Sơ lược truyền máu ở Việt Nam và các tiến bộ

Bài viết được viết bởi bác sĩ Huyết học - Truyền máu - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Truyền máu là quá trình truyền các chế phẩm máu bị thiếu vào đường tĩnh mạch cho người bệnh. Thời kỳ đầu của truyền máu là sử dụng máu toàn phần. Ngày nay, Y học phát triển và đã điều chế được nhiều chế phẩm máu, do vậy chỉ truyền những thành phần mà người bệnh thiếu như hồng cầu, bạch cầu, huyết tương, các yếu tố đông máu và tiểu cầu ...

Trước năm 1954: Truyền máu ở Việt Nam do quân đội Pháp tổ chức đầu tiên tại Bệnh viện Đồn Thủy (BV Quân Y 108 hiện nay), cung cấp máu cho quân đội Pháp. Sau đó là một số Bệnh viện ở Sài Gòn cũng do quân đội Pháp tổ chức và quản lý truyền máu.

Từ 1954 - 1974: Sau hòa bình (1954), ta tiếp quản Thủ đô, quân đội tiếp quản Bệnh viện Đồn Thủy (Pháp gọi là bệnh viện Lanessan) và đổi tên là Quân y Viện 108- Trung tâm truyền máu vẫn được bảo toàn và hoạt động bởi các cán bộ cũ ở lại.

1956 BS.Vũ Triệu An được phân công phụ trách trung tâm này. Có thể coi đây là cơ sở truyền máu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cũng năm 1956: Bệnh viện Việt Đức mở Khoa Lấy máu và Truyền máu.

Vào năm 1970, GS.Bạch Quốc Tuyên thành lập Khoa Lấy máu tại Bệnh viện Bạch Mai, cho tới nay là Viện HHTM Trung ương (từ 31/12/1984). Truyền máu của ta lúc này chủ yếu phục vụ cho chiến tranh, phục vụ cho quân đội, chủ yếu là truyền máu toàn phần, lấy máu bằng chai thuỷ tinh (chu trình hở) và truyền trong ngày. Chưa có phương tiện bảo quản và tách các thành phần máu.

Từ năm 1975 - 1992: Nhu cầu máu gia tăng, nguồn máu thu được chủ yếu là từ người bán máu (> 90 %). Phương tiện thu gom máu bằng chai thủy tinh (chu trình hở). An toàn truyền máu chủ yếu là làm phản ứng chéo và định nhóm, tìm đơn vị máu tương đồng. Bệnh nhiễm trùng chỉ sàng lọc: sốt rét, giang mai, một vài cơ sở sàng lọc HBV. Truyền máu phát triển ở hầu hết ở các Bệnh viện Trung ương và Bệnh viện tỉnh, truyền máu toàn phần chiếm 100% chưa có chương trình Quốc gia về An toàn truyền máu.

Tháng 5/1975, ở phía Nam, BS. Trần Văn Bé được Bộ Y tế Thương binh Xã hội Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam phân công tiếp quản Viện Truyền máu Quốc gia (Sài Gòn cũ) đóng tại địa chỉ 118 Hùng Vương, phường 12, quận 5 và bổ nhiệm ông làm giám đốc điều hành, quản lý cơ sở với tên gọi mới là Viện Truyền Máu, tiếp tục nhiệm vụ lấy máu, phân phối, cung cấp cho các Bệnh viện thành phố.

Từ năm 1993 - 2005: Truyền máu Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng phát triển của truyền máu hiện đại của Khu vực và Thế giới.

Hiến máu tình nguyện: Vận động cho máu tình nguyện quy mô Toàn quốc bắt đầu từ 24/1/1991. Một năm sau (1995), Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ quyết định lấy ngày 6/1 là ngày bầu cử khoá Quốc hội đầu tiên 1946 làm ngày động viên toàn dân tham gia hiến máu.

Ngày hội Hiến máu tình nguyện
Ngày hội Hiến máu tình nguyện

Năm 2000, Chính phủ quyết định đổi sang ngày 7/4 ngày sức khỏe Toàn cầu giành cho An toàn truyền máu làm ngày cổ động hiến máu Toàn quốc. Nhờ vậy đã làm tăng lượng máu cho điều trị gấp nhiều lần, giảm người cho máu chuyên nghiệp, tăng người cho máu tình nguyện, tại Viện Huyết học - Truyền máu đạt được > 65%.

Tháng 1/1995: Xây dựng giá tiền một đơn vị máu do liên Bộ Y tế - Tài chính - Kế hoạch đầu tư quyết định, đây là giá tiền một đơn vị máu đầu tiên. Nhờ quyết định này truyền máu nước ta tiến thêm một bước mới. Đổi mới các trang bị thu gom và bảo quản máu:

  • Thay chai thủy tinh bằng túi chất dẻo (1/1995) như Quốc tế
Túi dẻo lấy máu
Túi dẻo lấy máu được thay thế cho chai thủy tinh

  • Thay giường bằng ghế lấy máu như Quốc tế (từ 1/1996),
  • Tủ lạnh bảo quản máu và huyết tương (1996) (chương trình viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Luxembourg).
  • Sàng lọc đủ 5 bệnh nhiễm trùng theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới trên phạm vi Toàn quốc:

+ HIV, giang mai, sốt rét (từ 1993)

+ HBV (từ 1994)

+ HCV (từ 1996). Tới 1999, 100% đơn vị máu đã được sàng lọc đủ 5 bệnh nhiễm trùng ở tất cả các Bệnh viện tuyến Tỉnh và Huyện có dùng máu.

Đã loại >1000 người đi cho máu có anti HIV+, hàng vạn người HCV +, HBV +, bảo đảm an toàn truyền máu.

Từ năm 1996 – 1999: Sản xuất và chuẩn hoá các chế phẩm máu (đề tài nghiên cứu sản xuất chế phẩm máu cấp Nhà nước; và dự án nghiên cứu sản xuất và chuẩn hóa chế phẩm máu 2000 - 2002 của Viện Huyết học - Truyền máu), bao gồm:

  • Khối hồng cầu nghèo bạch cầu
  • Khối tiểu cầu pool, tiểu cầu từ 1 cá thể
  • Huyết tương tươi, huyết tương tươi đông lạnh
  • Tủa lạnh yếu tố VIII
  • Đồng thời với sự ra đời trung tâm điều trị Hemophilia (1999) và gia nhập hội Hemophilia Quốc tế (2000) đã đem lại nguồn hy vọng lớn cho bệnh nhân Hemophilia
  • Khối bạch cầu hạt trung tính: chế phẩm này đã cứu sống nhiều bệnh nhân nhiễm trùng kháng thuốc (vô phương cứu chữa).

Phát triển truyền máu lâm sàng: chỉ định và sử dụng hợp lý máu và các chế phẩm máu. Tại Viện Huyết học - Truyền máu TW, sau khi nghiệm thu đề tài nhánh cấp Nhà nước về sản xuất các chế phẩm máu (1996 -1999) và dự án cấp Nhà nước về sản xuất và chuẩn hoá các chế phẩm máu sử dụng cho điều trị (2000-2002), tới nay truyền máu từng phần ở Viện Huyết học -Truyền máu TW và các Bệnh viện phụ thuộc Ngân hàng máu Hà Nội đã đạt 100%, hiện đang phát triển tới các tỉnh và thành phố khác trong toàn quốc. Đây là một thay đổi lớn về nhận thức và thói quen truyền máu toàn phần ở các Bệnh viện, đồng thời tạo ra bước ngoặt trong công tác chăm sóc bệnh Hemophilia ở nước ta từ năm 1999

Truyền máu
Truyền máu lâm sàng

- Nhờ phát triển của truyền máu, ghép tủy tế bào gốc tạo máu đã tiến hành ở 3 Bệnh viện lớn: Bệnh viện Huyết học- Truyền máu thành phố Hồ Chí Minh (1995), Bệnh viện trung ương Huế (2004), Bệnh viện Quân đội 108 (2005).

Giai đoạn 2001 - 2015: Mục tiêu chính là hiện đại hóa ngành Truyền máu, sớm hòa nhập với Truyền máu Khu vực và Thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta đã:

- Xây dựng chương trình An toàn truyền máu Quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 12 năm 2001, theo hướng tập trung: một Ngân hàng máu cung cấp cho nhiều bệnh viện, nhằm nâng cao chất lượng các chế phẩm máu và hiệu quả truyền máu lâm sàng có máu dự trữ để bất kỳ khi nào cần là có máu, kể cả tuyến huyện và tương đương. Chương trình này tiến hành theo hai bước:

+ Bước 1 tập trung tuyến tỉnh, cắt thu gom máu và sàng lọc máu ở bệnh viện huyện và tương đương;

+ Bước 2 tập trung xây dựng Ngân hàng máu Khu vực tập trung từ 3 - 4 tỉnh lân cận, dự kiến khoảng 15 Trung tâm Truyền máu trong Toàn quốc.

- Xây dựng Ngân hàng máu khu vực mẫu tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, bằng vốn vay của Ngân hàng. Dự án này được Thủ tướng phê duyệt tháng 1/2002. Nhằm mục đích phấn đấu 2010 – 2015, Toàn quốc thống nhất một chất lượng máu theo tiêu chuẩn châu Âu. Bảo đảm an toàn truyền máu, có đủ máu cho điều trị, cho cấp cứu, có máu dự trữ cho thảm hoạ, An ninh, Quốc phòng, tiến tới xóa bỏ hình thức tự cung, tự cấp máu ở các Bệnh viện hiện nay từng bước hiện đại hoá truyền máu ở Nước ta, sớm hoà nhập với truyền máu Khu vực và Thế giới.

- Ngày 04/03/2019: Cơ quan An toàn Thực phẩm và Y tế thuộc Bộ Y tế nước Cộng hòa Áo (Austrian Agency for Health and Food Safety – AGES) đã chính thức công nhận Ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học Tp Hồ Chí Minh đạt chuẩn GMP Châu Âu (European GMP).

Khoa điều chế các thành phần máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
Khoa điều chế các thành phần máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Tế bào gốc ứng dụng trong điều trị bệnh

Một trong các thành tựu lớn của thế kỷ XX và đang được phát triển ở thế kỷ XXI là vấn đề tế bào gốc (Stem cells) ứng dụng trong điều trị bệnh. Từ những năm 70 của thế kỷ trước cùng với các hiểu biết về kháng nguyên bạch cầu HLA, các chất ức chế miễn dịch và các cytokin tạo máu, ghép tủy tế bào gốc sinh máu đã phát triển thêm một bước mới. Khi đó ghép tủy được tiến hành bằng lấy toàn bộ tế bào có nhân phân lập từ tuỷ truyền cho bệnh nhân.

Từ những năm 1990 – 2000, ghép tế bào gốc sinh máu đã bước thêm một bước nữa, đó là ghép tủy bằng tế bào có dấu ấn CD34, tế bào này tách từ tuỷ xương, máu dây rốn, máu ngoại vi, kết hợp với phương pháp làm sạch tế bào gốc lên một bước mới. Tới nay, những năm đầu của thế kỷ 21, vấn đề tế bào gốc trong điều trị không chỉ dừng ở ghép tuỷ tế bào gốc sinh máu mà còn phát triển rộng hơn như ghép tế bào gốc (Stem cells) cho bệnh nhân bị bệnh tim, bệnh não, bệnh đái tháo đường... cũng đã có các kết quả bước đầu. Đề tài này đang hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và cả Việt Nam ta, hy vọng sẽ nuôi cấy thành công tế bào gốc và hiểu rõ bản chất các cytokin đặc hiệu các cơ quan này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan