Thiếu kẽm ở người già

Kẽm là một vi lượng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển cơ thể, tổng hợp DNA, hỗ trợ chức năng thần kinh và miễn dịch qua trung gian tế bào. Thiếu kẽm ở người già hầu hết có nguyên nhân từ sự hấp thụ kẽm ở người cao tuổi thấp hơn đáng kể so với người trẻ, phổ biến ở những người trên 75 tuổi. Các triệu chứng bao gồm viêm da, tiêu chảy ... suy giảm miễn dịch và chữa lành vết thương bị rối loạn ở những người bị thiếu kẽm và bổ sung kẽm cho người già là cần thiết để có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

1. Tổng quan

Kẽm (Zn) là nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khỏe và tinh thần của con người. Nó đảm nhận vai trò cấu trúc và chức năng trong một số lượng lớn các đại phân tử và cần thiết cho hơn 300 phản ứng enzym trong cơ thể. Các ion kẽm tham gia vào tất cả các khía cạnh của quá trình chuyển hóa trung gian, truyền dẫn và điều chỉnh sự biểu hiện thông tin di truyền, lưu trữ, tổng hợp và hoạt động của các hóc môn peptit và duy trì cấu trúc của chất nhiễm sắc và màng sinh học. Vì vậy, kẽm cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, tổng hợp protein và DNA, các chức năng cảm giác thần kinh, miễn dịch qua trung gian tế bào, tuyến giáp và chuyển hóa xương.

Cơ thể con người chứa khoảng 1,4-2,3g kẽm. Kẽm có chủ yếu trong cơ (60%), xương (30%) và các cơ quan khác (10%) như gan, thận, tuyến tụy, não, da, tuyến tiền liệt ... Nhu cầu kẽm hàng ngày của một người trưởng thành là 15mg và nồng độ kẽm bình thường trong huyết thanh là 84 - 159 microgram/ dl.

Việc hấp thụ nhiều kẽm trong thời gian dài cùng với hiệu suất hấp thụ giảm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hậu quả thiếu kẽm ở những người già. Thật vậy, sự thiếu hụt kẽm vừa phải thường được quan sát thấy ở những người cao tuổi, ngay cả ở các quốc gia phát triển. Thiếu hụt kẽm ở người già có thể là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng và các bệnh lý thoái hóa liên quan đến tuổi tác (bao gồm giảm vị giác, stress oxy hóa, thay đổi chức năng miễn dịch, rối loạn thần kinh). Như vậy, kẽm có vai trò quan trọng đối với người cao tuổi vì có liên quan đến các chức năng tâm lý, tình trạng dinh dưỡng, hệ miễn dịch và chống oxy hóa, chuyển hóa xương.

2. Các biểu hiện thiếu kẽm ở người già

Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng kẽm thường không nhận được nhiều sự quan tâm ở các nước phát triển vì tình trạng thiếu hụt kẽm trầm trọng là không phổ biến. Ngược lại ở các nước đang phát triển, thiếu kẽm là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, trong đó ảnh hưởng chủ yếu đến người già và trẻ em.

Người cao tuổi có nguy cơ bị thiếu kẽm cao hơn so với nhóm dân số chung. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng thiếu kẽm có thể gây ra tổn thương DNA. Nghiên cứu mới gần đây là một bước tiến nhằm tìm hiểu sự thiếu hụt kẽm cũng có thể dẫn đến chứng viêm hệ thống như thế nào. Trong khi một số phản ứng viêm là một phần bình thường của quá trình bảo vệ cơ thể của hệ miễn dịch, thì tình trạng viêm quá mức có liên quan đến các bệnh thoái hóa khác nhau từ ung thư đến bệnh tim. Khi thiếu kẽm, khả năng sửa chữa tổn thương của cơ thể cũng có thể giảm đi.

Thiếu hụt kẽm ở người già có thể dẫn đến phát ban da có vảy, đặc biệt là da xung quanh miệng, trên tay và ở bẹn. Người già không đủ kẽm trong cơ thể cũng có thể gặp phải nhiều vấn đề như tiêu chảy, chán ăn và tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Rụng tóc và vết thương lâu lành cũng có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt kẽm ở người lớn tuổi. Vì vậy khi các bác sĩ nhận thấy chức năng miễn dịch bị suy giảm và khả năng nhiễm trùng ngày càng tăng cùng với vết thương kém lành và kém ăn ở người cao tuổi, họ nên cân nhắc kiểm tra nồng độ kẽm trong máu của người đó.

Rụng tóc là một trong các biểu hiện thiếu kẽm ở người già
Rụng tóc là một trong các biểu hiện thiếu kẽm ở người già

Mặc dù có những dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn về tình trạng thiếu kẽm ở người già nhưng đây là những biểu hiện không đặc hiệu vì thế không dễ để chẩn đoán và phát hiện, trừ khi thiếu kẽm ở người già một cách trầm trọng. Ngoài ra, phương tiện xét nghiệm chẩn đoán cũng còn nhiều hạn chế. Nồng độ kẽm trong máu hiện tại là phương tiện được áp dụng phổ biến, tuy nhiên nó không đáng tin cậy vì không phản ánh đúng lượng kẽm trong cơ thể, cũng như không nhạy với tình trạng thiếu hụt kẽm ở người già.

3. Bổ sung kẽm cho người già đúng cách

Cách tốt để dự phòng thiếu kẽm ở người già là bổ sung nhiều kẽm hơn - cụ thể là 11mg/ngày đối với nam giới và 8mg/ngày đối với phụ nữ.

Thịt nạc và hải sản là những nguồn thực phẩm tốt giàu kẽm, trong đó hàu có hàm lượng kẽm cao nhất từ ​​thực phẩm. Ngũ cốc và các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật giàu protein khác như đậu và các loại hạt cũng có khá nhiều kẽm. Nhưng nếu bạn chỉ ăn các thực phẩm từ thực vật, bạn có thể không hấp thụ tốt kẽm và thậm chí sẽ phải ăn nhiều hơn do sự tương tác giữa các chất dinh dưỡng.

Đối với những người lớn tuổi không ăn nhiều thịt và có nguy cơ không đáp ứng đủ nhu cầu kẽm ở người già, các viên uống vitamin tổng hợp có chứa kẽm có thể là phương pháp thay thế, miễn là bệnh nhân được cung cấp ở dưới mức liều lượng tối đa của kẽm, là 40 mg/ mỗi ngày. Những người già không có thói quen ăn nhiều thịt, người già đang bị nhiễm trùng hoặc tiêu chảy thường xuyên có thể sử dụng chất bổ sung kẽm trong một thời gian và xem liệu tình trạng tiêu chảy có cải thiện hay không hoặc tần suất nhiễm trùng có giảm đi không.

Điều quan trọng cần nhớ là kẽm có thể gây ngộ độc khi được bổ sung với số lượng lớn, bổ sung kẽm cho người già không được vượt quá giới hạn trên 40 mg/ngày. Uống quá nhiều chất bổ sung kẽm có thể dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy, chuột rút và đau đầu. Kẽm cũng có thể phản ứng với một số loại thuốc điều trị nên người già, đối tượng thường có nhiều bệnh nền cần phải thông báo cho bác sĩ của họ trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov, nature.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan