Vai trò của siêu âm trong khảo sát bệnh lý sàn chậu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Chẩn đoán chính xác bệnh lý sàn chậu thì bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, những phương pháp chẩn đoán hình ảnh cũng vô cùng cần thiết để củng cố chẩn đoán ban đầu. So với những phương tiện khác siêu âm sàn chậu ngày càng được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị những bệnh lý sàn chậu vì tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này.

1. Bệnh lý sàn chậu

Sàn chậu là võng được tạo nên từ những khối cân và cơ trong cơ thể xen lẫn với nhau với giới hạn phía trước là thành bụng, xương mu, giới hạn phía sau là cột sống thắt lưng, xương chậu, cùng cụt và giới hạn ở 2 bên là xương chậu hông. Sàn chậu gồm tử cung, âm đạo, bàng quang, niệu đạo và trực tràng cùng với hậu môn.

Có rất nhiều mạch máu và thần kinh ở những cơ quan sàn chậu, vì vậy sàn chậu giữ nhiệm vụ vô cùng quan trọng là nâng đỡ và bảo vệ những cơ quan này không rời khỏi vị trí giải phẫu tự nhiên khi cơ thể thực hiện những động tác mạnh hay làm những công việc nặng nhọc.

Bên cạnh đó, sàn chậu còn giúp mở lỗ tiểu, âm đạo cũng như hậu môn trong việc tiểu tiện và đại tiện hay khi thực hiện quan hệ tình dục. Một chức năng khác cũng không kém phần quan trọng đối với phụ nữ đó là sàn chậu giúp cho quá trình sinh nở ở phụ nữ diễn ra một cách dễ dàng hơn.

Bệnh lý sàn chậu thường diễn ra trên phụ nữ đã trải qua quá trình mang thai cũng như sinh con, biểu hiện bằng triệu chứng són tiểu, sa cơ quan trong sàn chậu như sa tử cung hoặc sa trực tràng. Nguyên nhân bệnh lý sàn chậu là do những chức năng sinh lý vốn có của sàn chậu bị rối loạn và do phụ nữ phải trải qua việc mang thai hay những thói quen không tốt của bệnh nhân khiến cho bệnh lý sàn chậu có cơ hội diễn ra.

Một số biểu hiện lâm sàng của bệnh lý sàn chậu bao gồm:

  • Khi bệnh nhân ho, chạy hoặc khi mang vác một vật nặng thì thường bị són tiểu đột ngột
  • Không nhịn tiểu theo ý muốn được
  • Đi tiểu ban đêm nhiều lần
  • Tiểu lắt nhắt trong ngày
  • Tiểu khó, rặn mót khi đi tiểu
  • Tiểu không hết
  • Khi ho hoặc chạy thì bị són hơi và són phân
  • Không điều khiển giữ được việc xì hơi và đi tiêu theo mong muốn
  • Táo bón thời gian dài, cần phải dùng đến một số biện pháp như uống thuốc, thuốc bơm hậu môn
  • Sa tử cung
  • Sa bàng quang
  • Sa ruột
  • Sa trực tràng
  • Đau và rát trong quá trình thực hiện quan hệ tình dục
  • Đau thắt lưng – chậu
  • Đau hạ vị.
Vì sao bạn bị đau xương chậu sau sinh con?
Bệnh lý sàn chậu thường diễn ra trên phụ nữ đã trải qua quá trình mang thai cũng như sinh con

2. Siêu âm sàn chậu

Siêu âm sàn chậu là một lựa chọn tốt để khảo sát những vấn đề bất thường ở sàn chậu, kết hợp với việc hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Siêu âm sàn chậu là phương tiện chẩn đoán hình ảnh đơn giản, dễ tiến hành và an toàn cho người bệnh, giúp khảo sát một số vấn đề như: sự di động của cổ bàng quang, tình trạng dày vách bàng quang, hoạt động của cơ sàn chậu và tình trạng sa tử cung ở người phụ nữ.

Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng tiểu không kiểm soát thì siêu âm Doppler màu sẽ được sử dụng để khảo sát vấn đề này.

Máy siêu âm
Siêu âm sàn chậu có thể khảo sát đánh giá tình trạng chấn thương trong sinh đẻ cũng như những tác động cơ học sàn chậu đến sản khoa

Một số vấn đề quan trọng được đánh giá thông qua siêu âm sàn chậu bao gồm:

  • Vị trí, sự di động của cổ bàng quang cũng như niệu đạo gần: Điểm mốc là trục trung tâm khớp mu, siêu âm thực hiện khi bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa hoặc đứng, bàng quang có thể trống hoặc được làm đầy bằng cách uống nhiều nước.
  • Dày vách bàng quang: Để bàng quang rỗng, đo vuông góc với phần niêm mạc và đánh giá 3 vị trí của vách bàng quang đó là vách trước, tam giác và vòm bàng quang, sau đó tính trung bình đối với cả 3 vị trí này. Nếu vách bàng quang dày hơn 5mm thì có thể cơ Detrusor (Cơ Detrusor là tên y khoa của một nhóm cơ bàng quang) mất tính ổn định. Ngoài ra, tình trạng dày vách bàng quang kết hợp với những triệu chứng khác trên khám lâm sàng của bệnh nhân giúp định hướng chẩn đoán bệnh lý bàng quang tăng hoạt.
  • Những hoạt động của cơ nâng hậu môn: Siêu âm sàn chậu cho phép định lượng sự hoạt động cơ của sàn chậu, nhất là với phụ nữ sau khi trải qua quá trình sinh đẻ. Nếu những cơ nâng hậu môn gặp phải tình trạng co thắt thì khi siêu âm sẽ thấy hình ảnh cơ quan sàn chậu bị lệch về phía trước và trên so với đường giữa.
  • Định lượng sa sinh dục: Siêu âm sàn chậu có thể góp phần chẩn đoán sa âm đạo tử cung ở phụ nữ với mốc siêu âm khảo sát là bờ dưới khớp mu, từ đó khảo sát sự di chuyển xuống dưới của bàng quang, tử cung, bầu trực tràng hoặc túi cùng.
  • Siêu âm Doppler màu: Được tiến hành nhằm mục đích khảo sát sự rò nước tiểu xuống niệu đạo đối với nghiệm pháp Valsalva hoặc cho bệnh nhân ho.

Siêu âm sàn chậu được xem là một phương pháp hỗ trợ chẩn đoán không xâm lấn, an toàn, dễ thực hiện và cho hiệu quả nhanh chóng đối với quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh lý sàn chậu.

Vì sao bạn bị rối loạn chức năng sàn chậu sau sinh con?
Siêu âm sàn chậu cho hiệu quả nhanh với quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh lý sàn chậu

Do vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nào bất thường thì bệnh nhân cần đến ngay những cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám và chỉ định thực hiện những cận lâm sàng phù hợp nhằm mục đích tìm ra nguyên nhân gây bệnh trong thời gian sớm nhất, để có thể điều trị một cách hiệu quả tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

208 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan