Tiểu máu vi thể là bệnh gì?

Nước tiểu là chất lỏng do thận bài tiết và thải ra ngoài cơ thể thông qua niệu đạo. Tùy vào chế độ ăn uống khác nhau ở mỗi người mà màu sắc và lượng nước tiểu sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên, đôi khi màu sắc nước tiểu trông có vẻ bình thường nhưng bác sĩ lại chẩn đoán tiểu máu vi thể. Vậy tiểu máu vi thể là bệnh gì?

1. Định nghĩa tiểu máu vi thể

Tiểu máu là tình trạng trong nước tiểu có máu hay trong nước tiểu có một số lượng hồng cầu bất thường. Tiểu máu được phân làm 2 loại đó là tiểu máu đại thể và tiểu máu vi thể.

Trong đó, tiểu máu vi thể, hay còn gọi là đái máu vi thể được định nghĩa là đái máu nhưng mắt thường không thể nhận thấy, bệnh chỉ phát hiện được khi làm xét nghiệm tế bào học nước tiểu, kết quả cho thấy số lượng hồng cầu > 10.000 hồng cầu/ml nước tiểu. Hầu hết tiểu máu vi thể chỉ được phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát và được làm xét nghiệm nước tiểu. Sau khi xác định tiểu máu vi thể, việc quan trọng nhất cần làm đó là xác định nguyên nhân gây chảy máu, từ đó xác định phương hướng điều trị phù hợp.

2. Nguyên nhân gây ra tiểu máu vi thể

Đường tiết niệu của con người được cấu tạo bởi 2 quả thận, 2 niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Thận có chức năng loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi máu và chuyển đổi chúng thành nước tiểu. Nước tiểu ngay sau khi được tạo ra tại 2 quả thận sẽ chảy qua 2 ống rỗng gọi là niệu quản để tới bàng quang, tại đây nước tiểu được lưu giữ cho đến khi ra khỏi cơ thể thông qua niệu đạo.

Tiểu máu vi thể
Hình ảnh các tế bào hồng cầu trong nước tiểu được phát hiện bằng kỹ thuật nhuộm soi dưới kính hiển vi

Trong bệnh lý tiểu máu vi thể và cả đại thể, thận hoặc các bộ phận khác của hệ tiết niệu đều có thể là nguyên nhân cho phép các tế bào máu “lọt” vào nước tiểu. Một số vấn đề có thể xảy ra bao gồm:

2.1. Nhiễm trùng đường tiểu

Đây là bệnh gặp ở cả 2 giới nhưng đặc biệt khá phổ biến ở phụ nữ. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua niệu đạo và bắt đầu nhân lên bên trong bàng quang. Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu thường bao gồm sự kích thích đi tiểu liên tục, đau và buốt khi tiểu, nước tiểu có mùi rất mạnh.

2.2. Nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận như viêm bể thận có thể xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào thận từ dòng máu hoặc do vi khuẩn di chuyển ngược dòng từ niệu quản đến thận.

2.3. Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận

Các khoáng chất trong nước tiểu sẽ tập trung hoặc đôi khi kết tủa, tạo thành các hả tinh thể trên thành của thận hay bàng quang. Theo thời gian, các tinh thể sẽ trở thành sỏi nhỏ cứng. Phần lớn các sỏi bàng quang thường không gây đau đớn, có thể không biết đến sự tồn tại có nó trừ khi sỏi gây tắc nghẽn hoặc di chuyển. Nếu sỏi nằm ở thận đặc biệt có thể gây ra đau đớn. Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận có thể dẫn đến cả đái máu đại thể và đái máu vi thể.

viêm bể thận 1
Tình trạng viêm bể thận có thể gây tiểu ra máu

2.4. Phì đại tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt nằm ở vị trí dưới bàng quang và bao quanh phần trên của niệu đạo. Bệnh tuyến tiền liệt thường bắt đầu phát triển khi nam giới tuổi đến trung niên. Khi tuyến này phì đại lớn lên gây chèn ép niệu đạo, cản trở dòng chảy nước tiểu một phần. Các triệu chứng bao gồm tiểu khó, luôn có nhu cầu khẩn cấp hoặc liên tục đi tiểu, đôi khi có kèm chảy máu đại thể hoặc vi thể. Bên cạnh đó, nhiễm trùng tuyến tiền liệt hay còn gọi là viêm tuyến tiền liệt cũng có thể gây ra các dấu hiệu tương tự.

2.4. Bệnh cầu thận

Tiểu máu là một triệu chứng phổ biến của bệnh viêm cầu thận - viêm nhiễm của hệ thống lọc của thận. Viêm cầu thận có thể là một phần nhỏ của một bệnh lý hệ thống như bệnh tiểu đường, hoặc có thể xảy ra riêng rẽ một mình. Bệnh có thể được kích hoạt do nhiễm virus, do các bệnh mạch máu, các vấn đề miễn dịch... ảnh hưởng đến các mao mạch nhỏ giữ vai trò lọc máu trong thận.

2.5. Rối loạn di truyền

Bệnh thiếu máu, thiếu hụt hồng cầu có thể là nguyên nhân gây ra tiểu máu, cả đại thể và vi thể. Ví dụ hội chứng Alport ảnh hưởng đến các màng lọc ở cầu thận.

2.6. Thuốc

Một số thuốc có thể gây ra tiểu máu bao gồm: aspirin, penicillin, heparin và các thuốc chống ung thư cyclophosphamide.

Aspirin
Thuốc Aspirin có thể gây ra tình trạng tiểu máu ở một số người bệnh

2.7. Tập thể dục nặng, quá mức

Không rõ lý do vì sao tập thể dục lại có thể khiến hồng cầu thoát ra trong nước tiểu. Điều này có thể giải thích theo hướng tổn thương bàng quang, mất nước hoặc do sự cố của các tế bào hồng cầu khi tập thể dục dài hạn. Hầu hết các vận động viên có thể cho kết quả tiểu máu vi thể hoặc thậm chí là đại thể sau một buổi tập luyện dữ dội.

Trên thực tế, phần lớn tiểu máu đều không rõ nguyên nhân nhưng mặt khác nó cũng có thể là biểu hiện của một bệnh lý nào đó đáng báo động.

3. Chẩn đoán tiểu máu vi thể

3.1. Xét nghiệm nước tiểu

Tiểu máu vi thể lần đầu tiên thường được phát hiện thông qua kiểm tra nước tiểu, có thể thử nghiệm trở lại để xem nước tiểu còn chứa các tế bào hồng cầu hay không. Nếu hiện tượng tiểu máu chỉ xảy ra một lần thường không cần phải đánh giá thêm. Việc phân tích nước tiểu có thể giúp bác sĩ xác định có nhiễm trùng đường tiết niệu hay có bài tiết khoáng chất gây sỏi thận hay không.

3.2. Chẩn đoán hình ảnh

Hầu hết mọi nguyên nhân gây tiểu máu đều có thể có kiểm tra qua hình ảnh chi tiết của các cơ quan nội tạng như: Kỹ thuật CT scan, hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) hoặc siêu âm.

Chụp PET/CT
Chụp CT-scan giúp hỗ trợ chẩn đoán tiểu máu vi thể

3.3. Soi bàng quang

Một ông nhỏ được trang bị máy ghi hình thu nhỏ được đưa vào bàng quang để kiểm tra toàn bộ bàng quang và niệu đạo.

4. Điều trị đái máu vi thể

Có 2 hướng điều trị đó là: điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân:

4.1. Điều trị nội khoa bằng thuốc

  • Sử dụng thuốc cầm máu: các Transamin đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch.
  • Chỉ định truyền máu nếu có mất nhiều máu.
  • Điều trị kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm trùng: nhóm Sulfamid, nhóm Quinolon hoặc có thể phối hợp với nhóm khác tùy theo diễn biến lâm sàng và kết quả cấy vi khuẩn máu, cấy nước tiểu.
  • Dựa trên nguyên nhân gây bệnh để phối hợp thêm thuốc khác.
Truyền dịch
Sử dụng thuốc Transamin truyền tĩnh mạch giúp điều trị đái máu vi thể

4.2. Điều trị ngoại khoa phẫu thuật

Một số trường hợp có tình trạng tắc nghẽn nhiều ở đường tiết niệu cần can thiệp ngoại khoa tạm thời như dẫn lưu, lấy máu cục tại bàng quang trước khi giải quyết nguyên nhân gây bệnh.

4.3. Điều trị nguyên nhân

Chỉ định can thiệp ngoại khoa tùy theo nguyên nhân tiểu máu và tình trạng cụ thể của người bệnh.

Bệnh tiểu máu vi thể là căn bệnh nguy hiểm và rất khó phát hiện, chúng chỉ được phát hiện qua các siêu âm, xét nghiệm. Do đó để biết được bản thân mình có bị mắc bệnh hay không bạn cần thực hiện xét nghiệm nước tiểu hoặc sàng lọc bệnh tiết niệu. Từ đó sẽ có hướng phòng ngừa và điều trị bệnh nếu có.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã thực hiện thăm khám, điều trị và phòng ngừa, phẫu thuật nhiều bệnh lý tiết niệu đem lại kết quả tốt, sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. Với chất lượng y tế toàn diện, hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ giỏi có chuyên môn sẽ đưa ra phương hướng điều trị tốt cho bệnh nhân.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan