Thông tin cho bệnh nhân tán sỏi thận bằng laser

Bài viết bởi Thạc sĩ - Bác sĩ Hoàng Thọ, Chuyên Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser là phương pháp dùng ống nội soi nhỏ, có gắn camera đưa vào qua niệu đạo vào bàng quang, lên niệu quản tiếp cận sỏi, sử dụng nguồn năng lượng laser trực tiếp tán vỡ viên sỏi trong lòng niệu quản. Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn so với các phương pháp phẫu thuật kinh điển, mang lại hiệu quả cao trong điều trị, người bệnh ít đau, phục hồi sức khỏe nhanh, thường ra viện sau 1 - 2 ngày.

1. Khi nào cần phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser?

Bệnh nhân có sỏi niệu quản thường biểu hiện bằng các triệu chứng đau mỏi thắt lưng, đái buốt, đái rắt hoặc có thể vào viện cấp cứu vì cơn đau quặn niệu. Làm xét nghiệm siêu âm hoặc chụp CT hệ tiết niệu phát hiện ra có sỏi niệu quản, bệnh nhân cần thiết mổ khi:

  • Sỏi niệu quản đoạn 1/3 giữa, 1/3 dưới kích thước từ 0.5 cm đến 2.5 cm
  • Sỏi niệu quản nhỏ hơn 0.5cm điều trị nội khoa sau 1 tuần nhưng bệnh nhân vẫn đau, sỏi ở trên vị trí hẹp niệu quản hoặc trên chỗ sa lồi niệu quản.
  • Sỏi bể thận hoặc sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên đã tán sỏi ngoài cơ thể thất bại.

Những bệnh nhân nào thì không mổ nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser được?

  • Bệnh nhân có rối loạn đông máu không kiểm soát được.
  • Nhiễm trùng tiết niệu đang trong giai đoạn cấp tính chưa được điều trị.
  • Bệnh nhân có hẹp niệu đạo, bệnh nhân hẹp niệu quản đoạn dài dưới vị trí sỏi.
  • Người bệnh bị bệnh xương khớp không nằm được tư thế sản khoa.
  • Người bệnh có thận mất chức năng.
CT-scan vùng chậu cho hình ảnh sỏi niệu quản đoạn niệu quản xa bên trái
CT-scan vùng chậu cho thấy hình ảnh sỏi niệu quản đoạn niệu quản xa bên trái

2. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser

  • Bệnh nhân không có vết mổ, cảm giác về mặt tâm lý, thẩm mỹ tốt.
  • Nguồn tán laser trực tiếp vào viên sỏi và tán vỡ viên sỏi nên ít tổn thương đến các cơ quan khác.
  • Rất ít đau, hậu phẫu nhẹ nhàng, nhanh phục hồi do đó tránh được các biến chứng do nằm lâu, bệnh nhân nhanh chóng đi tiểu theo đường tự nhiên.
  • An toàn hơn các phương pháp khác, nguy cơ chảy máu ít, ít biến chứng.

3. Những lợi thế của nội soi niệu quản so với các phương pháp điều trị sỏi khác là gì?

Một lợi thế của nội soi niệu quản ống soi mềm là cho phép đi vào niệu quản, vào các đài, bể thận tiếp cận trực tiếp đến viên sỏi dùng nguồn năng lượng laser tán vỡ viên sỏi lấy ra chỉ bằng một lần phẫu thuật.

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể Shock wave lithotripsy (SWL), sỏi thận hoặc niệu quản có thể được định vị thấy dưới màn hình X-quang, siêu âm và dùng sóng xung kích phá vỡ viên sỏi. Tuy nhiên, sau khi tán những mảnh vụn của sỏi khi di chuyển tự nhiên ra ngoài có thể tắc nghẽn niệu quản và gây lên cơn đau quặn niệu. Mặt khác có những sỏi niệu quản và sỏi thận cứng không tán vỡ sỏi bằng phương pháp này.

Nếu lựa chọn nội soi tán sỏi thận qua da PCNL bệnh nhân cần phải tạo đường hầm qua da vào nhu mô thận vào đài bể thận tiếp cận với sỏi và dùng nguồn năng lượng laser tán vỡ viên sỏi và lấy ra ngoài. Phương pháp này can thiệp xâm lấn hơn do vậy chỉ định cho sỏi thận có kích thước lớn hơn 1,5 cm.

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể Shock wave lithotripsy (SWL)
Hình ảnh mô phỏng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể (Shock wave lithotripsy)

4. Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser?

Bạn cần phải nhịn ăn và làm các xét nghiệm mổ phiên cơ bản như xét nghiệm sinh hóa máu, huyết học, siêu âm hoặc chụp CT hệ tiết niệu, chụp X-quang tim phổi, điện tâm đồ...

Tổng phân tích nước tiểu và cấy nước tiểu cũng sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện trước phẫu thuật nhằm đảm bảo người bệnh không bị nhiễm khuẩn tiết niệu hoặc nếu có, cần điều trị trước khi tiến hành phẫu thuật.

Nếu bác sĩ đã có chỉ định bạn cần phải phẫu thuật, bạn sẽ được khám và tư vấn bác sĩ gây mê và lên lịch mổ.

Trường hợp bạn đang dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông có thể sẽ phải dừng trong 1 tuần hoặc có thể tiếp tục dùng với liều thấp tùy thuộc vào ý kiến của bác sĩ tim mạch và bác sĩ gây mê.

Bạn phải được bác sĩ phẫu thuật giải thích về phương pháp phẫu thuật và ký cam đoan phẫu thuật.

Ngày mổ bạn cần nhịn ăn trước mổ 6h và nhịn uống trước mổ 2h.

Kháng sinh dự phòng thường được tiêm 1 liều duy nhất trước mổ.

5. Các bước thực hiện Phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser như thế nào?

Phẫu thuật này được thực hiện dưới gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống.

Sau khi bạn ngủ, hoặc không còn cảm giác đau, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một ống nội soi nhỏ có gắn camera qua lỗ niệu đạo vào bàng quang và lên niệu quản tiếp cận sỏi. Nếu sỏi nhỏ có thể được lấy ra ngoài bằng rọ lấy sỏi. Sỏi lớn sẽ được tán vỡ thành mảnh nhỏ bằng laser, trong hầu hết các trường hợp những mảnh này thường được lấy ra khỏi niệu quản bằng rọ lấy sỏi.

Sau mổ để tránh hẹp niệu quản và để đảm bảo dẫn lưu nước tiểu từ thận xuống bàng quang được tốt bác sĩ phẫu thuật thường đặt stent niệu quản (Double J), stent niệu quản này thường được bác sĩ hẹn đến viện nội soi bàng quang rút ra sau mổ 2- 3 tuần.

Có trường hợp niệu quản hẹp nên không thể đưa ống nội soi tiếp cận sỏi để tán được thì bác sĩ phẫu thuật sẽ phải đặt stent niệu quản trong thời gian từ 1-2 tuần để nong rộng niệu quản sau đó mới tiến hành nội soi tán sỏi tiếp tục được.

Trường hợp sỏi niệu quản di chuyển lên thận trong mổ (nhất là những sỏi niệu quản ở vị trí 1/3 trên gần sát thận) thì bác sĩ phẫu thuật có thể chuyển sang ống nội soi mềm để tiếp tục nội soi tán sỏi hoặc tán sỏi ngoài cơ thể vào ngày hôm sau.

Sau mổ, người bệnh thường được đặt ống thông bàng quang, mục đích của việc đặt ống thông bàng quang là theo dõi nước tiểu, theo dõi chảy máu và ống thông này thường được rút vào ngày hôm sau. Tuy nhiên có trường hợp phẫu thuật thuận lợi ít nguy cơ chảy máu có thể không cần thiết đặt thông bàng quang.

Tìm hiểu về gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ
Trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh được gây tê tuỷ sống

6. Hậu phẫu thường gặp

Sau mổ bạn sẽ được đưa vào phòng hồi tỉnh theo dõi, khi bạn ổn định sẽ chuyển về khoa điều trị nội trú sau mổ.

Sau mổ thông thường bạn sẽ cảm thấy rát trong niệu đạo, điều dưỡng chăm sóc có thể rút thông tiểu cho bạn nếu nước tiểu qua thông tiểu trong.

Sau rút thông tiểu, bạn có thể đi tiểu bình thường, lúc đầu đi tiểu có thể có lẫn máu sau đó nước tiểu sẽ trong dần. Bạn có thể bị đau nhẹ vùng thắt lưng hoặc bàng quang sau phẫu thuật, điều này thường được kiểm soát tốt bằng sử dụng thuốc giảm đau đường uống.

Buồn nôn: Có thể bạn có dấu hiệu này do tác dụng của thuốc mê nhưng thường thoáng qua.

Chế độ ăn uống: Sau mổ khi đã tỉnh táo bạn có thể ăn thức ăn nhẹ, uống nhiều nước, sau 24 giờ bạn có thể ăn uống bình thường .

Hoạt động: Thông thường bạn ra viện 1 ngày sau phẫu thuật, sau đó có thể hoạt động bình thường, tuy nhiên do còn stent niệu quản do đó khi bạn vận động mạnh có thể đau và đi tiểu ra máu. Những trường hợp đau và đái máu nhiều bạn cần liên hệ với bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể.

7. Nguy cơ và biến chứng của Phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser

Phần lớn các trường hợp sau mổ không ghi nhận có biến chứng. Tuy nhiên, bất cứ can thiệp ngoại khoa nào cũng đều có những nguy cơ và biến chứng được ghi nhận như sau.

Một số biến chứng có liên quan đến tình trạng sức khỏe chung và liên quan đến gây mê. Người bệnh sẽ được bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật giải thích về các biến chứng này trong lần thăm khám trước mổ và đây là các biến chứng có thể xảy ra đối với tất cả các can thiệp ngoại khoa.

Các biến chứng liên quan trực tiếp đến Phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser thường hiếm gặp nhưng có thể xảy ra như:

  • Đau mỏi thắt lưng do còn stent niệu quản (Double J): Bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi niệu quản và đặt stent có thể sẽ bị đau mỏi thắt lưng, các triệu chứng từ đau âm ỉ, thậm chí đau nhiều khi bệnh nhân vận động mạnh. Cần hỏi bác sĩ phẫu thuật của bạn về những rủi ro / lợi ích của stent niệu quản sau phẫu thuật.

  • Có thể còn sót các mảnh sỏi trong thận hoặc niệu quản sau mổ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tư vấn cho bạn phương pháp để giải quyết với những mảnh sỏi nhỏ đó thông thường là tán sỏi ngoài cơ thể hoặc là nội soi tán sỏi ống soi mềm lần hai tán sỏi với những mảnh sỏi trên thận.
  • Tổn thương niệu quản: Tổn thương niệu quản có thể gặp khi nội soi niệu quản, tổn thương đó là rách, thủng thành niệu quản. Gần như 100% những tổn thương này sẽ lành lại khi đặt stent niệu quản kéo dài (trong khoảng 2 - 4 tuần), rất hiếm trường hợp tổn thương niệu quản nặng mà phải can thiệp mổ nối lại niệu quản.
  • Hẹp niệu quản: Hình thành do mô sẹo sau mổ trong lòng niệu quản là biến chứng nguy hiểm của nội soi niệu quản. May mắn thay, do sự ra đời cải tiến của ống soi niệu quản nhỏ và kỹ thuật của bác sĩ phẫu thuật nâng cao do đó nguy cơ này ngày càng hiếm gặp
  • Tiểu máu và nhiễm trùng: Chảy máu và nhiễm trùng có thể gặp sau khi nội soi niệu quản (5%), nhưng hầu hết trong số này sẽ dần ổn định sau dùng thuốc giảm đau và kháng sinh đường niệu.

Những trường hợp sau mổ bệnh nhân có sốt, đái buốt, đái rắt biểu hiện nhiễm trùng tiết niệu rõ cần được lấy máu, lấy nước tiểu nuôi cấy để tìm ra vi khuẩn và điều trị tích cực bằng kháng sinh theo kháng sinh đồ.

8. Chế độ ăn uống cho bệnh nhân sỏi tiết niệu

Uống đủ nước: Mỗi ngày phải uống ít nhất 2L nước, không uống đủ nước sẽ làm nước tiểu bị cô đặc, sẽ giúp hình thành nên sỏi.

Hạn chế ăn muối: Ăn quá nhiều muối sẽ khiến calcium bị bài tiết nhiều và hình thành kết tinh sỏi nước tiểu vì vậy cần ăn nhạt.

Ăn vừa đủ đạm: Ăn quá nhiều đạm sẽ làm tăng calcium, oxalic acid, acid uric sẽ gây nên acid hóa nước tiểu và dễ dẫn đến sỏi tiết niệu.

Chế độ ăn cho người bị cao huyết áp: Chú ý giảm muối
Người bệnh có sỏi tiết niệu nên hạn chế ăn quá nhiều muối

Không hạn chế thực phẩm chứa calcium: Trước đây, mọi người nói rằng việc hạn chế thực phẩm chứa calcium có thể phòng tránh sỏi, tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu gần đây, người mà ăn ít thực phẩm chứa calcium lại bị sỏi tiết niệu nhiều hơn. Thêm vào đó, những bệnh nhân sỏi tiết niệu hạn chế quá mức lượng thực phẩm chứa calcium có nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Do đó, đối với những bệnh nhân có mật độ xương trong giới hạn bình thường và lượng calcium trong nước tiểu thải ra nhiều hơn mức bình thường thì mới hạn chế vừa phải thực phẩm chứa calcium.

Lựa chọn những thực phẩm giàu chất xơ: Thực phẩm giàu chất xơ giúp hạn chế quá trình hấp thụ calcium và khi chất xơ kết hợp với calcium sẽ giúp giảm bài tiết calcium qua thận bằng cách tăng đào thải calcium qua phân. Do đó, thay vì ăn cơm trắng nên ăn các loại cơm trộn ngũ cốc, rau sống và nên ăn hoa quả tươi hơn.

Phương pháp nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser hiện đang được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Kỹ thuật này được tin dùng nhờ tỷ lệ thực hiện thành công lên tới 95%, biến chứng dưới 5%.

Kỹ thuật này do đội ngũ bác sĩ là các chuyên gia hàng đầu về niệu khoa tại Vinmec thực hiện, cùng với dàn máy phẫu thuật nội soi và máy tán sỏi laser hiện đại bậc nhất khu vực, các dụng cụ sử dụng trong phẫu thuật chất lượng đạt chuẩn quốc tế.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan