Ứng dụng của phục hình răng

Phục hình răng được áp dụng để thay thế hoặc phục hồi những chiếc răng bị mất và những phần bị hỏng của cấu trúc răng. Kỹ thuật phục hình răng ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong việc giữ gìn sức khỏe răng miệng.

1. Phục hình răng là gì?

Kỹ thuật phục hình răng là những cách thức khác nhau được nha sĩ sử dụng để thay thế những chiếc răng bị mất hoặc để sửa chữa những phần bị thiếu của một cấu trúc răng (sâu răng, hư hỏng phát sinh do lần phục hình răng trước đây, gãy răng...). Phục hình răng bao gồm những kỹ thuật sau đây:

  • Trám răng: Đây là kỹ thuật phục hồi răng phổ biến nhất hiện nay. Kỹ thuật này được thực hiện dựa trên nguyên tắc lấp đầy khoảng trống trong răng bằng một loại vật liệu thích hợp (hỗn hợp vàng, bạc hoặc vật liệu nhựa, thủy tinh, nhựa composite) có màu gần với màu của răng hoặc khác màu với màu răng thật;
  • Mão răng: Đây là một “nắp” có hình răng được đặt trên răng giúp khôi phục hình dạng, kích thước, độ chắc khỏe, giúp giữ cho “cầu răng” (răng giả một phần cố định) yên tại chỗ hoặc để bọc implant nha khoa. Các răng cần được mài đều xung quanh để mão sứ khớp với kích thước và hình dạng của răng, đây là một quá trình lâu dài vì vậy nha sĩ có thể thực hiện với một miếng trám/mão răng tạm thời trong thời gian chờ đợi;
  • Cấy ghép implant là những trụ neo nhỏ được làm bằng kim loại (thường là titan hoặc hỗn hợp titan) được đặt vào ổ xương nơi răng bị mất, cấy ghép có thể cần một phụ kiện được gọi là abutment hoạt động giống như mão răng;
  • Cầu răng (hàm giả cố định bán phần) là răng giả được thiết kế để "bắc cầu" khoảng trống tạo ra bởi một hoặc nhiều răng bị mất. Cầu có thể được neo ở hai bên bằng mão và được gắn cố định. Cầu được làm từ sứ, vàng, hợp kim hoặc kết hợp nhiều vật liệu, cầu răng cố định được lắp vào và tháo ra bởi nha sĩ;
  • Răng giả là răng thay thế có thể tháo rời được dùng cho răng bị mất (do bệnh nướu răng, sâu răng hoặc chấn thương) và các mô xung quanh. Răng giả được làm bằng nhựa acrylic, đôi khi được kết hợp với kim loại đính kèm. Răng giả hoàn chỉnh dùng thay thế tất cả các răng. Răng giả bán phần là răng được dùng khi một số răng tự nhiên vẫn còn và được giữ lại bằng móc cài kim loại gắn vào răng tự nhiên.

2. Khi nào cần điều trị bằng phục hình răng?

Phục hình răng có thể khắc phục những vấn đề cấu trúc răng bị thiếu do sâu, hư hỏng (suy yếu) do phương pháp phục hình trước đây hoặc gãy răng.

Các quy trình trước khi phục hình răng phụ thuộc vào loại phục hình mà bệnh nhân đang thực hiện. Trước khi thực hiện bất kì thủ thuật nào, bệnh nhân hãy đảm bảo giữ cho răng của sạch nhất có thể bằng cách chải và làm sạch. Nha sĩ sẽ phát hiện ra lỗ sâu răng trong quá trình làm sạch định kỳ và lên lịch hẹn để áp dụng phương pháp trám răng. Đối với răng giả, trong quá trình thăm khám sơ bộ, nha sĩ sẽ đo đạc và tạo mẫu hàm cho bệnh nhân.

kỹ thuật phục hình răng
Kỹ thuật phục hình răng có thể khắc phục những vấn đề cấu trúc răng bị thiếu

3. Trám răng là gì?

Trám răng là phương pháp sử dụng một loại vật liệu đặc biệt đặt lên răng để sửa chữa sâu răng hoặc các khuyết tật trên bề mặt răng. Trám răng (còn được gọi là phục hình răng) giúp khôi phục lại hình thức và chức năng của răng. Những tiến bộ trong vật liệu và phương pháp nha khoa sẽ cung cấp những kỹ thuật mới và hiệu quả để phục hồi răng. Có một số loại trám răng phục hình khác nhau, bao gồm cả phục hình trực tiếp và gián tiếp:

3.1. Trám răng phục hình trực tiếp

Được thực hiện trong một lần thăm khám duy nhất, nha sĩ sẽ đặt một miếng trám trực tiếp vào một khoang răng đã được chuẩn bị sẵn. Vật liệu được sử dụng cho những miếng trám này bao gồm:

  • Bạc trám răng: đây là vật liệu trám đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ, đã được kiểm tra về độ an toàn và khả năng chống mài mòn;
  • Vật liệu trám kính ionomer: đây là những vật liệu có màu tương tự răng được làm từ bột thủy tinh mịn và axit acrylic. Chúng được sử dụng trong các miếng trám răng nhỏ không phải chịu áp lực lớn từ việc ăn nhai và có khả năng liên kết hóa học với khoáng chất trong răng;
  • Resin ionomer: được làm từ thủy tinh với axit acrylic và nhựa acrylic, gần giống như các vật liệu trám kính ionomer ở trên, chúng có khả năng liên kết hóa học với khoáng chất trong răng;
  • Chất trám composite (nhựa): đây là những chất liệu trám trực tiếp cho màu răng đẹp nhất, được làm từ nhựa acrylic chứa các hạt thủy tinh hoặc thạch anh cực nhỏ. Chúng không hoàn toàn bền hoặc chống mài mòn như hỗn hống nhưng lại mạnh hơn và bền hơn so với chất trám có thủy tinh và có thể được sử dụng trên các bề mặt cắn.

3.2. Trám răng phục hình gián tiếp

Kỹ thuật này thường yêu cầu từ 2 lần khám răng trở lên và bao gồm:

  • Trám răng Inlays;
  • Các lớp phủ;
  • Răng sứ;
  • Veneers;
  • Cầu răng.

Vật liệu thường được làm bằng vàng, hợp kim kim loại cơ bản, gốm, sứ nung chảy với kim loại hoặc vật liệu tổng hợp có công thức đặc biệt. Trong lần khám đầu tiên, nha sĩ sẽ chuẩn bị răng và tạo dấu vết ở khu vực cần phục hình. Ở lần khám thứ hai, nha sĩ sẽ cho xi măng phục hình mới vào khu vực đã chuẩn bị. Một số phòng nha còn sử dụng công nghệ mới hơn được gọi là CAD/CAM (thiết kế và sản xuất răng có sự hỗ trợ của máy tính).

kỹ thuật phục hình răng
Ăn thức ăn mềm sau khi thực hiện kỹ thuật phục hình răng trong 24h

4. Làm gì sau khi thực hiện phục hình răng?

Sau khi phục hình răng, nha sĩ thường khuyên bệnh nhân nên thay đổi thói quen ăn uống trong 24 giờ:

  • Ăn thức ăn mềm;
  • Ăn thức ăn lạnh;
  • Sau bất kỳ quy trình nào, bệnh nhân đều phải tiếp tục đánh răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày. Nha sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân chỉ dùng chỉ nha khoa theo một hướng để không làm mất dáng của răng mới phục hình.
  • Cần chải răng và chăm sóc răng giả như răng tự nhiên: tháo răng giả, rửa sạch và sử dụng bàn chải đánh răng mềm để làm sạch.

Phục hình răng không chỉ giúp bệnh nhân nhai thức ăn tốt hơn mà còn giúp phát âm rõ ràng và mang lại nụ cười đẹp hơn.

5. Những rủi ro hoặc biến chứng của phục hình răng là gì?

Rủi ro phổ biến nhất là răng trở nên nhạy cảm hoặc khó chịu chung sau phục hình răng. Rất hiếm khi bị nhiễm trùng hoặc có phản ứng dị ứng với các kim loại được sử dụng. Phục hình răng có rất ít rủi ro như mão răng (có thể bị sứt mẻ hoặc lỏng lẻo, rơi ra). Nếu bệnh nhân bị sâu răng nhưng chậm điều trị phục hình có thể dẫn đến viêm tủy răng hoặc nhổ răng.

Bệnh nhân có thể bị ê buốt răng hoặc chỉ được ăn thức ăn mềm trong tối đa 24 giờ sau khi phục hình răng. Hoặc có thể mất nhiều thời gian hơn để điều chỉnh răng giả của bệnh nhân, nhưng nhìn chung thời gian phục hồi khá nhanh chóng.

Nếu có vấn đề trong quá trình phục hình răng như vết nứt trên miếng trám hoặc răng giả không vừa khít, hãy đến gặp nha sĩ ngay lập tức. Ngoài ra, hãy đến gặp nha sĩ của bạn để được làm sạch răng định kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

842 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan