất hiện thành chùm có thể biểu hiện loét. Ở những người không mắc bệnh thì thường khỏi sau từ 5-10 ngày, nhưng ở bệnh nhân AIDS thương tổn thường loét rộng ra, đau nhiều, lâu lành, có thể kéo dài từ 3 đến 4 tuần hoặc lâu hơn.

2. Vết thương lâu lành có phải bị HIV?

Một trong những nguyên nhân khiến cho vết thương lâu lành là do nhiễm HIV, tuy nhiên không phải cứ bị tình trạng viết thường lâu lành thì có nghĩa là bạn đang nhiễm HIV. Nếu vết thương lâu lành chảy nước vàng thì bạn nên nghĩ tới việc mình đang bị nhiễm trùng, nên tới cơ sở y tế để làm sạch vết thương và dùng kháng sinh nếu cần.

Trường hợp trước đó bạn có những hành vi như quan hệ tình dục không an toàn, tiêm chích không an toàn...có nguy cơ nhiễm HIV thì bạn cũng nên nghĩ tới có thể vết thương lâu lành này là do nhiễm HIV.

3. Cách phát hiện nhiễm HIV

Để có thể phát hiện bạn có nhiễm HIV hay không cần tiến hành xét nghiệm. Có thể xét nghiệm theo hai phương pháp đó là xét nghiệm kháng nguyên (tìm virus trong máu) hoặc xét nghiệm tìm kháng thể HIV trong máu.

  • Xét nghiệm kháng nguyên hay xét nghiệm trực tiếp giúp tìm ra sự có mặt của virus trong máu. Có thể tìm kháng nguyên của virus thông qua các xét nghiệm test nhanh, xét nghiệm miễn dịch hay xét nghiệm sinh học phân tử (PCR)...
  • Xét nghiệm phát hiện kháng thể hay xét nghiệm gián tiếp: Có thể dùng nhiều phương pháp như xét nghiệm nhanh, ELISA...

Khi xét nghiệm có kết quả dương tính nghĩa là nhiễm HIV, tuy nhiên đôi khi cũng có tình trạng dương tính giả, nên xét nghiệm để khẳng định có nhiễm HIV không. Nếu kết quả âm tính nghĩa là bạn không nhiễm HIV, tuy nhiên cần chú ý HIV có một giai đoạn gọi là “thời kỳ cửa số”, người nhiễm HIV giai đoạn này có thể trả về kết quả âm tính.

4. Cách để nhanh lành vết thương

Khi bạn bị những vết thương trên cơ thể để có thể giúp vết thương nhanh lành hơn, bạn nên thực hiện việc chăm sóc và chế độ dinh dưỡng phù hợp:

  • Vệ sinh vết thương để tránh nhiễm trùng, không nên băng vết thương quá kín nhiều ngày không thay rửa vết thương.
  • Chế độ ăn uống đủ các loại vitamin và khoáng chất, tăng cường rau xanh và trái cây.
  • Uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý tránh thức khuya.
  • Không uống rượu bia trong thời gian vết thương chưa lành.
  • Nếu có dấu hiệu chảy nước, mùi hôi, chảy mủ, sốt...Bạn nên tới cơ sở y tế để được điều trị.

Hy vọng, với những chia sẻ của bài viết trên bạn đã biết vết thương lâu lành là bệnh gì? Có phải vết thương lâu lành là nhiễm HIV hay không. Có nhiều nguyên nhân khiến vết thương của bạn lâu lành. Chính vì vậy, nếu chỉ dựa vào tình trạng vết thương trên da lâu lành hơn mà khẳng định nhiễm HIV hay chưa là chưa đủ, nếu có yếu tố nguy cơ bạn nên làm xét nghiệm loại trừ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan