Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Lê Hồng Minh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Siêu âm họng nhằm phát hiện các biểu hiện bất thường bên trong vòm họng, giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm dẫn tới ung thư vòm họng.
1. Siêu âm họng để làm gì?
Cổ họng không nằm quá sâu bên trong cơ thể nhưng lại không thể chỉ kiểm tra bằng mắt thường, do vậy, bác sĩ thường siêu âm họng để thu về hình ảnh của cơ quan này giúp chẩn đoán các bệnh lý tại đây.
Khi siêu âm họng, người thực hiện thủ thuật sẽ dùng một đầu dò đặc biệt phát ra sóng âm phóng vào khu vực cổ họng (sóng âm sẽ không gây hại), khi chạm đến vị trí cần chẩn đoán thì sẽ phóng ngược lại và truyền hình ảnh thu được lên màn hình.
Khi sử dụng phương pháp này, các biểu hiện bất thường bên trong vòm họng sẽ giúp bác sĩ phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm dẫn tới ung thư vòm họng.
2. Khi nào nên siêu âm cổ họng để xác định ung thư vòm họng?
Các bệnh ung thư đều có các triệu chứng nhất định và ung thư vòm họng cũng vậy. Hãy đến bệnh viện để siêu âm cổ họng nếu bạn có các triệu chứng sau:
- Nghẹt mũi một bên: Nếu bạn thường xuyên nghẹt mũi một bên nhưng không rõ nguyên nhân và hay bị chảy nước mũi đặc dính máu thì nên siêu âm cổ họng để tầm soát ung thư vòm họng.
- Nổi hạch ở cổ: Hạch là tổ hợp các tế bào có chức năng giống như hệ miễn dịch, hạch thường triệu chứng cảnh báo cơ thể đang gặp một vấn đề gì đó. Do vậy, nếu bạn nổi hạch ở khu vực cổ, hạch cứng, lâu tan, lây lan không kiểm soát ra khắp vùng cổ họng thì nên siêu âm vòm họng để xác định.
- Khó nuốt: Các bệnh nhân bị ung thư vòm họng thường có biểu hiện lâm sàng là gặp khó khăn trong quá trình ăn uống. Khi ung thư phát triển đến những giai đoạn sau, thậm chí người bệnh còn gặp khó khăn ngay cả khi nuốt nước bọt. Nguyên nhân của việc khó nuốt này thường phát sinh do khối u phát triển bên trong cổ họng. Chính khối u này chặn đường đi của thức ăn hoặc nước bọt và chúng cần được phát hiện sớm bằng phương pháp siêu âm cổ họng.
- Giọng nói có vấn đề: Nếu bạn đã qua giai đoạn dậy thì mà có dấu hiệu thay đổi giọng nói bất thường thì khả năng cổ họng bạn có vấn đề. Vì vậy nếu có bất thường về giọng nói bạn nên đến gặp bác sĩ để được chỉ định siêu âm cổ họng.
- Tai - mũi - họng không hoạt động tốt: Trường hợp bạn thường xuyên gặp tình trạng ho kéo dài, bị ù tai và ngạt mũi, chảy máu mũi thì nên siêu âm cổ họng, bới các triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn bị ung thư vòm họng.
- Bên cạnh đó, nếu bạn thường xuyên bị đau đầu, đau nửa đầu hoặc nhức hốc mắt đi kèm với việc cơ thể có dấu hiệu suy kiệt, mệt mỏi và khó thở thì nên đi siêu âm để loại trừ ung thư vòm họng.
3. Những điều cần lưu ý trước khi siêu âm họng
Siêu âm cổ họng là một trong những thủ thuật nhẹ nhàng, ít xâm lấn. Tuy nhiên để siêu âm có kết quả tốt nhất thì bạn nên:
- Kiêng các loại đồ uống có cồn, ga hoặc phẩm màu.
- Tránh hút thuốc lá trước khi siêu âm cổ họng.
- Tránh ăn các loại đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh; thức ăn nhiều muối hoặc lên men; áp dụng một thực đơn lành mạnh
- Ghi chép tất cả các triệu chứng bất thường xảy ra tại vòm họng của bạn để bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.
4. Một số phương pháp khác giúp chẩn đoán ung thư vòm họng
Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng gợi ý di căn xa: Có một số trường hợp có di căn xa ở thời điểm đầu, hay gặp nhất là di căn xương, di căn gan hoặc di căn phổi.
- Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ để đánh giá thể tích u, mức độ xâm lấn tại chỗ, vùng.
- Chụp X-quang ngực, siêu âm bụng và xạ hình xương để tìm kiếm di căn xa.
- Xét nghiệm máu nhằm đánh giá tình trạng toàn thân và chức năng gan, thận.
Định liều tải lượng virus huyết thanh, kháng thể kháng EBV type IgA/antiEA và IgA/antiVCA.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.