Thực hiện siêu âm mạch chi dưới như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Kỹ thuật siêu âm mạch máu ra đời là một bước tiến lớn đối với ngành y học, nó có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến mạch máu.

1. Kỹ thuật siêu âm mạch chi dưới là gì?

Siêu âm (hay còn gọi là Sonography) là một kỹ thuật hiện đại ứng dụng các sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của các mô và các tổ chức bên trong cơ thể. Ngày nay, kỹ thuật này ngày càng được sử dụng rộng rãi và có ứng dụng nhất định trong chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau của cơ thể.

Siêu âm mạch máu ra đời đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của công nghệ y học. Siêu âm đã thay thế phương pháp chụp mạch máu và các thăm dò mạch máu khác mà trước đây các bệnh viện thường dùng. Siêu âm mạch máu chi dưới được ứng dụng trong hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý về động mạch và tĩnh mạch chi dưới.

2. Các ưu điểm của kỹ thuật siêu âm mạch chi dưới

Như đã nói, siêu âm mạch máu chi dưới là một phát minh có ý nghĩa to lớn đối với việc phát hiện các bệnh lý, vì nó có các ưu điểm vượt trội:

  • Quan sát mạch máu và phát hiện các tổn thương một cách tương đối chính xác, đặc biệt là siêu âm màu.
  • Phương pháp dễ thực hiện, thao tác nhanh chỉ trong 20 - 30 phút.
  • Không gây đau hay khó chịu cho bệnh nhân. Sóng siêu âm tuyệt đối an toàn và không gây hại đến sức khoẻ.
  • Chi phí được tiết đáng kể so với một số kỹ thuật khác.
siêu âm mạch chi dưới
Siêu âm mạch chi dưới không đem lại cảm giác đau đớn cho người bệnh

3. Khi nào cần đi siêu âm mạch chi dưới?

Khi có những dấu hiệu dưới đây, bệnh nhân được chỉ định siêu âm mạch máu chi dưới:

  • Đau từng đợt: là một triệu chứng thường gặp nhất, đau do thiếu máu cơ lặp lại. Nguyên nhân chủ yếu là do máu cung cấp không đủ, thường đau khi gắng sức đi lại và giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi.
  • Đau khi nghỉ ngơi: là tình trạng thiếu máu trầm trọng dẫn đến các vết thương ở chân rất khó lành, có thể loét và dẫn đến hoại tử.
  • Thiếu máu chi cấp tính: do huyết khối, đe dọa đến các cơ chi dưới. Biểu hiện là đau, liệt, mất cảm giác, tím tái và không tìm thấy mạch.
  • Tỷ số huyết áp tâm thu đo được giữa cổ chân và cánh tay chênh lệch nhiều.
  • Bệnh nhân mắc chứng suy giãn các tĩnh mạch và dấu hiệu nghi ngờ bị huyết khối tĩnh mạch.
  • Bệnh nhân bị chấn thương, các bệnh ác tính, béo phì, sưng phù chân...

4. Siêu âm mạch chi dưới sẽ giúp phát hiện ra những bệnh gì?

Những bệnh liên quan đến mạch máu là những bệnh nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh tổn thương động, tĩnh mạch chi dưới. Vì vậy, khi bạn đã có những dấu hiệu kể trên khi siêu âm, sẽ giúp phát hiện các bệnh sau:

  • Phát hiện và đánh giá mức độ hẹp của động mạch chi dưới. Hẹp động mạch chủ yếu là do chứng xơ vữa động mạch. Đánh giá mức độ hẹp bằng cách đánh giá độ dày và rộng của các mảng xơ vữa, đánh giá dòng chảy của máu trong lòng động mạch tại vị trí hẹp, vị trí trước và sau chỗ hẹp.
  • Phát hiện tình trạng bệnh lý huyết khối tĩnh mạch. Đây là một bệnh lý nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng, biến chứng nguy hiểm nhất của huyết khối tĩnh mạch sâu là tắc động mạch phổi.
  • Phát hiện sớm hội chứng suy tĩnh mạch. Siêu âm có thể phát hiện các dòng chảy ngược tĩnh mạch, đây là nguyên nhân gây nên hiện tượng đau nhức, chuột rút, mỏi cơ và lâu dần dẫn đến suy tĩnh mạch ở bệnh nhân.

Ngoài ra, siêu âm mạch máu chi dưới còn được sử dụng để theo dõi tình hình phục hồi sau phẫu thuật ở một số bệnh nhân bị chấn thương và các bệnh lý liên quan đến động tĩnh mạch ở chi dưới. Vì thế, khi đi siêu âm sớm, các bệnh lý sẽ được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh phát triển, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Siêu âm động mạch chi dưới
Hình ảnh kết quả siêu âm mạch chi dưới

5. Quy trình siêu âm mạch chi dưới

Mạch chi dưới được chia làm 2 loại: động mạch và tĩnh mạch.

Kỹ thuật sử dụng: siêu âm B - mode, siêu âm doppler màu, dopper xung. Tần số sóng siêu âm sử dụng là 5 MHz.

  • Tư thế bệnh nhân: nằm, ngồi, đứng; tùy theo bác sĩ thăm khám.
  • Quy trình khảo sát: Khảo sát từ tầng đùi: gồm có động mạch đùi chung, đùi sâu, đùi nông đoạn gần và đoạn xa, tầng khoeo: động mạch khoeo, tầng cẳng chân: gồm có động mạch chày trước, động mạch mác và động mạch chày sau.
  • Tiến hành quét đầu dò trên vị trí các động mạch cần siêu âm và quan sát hình ảnh hiển thị trên màn hình để phát hiện những tổn thương, bệnh lý ở động mạch chi dưới.

5.1 Siêu âm tĩnh mạch chi dưới

Siêu âm tĩnh mạch chi dưới gồm:

Các tĩnh mạch sâu

  • Các tĩnh mạch sâu gồm có: tĩnh mạch chậu, tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch khoeo, tĩnh mạch chày trước, chày sau và tĩnh mạch mác.
  • Tư thế bệnh nhân và vị trí quét đầu dò siêu âm tương tự như siêu âm động mạch chi dưới.
  • Siêu âm tĩnh mạch nên kết hợp các nghiệm pháp đánh giá động học: đè ép đầu dò đảm bảo không có huyết khối trong lòng mạch, bóp cơ bắp chân, nghiệm pháp valsalva.

Các tĩnh mạch nông

  • Gồm có: tĩnh mạch hiển lớn và tĩnh mạch hiển bé.
  • Kỹ thuật sử dụng: Siêu âm B - mode đánh giá hình thái trên suốt đường đi của tĩnh mạch, siêu âm doppler màu kết hợp doppler xung rồi đánh giá phổ doppler thu được để đánh giá chức năng van trong tĩnh mạch.
  • Các nghiệm pháp đánh giá động học được sử dụng tương tự như siêu âm tĩnh mạch sâu.
Siêu âm mạch chi dưới
Siêu âm mạch chi dưới cần được thực hiện tại cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại

Các tĩnh mạch xiên:

  • Có hơn 150 tĩnh mạch xiên, phần lớn có kích thước nhỏ nên không thể khảo sát hết.
  • Kỹ thuật được thực hiện ở tư thế bệnh nhân đứng và tại vị trí các tĩnh mạch có hiện tượng suy giãn.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan