U tuyến yên thường phát triển chậm

Tuyến yên là một tuyến nội tiết, tiết ra nhiều hormone quan trọng điều khiển hoạt động của nhiều tuyến nội tiết khác trong cơ thể. Là một trong bốn loại u hay gặp nhất trong sọ (gồm có u di căn não, u màng não, u tế bào thần kinh đệm, u tuyến yên), u tuyến yên thường phát triển chậm.

Vậy u tuyến yên có nguy hiểm không? Có những phương pháp nào điều trị u tuyến yên?

1. Tuyến yên là gì?

Tuyến yên là một tuyến nội tiết tố nằm ở trong não. Tuyến yên tiết ra nhiều loại nội tiết tố giúp điều hòa sự bài tiết của các hormone từ những tuyến nội tiết khác trong cơ thể như tuyến giáp, tuyến thượng thận,.... Ngoài ra tuyến yên còn tiết ra những hormone có tác động trực tiếp đến các mô của cơ thể như xương, tuyến tiết sữa. Các hormone của tuyến yên bao gồm:

  • Hormone Adrenocorticotropic (ACTH) kích thích vỏ thượng thận
  • Hormone Growth (GH) là hormone tăng trưởng
  • Hormone prolactin: tăng tiết sữa
  • Hormone Thyroid-stimulating (TSH) kích thích tuyến giáp

2. U tuyến yên có nguy hiểm không?

U tuyến yên là khối u phát triển từ tế bào của tuyến yên. Vậy u tuyến yên có nguy hiểm không? Theo nhiều nghiên cứu cho thấy cứ khoảng 10 người trưởng thành sẽ có 1 người bị u tuyến yên. Như vậy đây là một bệnh khá hay gặp, nhưng thật may mắn là phần lớn những khối u này rất nhỏ, không có triệu chứng lâm sàng hoặc không bao giờ có biểu hiện gì và không cần điều trị.

Đa phần các khối u tuyến yên đều là lành tính. Tỷ lệ người bị u tuyến yên ác tính và phải điều trị chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong tổng số bệnh nhân phải phẫu thuật vì các khối u trong sọ thì chỉ có 25% là do khối u tuyến yên.

Tuyến yên có nhiều loại tế bào khác nhau, mỗi một loại tế bào tuyến sẽ tiết ra một loại hormone tương ứng và tác động lên các cơ quan khác nhau của cơ thể. Do đó có nhiều loại u tuyến yên nhưng có thể chia thành 2 nhóm chính đó là:

  • U tuyến yên tăng tiết: là những khối u xuất phát từ những tế bào tiết ra nội tiết tố. Các tế bào tuyến phát triển thành khối u và tiết ra quá nhiều nội tiết tố tác động đến các cơ quan khác làm rối loạn các hoạt động của chúng.
  • U tuyến yên không tăng tiết: là những khối u xuất phát từ các tế bào tuyến không tiết nội tiết tố, do đó nội tiết tố ở những bệnh nhân này không tăng, thậm chí có khi còn bị giảm.

Khối u tuyến yên phát triển to dần gây chèn ép vào những tế bào tuyến yên lành ở xung quanh, từ đó làm giảm hoặc rối loạn sự bài tiết nội tiết tố. Khi khối u to hơn gây chèn ép vào các cấu trúc não xung quanh gây ra hội chứng chèn ép như các khối u khác trong sọ.

Ngoài cách phân loại trên, còn có một số cách phân loại u tuyến khác như:

  • Phân loại dựa theo kích thước của khối u chia thành 2 nhóm:
  • U tuyến yên nhỏ (Microadenoma) là khối u tuyến yên nhỏ hơn 1 cm.
  • U tuyến yên lớn (Macroadenoma) là khối u tuyến yên từ 1 cm trở lên.
  • Phân loại dựa theo tốc độ phát triển của khối u chia thành 2 nhóm:
  • U tuyến yên phát triển chậm.
  • U tuyến yên phát triển nhanh.
suy tuyến yên
U tuyến yên là bệnh rất phổ biến, đây đa phần là khối u lành tính, hiếm khi là ác tính

3. Nguyên nhân gây u tuyến yên là gì?

Cũng giống như phần lớn các khối u trong sọ não khác, nguyên nhân gây u tuyến yên cho đến nay vẫn chưa rõ. Một số ít do tính di truyền như gia đình bị bệnh khổng lồ (gigantism), một số trường hợp u tuyến yên gặp ở bệnh cảnh có nhiều loại u tuyến nội tiết nhóm 1.

4. Triệu chứng u tuyến yên

Các triệu chứng của u tuyến yên phụ thuộc vào:

  • Loại nội tiết tố khối u tiết ra
  • Kích thước khối u
  • Vị trí khối u
  • Mức độ phát triển của khối u

Khối u tuyến yên phát triển thường sẽ gây ra 3 nhóm triệu chứng sau đây:

4.1 Triệu chứng rối loạn nội tiết tố

Tăng tiết Prolactin: bệnh nhân sẽ bị chậm kinh nguyệt, rối loạn kinh nguyệt, thậm chí là mất kinh, vô sinh, tiết sữa mặc dù không có thai, không có kinh. Nhiều bệnh nhân khi điều trị vô sinh, khi làm xét nghiệm thấy nồng độ Prolactin tăng cao, sau đó kiểm tra mới phát hiện có u tuyến yên. Với bệnh nhân nam giới có thể bị giảm ham muốn tính dục, giảm hoặc mất khả năng cương dương.

Tăng tiết hormone GH: tình trạng này khiến cho bệnh nhân phát triển với nhiều rối loạn khác như mặt to, trán rộng, trán dô, cằm rộng, môi dày, da thô, to đầu chi, bàn chân và ngón chân to khiến bệnh nhân không tìm được giày vừa với chân mình, bàn tay và ngón tay to khiến bệnh nhân không đeo được nhẫn,... Khuôn mặt của bệnh nhân bị u tuyến yên tăng tiết GH rất đặc biệt, bác sĩ có thể chẩn đoán ngay dựa vào việc quan sát khuôn mặt.

Tăng tiết hormone ACTH gây bệnh Cushing: bệnh nhân thường có biểu hiện tăng cân, vết rạn da ở bụng, tay, đùi,... bụng to, cơ nhẽo, tay chân nhỏ.

Dấu hiệu suy tuyến yên: với khối u tuyến yên không tăng tiết, gây chèn ép các tế bào tuyến yên lành khiến cho tuyến yên bị suy, giảm tiết các nội tiết tố gây các dấu hiệu như: rụng lông, bất lực, vô sinh, người mệt mỏi, ăn không ngon miệng, da khô, châm phát triển hay chậm dậy thì ở trẻ em,... Một số trường hợp bị chảy máu trong tuyến yên có thể gây dấu hiệu suy tuyến yên cấp, các triệu chứng xuất hiện nhanh như: đau đầu nhiều, đau dữ dội, nhìn mờ nhanh. Đây là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa thần kinh, cần phải được xử trí nhanh chóng.

4.2 Triệu chứng rối loạn nhìn

Tuyến yên nằm ở hố yên ngay phía dưới giao thoa thị giác - nơi bắt chéo của hai dây thần kinh thị giác - do đó khi khối u tuyến yên lớn, chèn ép gây rối loạn khả năng nhìn của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể bị: nhìn mờ, bán manh - chỉ nhìn được một phía trong hoặc ngoài.

  • Bán manh thái dương: bệnh nhân chỉ nhìn được hình ảnh phái trước mặt, không nhìn thấy các vật ở phía bên ngoài thái dương.
  • Bán manh phía mũi: bệnh nhân chỉ nhìn thấy các vật phía ngoài mà không thể nhìn được các vật phía bên trong.

Lác mắt, nhìn đôi, tê bì mặt,... do khối u xâm lấn sang bên, vào xoang tĩnh mạch hang, chèn ép vào các dây thần kinh sọ số III, IV, V.

4.3 Triệu chứng khối u chèn ép gây tăng áp lực nội sọ

Khi khối u chèn ép trong sọ gây tăng áp lực nội sọ, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như:

  • Đau đầu
  • Buồn nôn
  • Rối loạn ý thức, thậm chí có thể hôn mê.

5. Xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán u tuyến yên

Cùng với việc thăm khám lâm sàng cẩn thận, bác sĩ có thể cho bệnh nhân làm một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán u tuyến yên, gồm có:

  • Xét nghiệm chức năng nội tiết
  • Định lượng Cortisol: bằng xét nghiệm ức chế hoặc xét nghiệm cortisol nước tiểu.
  • Lượng hormone FSH
  • Lượng hormone IGF-1
  • Lượng hormone LH
  • Lượng hormone Prolactin trong máu
  • Lượng hormone Testosterone/estradiol trong máu.
  • Lượng hormone tuyến giáp: TSH, T4 tự do,...
  • Các xét nghiệm khác
  • Chụp CT hoặc MRI não giúp xác định chính xác vị trí và kích thước của khối u tuyến yên.
  • Đo thị trường, kiểm tra thị lực: giúp xác định xem khối u đã ảnh hưởng đến thị lực hoặc tầm nhìn hay chưa.

6. Điều trị u tuyến yên bằng phương pháp nào?

U tuyến yên thường là lành tính, không di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Tuy nhiên khi khối u phát triển có thể gây chèn ép vào các thần kinh và mạch máu quan trọng, do đó khi phát hiện khối u tuyến yên, tùy vào tình trạng mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị khối u tuyến yên.

6.1.Phẫu thuật

Mổ u tuyến yên thường rất cần thiết, đặc biệt là khi khối u gây chèn ép thần kinh thị giác, có nguy cơ gây mù lòa cho bệnh nhân, hoặc khối u gây tăng tiết một số hormone nhất định. Tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Loại khối u
  • Vị trí khối u
  • Kích thước khối u
  • Khối u đã xâm lấn sang các mô bên cạnh hay chưa.

Có hai kỹ thuật mổ u tuyến yên đó là:

  • Phẫu thuật nội soi qua xoang mũi: kỹ thuật này cho phép bác sĩ phẫu thuật loại bỏ khối u mà không cần tạo ra vết cắt ngoài xương sọ. Không gây ảnh hưởng tới phần khác của não. Tuy nhiên, với những khối u lớn, có thể hó để loại bỏ bằng kỹ thuật này, đặc biệt là những khối u đã xâm lấn sang các mô não xung quanh và các dây thần kinh.
  • Phẫu thuật xuyên sọ: khối u tuyến yên sẽ được loại bỏ thông qua vết cắt tại da đầu và xương sọ. Kỹ thuật này sẽ giúp bác sĩ dễ dàng tiếp cận các khối u lớn và phức tạp.
tuyến yên
Một trong những biện pháp để điều trị u tuyến yên là phẫu thuật

6.2. Xạ trị

Phương pháp xạ trị thường được sử dụng sau phẫu thuật hoặc bệnh nhân không phù hợp để phẫu thuật. Phương pháp này sẽ có ích nếu khối u tồn tại lâu dài hoặc khối u tái phát sau phẫu thuật, hay không đáp ứng với điều trị bằng thuốc.

Có các phương pháp xạ trị điều trị u tuyến yên sau:

  • Xạ phẫu thuật đích sử dụng Gamma Knife: loại xạ trị này tập trung các chùm bức xạ vào khối u, thường được sử dụng một liều cao duy nhất. Kỹ thuật này cho phép chuyển các chùm bức xạ tương đương với kích thước và hình dáng khối u đi đến khối u mà không cần tạo ra vết cắt, dưới sự hỗ trợ của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh não. Phương pháp này giúp làm giảm nguy cơ tổn thương các mô bình thường xung quanh khối u.
  • Sử dụng bức xạ bên ngoài: kỹ thuật này đưa các bức xạ với lượng nhỏ vào đến khối u theo thời gian. Một liệu trình mất khoảng 5 ngày/tuần, tiến hành trong 4 - 6 tuần. Mặc dù kỹ thuật này thường có hiệu quả, nhưng nó lại có một số nhược điểm sau:
  • Có thể gây tổn thương các tế bào tuyến yên bình thường và các tế bào não khác.
  • Thời gian điều trị kéo dài, có thể phải mất hàng năm mới có thể kiểm soát hoàn toàn sự phát triển của khối u và kiểm soát được sự bài tiết hormone.
  • Sử dụng chùm tia proton: kỹ thuật này sử dụng các ion tích điện dương thay vì sử dụng tia X. Điểm khác biệt là chùm proton sẽ dừng lại ngay sau khi nó giải phóng năng lượng bên trong vật đích. Ưu điểm của kỹ thuật này là có thể kiểm soát chùm tia và sử dụng trên các khối u, ít gây ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi các trang thiết bị hiện đại đặc biệt, ít phổ biến.

6.3. Dùng thuốc

  • Thuốc Bromocriptine hoặc Cabergoline là lựa chọn hàng đầu cho khối u tiết prolactin. Các loại thuốc này giúp giảm lượng prolactin và làm teo nhỏ khối u.
  • Thuốc Octreotide hoặc Pegvisomant đôi khi được sử dụng trong điều trị khối u tiết hormone tăng trưởng, đặc biệt khi phương pháp phẫu thuật ít có khả năng chữa khỏi.

Tuy nhiên có rất nhiều bệnh nhân có khối u tuyến yên vẫn có thể hoạt động bình thường mà không cần điều trị, nếu khối u không gây ra vấn đề gì cho sức khỏe của người bệnh. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ bằng các xét nghiệm một cách thường xuyên để đánh giá sự phát triển của khối u, và sẽ cần phải điều trị ngay khi cần thiết.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị u tuyến yên phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại u, kích thước, vị trí khối u, sức khỏe bệnh nhân, trang thiết bị của cơ sở y tế. Do đó để biết mình phù hợp với phương pháp điều trị nào, thì các bạn cần phải được khám xét cẩn thận sau đó trao đổi với bác sĩ chuyên khoa.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Trong tháng 4 & 5/2021, khi có nhu cầu khám và điều trị U tuyến yên tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park, quý khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi kép:

- Miễn phí khám chuyên khoa

- Giảm 50% chi phí đối với khách hàng có chỉ định điều trị sau khám. Chương trình áp dụng giới hạn cho kỹ thuật tương ứng từng bệnh viện và cho khách hàng lần đầu thực hiện kỹ thuật điều trị này tại Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02836221166 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hồ Chí Minh.

10.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan