Tìm hiểu về phẫu thuật kích thích não sâu

Kích thích não sâu là phẫu thuật cấy ghép một thiết bị truyền tín hiệu điện đến các vùng não chịu trách nhiệm về chuyển động của cơ thể. Các điện cực được đặt sâu trong não và được kết nối với một thiết bị kích thích. Vậy phẫu thuật kích thích não sâu được sử dụng trong trường hợp nào và có tác dụng ra sao?

1. Phẫu thuật kích thích não sâu là gì?

Trong kích thích não sâu (tên tiếng anh là deep brain stimulation và viết tắt là DBS), các điện cực được đặt vào một vùng cụ thể của não tùy thuộc vào các triệu chứng mà người bệnh đang được điều trị. Các điện cực được đặt ở cả hai bên trái và phải của não thông qua các lỗ nhỏ được tạo ra trên đỉnh hộp sọ. Các điện cực được nối với nhau bằng những sợi dây dài đi dưới da và xuống cổ với một máy kích thích chạy bằng pin được đặt dưới da ngực. Khi được bật, bộ kích thích sẽ gửi các xung điện để chặn các tín hiệu thần kinh bị lỗi gây ra run, cứng và các triệu chứng khác.

Hệ thống DBS có ba phần được cấy vào bên trong cơ thể:

  • Neurostimulator, đây là một thiết bị chạy bằng pin được lập trình được để tạo ra các xung điện. Nó được đặt dưới da của ngực dưới xương đòn hoặc ở bụng.
  • Lead (Đạo trình), đây là một sợi dây được bọc với một số điện cực ở đầu để dẫn các xung điện đến mô não. Thiết bị này được đặt bên trong não và kết nối với một dây nối dài đi qua một lỗ nhỏ trên hộp sọ.
  • Extension, đây là một sợi dây cách điện kết nối dây dẫn với bộ kích thích thần kinh. Nó được đặt dưới da và chạy từ da đầu, sau tai, xuống cổ và đến ngực.

Người bệnh sử dụng bộ điều khiển cầm tay để bật và tắt hệ thống DBS. Bác sĩ lập trình cài đặt máy kích thích bằng thiết bị không dây. Các thông số cài đặt kích thích có thể được điều chỉnh khi tình trạng của bệnh nhân thay đổi theo thời gian. Không giống như các phẫu thuật khác, chẳng hạn như phẫu thuật rạch cầu nhạt hoặc phẫu thuật đốt đồi thị, DBS không làm tổn thương mô não. DBS rất hiệu quả trong việc giảm rối loạn vận động, các cử động run mất kiểm soát do dùng thuốc levadopa liều cao. Thông thường, DBS sẽ giúp làm cho các triệu chứng của bạn ít nghiêm trọng hơn để có thể sử dụng liều thuốc thấp hơn.

Não bộ
Phẫu thuật kích thích não sâu không làm tổn thương mô não

Trong bệnh Parkinson, các phần của hạch não nền (basal ganglia) bị kích thích dưới mức hoặc quá mức. Chuyển động bình thường được thay thế bằng run và cứng. Khi thực hiện DBS ở các hạch não nền cụ thể sẽ làm thay đổi các mạch điện bất thường và giúp ổn định các vòng phản hồi, do đó làm giảm các triệu chứng.

Các điện cực có thể được đặt trong các vùng khác nhau của não:

  • Nhân dưới đồi thị (STN) - có hiệu quả đối với chứng run, chậm chạp, cứng đờ, loạn trương lực cơ và rối loạn vận động. Thường được sử dụng nhất để điều trị bệnh Parkinson.
  • Thalamus (VIM) - có hiệu quả đối với chứng run. Nó thường được sử dụng để điều trị chứng run vô căn.
  • Globus pallidus (GPi) - hiệu quả cho chứng run, chậm chạp, cứng đờ, loạn trương lực cơ và rối loạn vận động. Vị trí này được sử dụng để điều trị chứng loạn trương lực cơ và bệnh Parkinson.

2. DBS được chỉ định cho những trường hợp nào?

Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện DBS nếu bạn có:

  • Rối loạn vận động với các triệu chứng ngày càng trầm trọng (run, cứng khớp) và thuốc đang sử dụng đã bắt đầu mất tác dụng.
  • Gặp vấn đề khi bạn phát triển chứng rối loạn vận động do thuốc (rung quá mức của thân, đầu và / hoặc tay chân).

DBS có thể không được chỉ định nếu bạn bị trầm cảm nặng nhưng không được điều trị, mất trí nhớ nặng hoặc nếu bạn có các triệu chứng không điển hình của bệnh Parkinson.

DBS có thể giúp điều trị nhiều triệu chứng do rối loạn vận động như:

  • Bệnh Parkinson: Run, cứng đờ và chậm vận động do nguyên nhân là các tế bào thần kinh sản xuất dopamine chịu trách nhiệm chuyển các tín hiệu điều khiển chuyển động của cơ thể bị chết.
  • Run không rõ nguyên nhân: run tay và cánh tay theo nhịp không tự chủ, xảy ra cả khi nghỉ ngơi và khi vận động có chủ đích.
parkinson
DBS có thể giúp điều trị nhiều triệu chứng do rối loạn vận động

  • Rối loạn trương lực cơ: cử động không tự chủ và co cơ kéo dài, dẫn đến chuyển động cơ thể vặn vẹo hoặc quằn quại, run và tư thế bất thường. Các triệu chứng này xuất hiện trên toàn bộ cơ thể hoặc chỉ một khu vực trên cơ thể. Co thắt thường có thể được ngăn chặn bằng "thủ thuật cảm giác", chẳng hạn như chạm vào mặt, lông mày hoặc tay.

Một nhóm chuyên gia bao gồm bác sĩ thần kinh, bác sĩ tâm lý thần kinh và bác sĩ giải phẫu thần kinh sẽ đánh giá tình trạng của bạn để xác định xem liệu có thể chỉ định phẫu thuật hay không. Khả năng suy nghĩ và tình trạng trí nhớ, thuốc hiện tại đang sử dụng và sức khỏe chung của người bệnh sẽ được đánh giá. Người bệnh sẽ được quay video thực hiện nhiều chuyển động khác nhau (đi bộ, gõ ngón tay, đứng lên khỏi ghế) trong khi sử dụng và không sử dụng thuốc. Các triệu chứng và khả năng của có thể sẽ được đo bằng thang điểm thống nhất đánh giá bệnh Parkinson (UPDRS).

Sau khi quá trình đánh giá và quay video hoàn tất, các kết quả này sẽ được hội chẩn với nhiều bác sĩ, điều dưỡng và bác sĩ phẫu thuật. Nhóm này thảo luận về kế hoạch điều trị tốt nhất cho từng người bệnh. Nếu nhóm đồng ý này đồng ý người bệnh phù hợp với phẫu thuật DBS, người bệnh sẽ được liên hệ để sắp xếp cuộc hẹn với bác sĩ giải phẫu thần kinh.

3. Kích thích não sâu được thực hiện như thế nào?

Trước khi quy trình phẫu thuật bắt đầu, một khung đầu (khung định vị) được đặt trên đầu của người bệnh, thiết bị này sẽ giữ cho đầu của người bệnh nằm yên trong quá trình chụp ảnh não. Ghim hoặc vít phẫu thuật được sử dụng để cố định khung vào đầu.

Bác sĩ giải phẫu thần kinh sẽ cấy ghép hệ thống kích thích não sâu trong hai giai đoạn.

Đầu tiên, một lỗ nhỏ được tạo ra trên hộp sọ. Các đạo trình, có các điện cực ở đầu, được đưa qua lỗ này và được phẫu thuật cấy vào các vùng não được xác định là các vị trí góp phần gây ra các triệu chứng của bệnh.

Định vị các điện cực trong não là bước quan trọng nhất. Các điện cực phải được đặt vào một vị trí chính xác trong não để giúp cải thiện các triệu chứng. Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) được thực hiện trước và/hoặc trong quá trình phẫu thuật để xác định chính xác các khu vực cần nhắm mục tiêu và hướng dẫn vị trí đạo trình và điện cực.

Chụp PET/CT có an toàn?
Kết hợp chụp CT hoặc MRI trước, trong quá trình phẫu thuật

Mỗi bên (bán cầu) của não kiểm soát phía đối diện của cơ thể, do đó, mỗi đạo trình được chèn vào phía đối diện với phần cơ thể có các triệu chứng đang xảy ra.

Trong một phẫu thuật riêng biệt khoảng 1 tuần sau đó, một hoặc hai thiết bị tạo xung chạy bằng pin (tuỳ thuộc số đạo trình được đặt) được cấy ngay dưới da ở vùng ngực trên bên dưới xương đòn của người bệnh. Một dây nối dài được gắn vào dây dẫn đã được định vị sẵn trong não, sau đó được luồn dưới da sau tai và xuống cổ tới thiết bị tạo xung.

Người bệnh sẽ trở lại bệnh viện khoảng 2 đến 4 tuần sau khi phẫu thuật cấy ghép. Máy phát xung sau khi đã cấy ghép sẽ được bật bằng một thiết bị cầm tay và các xung điện được điều chỉnh cho đến khi các triệu chứng được cải thiện. (Thiết bị này gửi các xung điện đến não thông qua các dây dẫn.) Thiết bị cầm tay cũng có thể kiểm tra mức pin và có thể bật/tắt thiết bị.

Một vài lần khám theo lịch trình sẽ cần điều chỉnh kích thích được gửi đến não để làm giảm các triệu chứng một cách tốt nhất. Sau đó, các cuộc tái khám định kỳ được dãn dài hơn sẽ để tiếp tục kiểm tra nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động tốt, điều chỉnh kích thích khi cần thiết để tiếp tục kiểm soát tốt nhất các triệu chứng và kiểm tra tuổi thọ pin của thiết bị.

4. Ưu điểm và nhược điểm của DBS

Ưu điểm của kích thích não sâu (DBS) là gì?

Kích thích não sâu (DBS) có nhiều ưu điểm:

  • Không giống như một số lựa chọn phẫu thuật khác, DBS không gây ra tổn thương vĩnh viễn ở bất kỳ phần nào của não.
  • Kích thích điện có thể điều chỉnh và đảo ngược khi tình trạng bệnh thay đổi hoặc người bệnh thay đổi đáp ứng với thuốc điều trị.
  • Máy kích thích cũng có thể bị tắt bất kỳ lúc nào nếu DBS gây ra các phản ứng phụ quá mức mà không có bất kỳ hậu quả lâu dài nào.
điện não thần kinh
Kích thích não sâu không gây ra tổn thương vĩnh viễn ở bất kỳ phần nào của não

Những rủi ro và biến chứng của kích thích não sâu (DBS) là gì?

Cũng giống như với bất kỳ quá trình phẫu thuật não khác, DBS đều có một số rủi ro và biến chứng nhất định. Các biến chứng của DBS được chia thành ba loại: biến chứng phẫu thuật, biến chứng phần cứng (thiết bị và dây dẫn), và biến chứng liên quan đến kích thích.

  • Các biến chứng phẫu thuật bao gồm xuất huyết não, nhiễm trùng não, đặt sai vị trí của các đạo trình DBS.
  • Các biến chứng liên quan đến phần cứng bao gồm chuyển động của dây dẫn, hỏng dây dẫn, hỏng bất kỳ bộ phận nào của hệ thống DBS, hỏng pin, nhiễm trùng xung quanh thiết bị và thiết bị xuyên qua da khi độ dày của da và lớp mỡ thay đổi theo tuổi.
  • Các biến chứng liên quan đến kích thích xảy ra ở tất cả các bệnh nhân trong giai đoạn lập trình thiết bị. Các tác dụng phụ thường gặp là cử động không theo ý muốn (rối loạn vận động), đóng băng (chân như bị dính chặt vào sàn), suy giảm khả năng giữ thăng bằng và dáng đi xấu, rối loạn giọng nói, co cơ không tự chủ, tê và ngứa ran (dị cảm), và nhìn đôi. Những tác dụng phụ này có thể đảo ngược khi thiết bị được điều chỉnh.

Pin trong thiết bị tạo xung dùng được bao lâu?

Pin có thể sử dụng từ 3 đến 5 năm đối với thiết bị không sạc lại được và lên đến 9 năm đối với thiết bị pin có thể sạc lại. Tuy nhiên, tuổi thọ của pin có thể thay đổi đáng kể. Ngoài ra, các thiết bị phải sạc pin có thể được sạc hàng ngày (trong khoảng 30 phút) hoặc 10 đến 14 ngày một lần (trong khoảng 4 giờ). Bác sĩ sẽ thảo luận về tần suất bạn nên sạc lại pin dựa trên cài đặt thông số điều trị của người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo:mayfieldclinic.com, my.clevelandclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan