Siêu âm có phát hiện bướu sợi tuyến ở vú không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bướu sợi tuyến vú là bệnh lý khá thường gặp ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh đẻ. Bướu sợi tuyến vú đa phần là lành tính, tuy nhiên có 1 tỉ lệ nhỏ có thể tiến triển thành ung thư. Do vậy việc chẩn đoán sớm và theo dõi có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh.

1. Bướu sợi tuyến vú là gì?

Bướu sợi tuyến vú là một bệnh u vú lành tính chiếm khoảng 25% trong các bệnh lý tuyến vú, bướu sợi là những khối u đặc, không phải ung thư ở vú, thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 35. Có thể phát hiện tình cờ quan sát thấy hoặc sờ thấy. Bướu có đặc điểm:

  • Nhẵn, trơn, tròn hoặc dài.
  • Sờ vào thấy khối bướu cứng, rõ viền, khi ấn nhẹ thì khối bướu có thể di chuyển nhẹ, không dính vào các mô, tuyến khác.
  • Thường không đau có thể có cảm giác như viên bi ở vú, dễ dàng di chuyển dưới da khi khám.
  • U sợi tuyến có kích thước khác nhau và chúng có thể tự to ra hoặc thu nhỏ lại.
  • Bạn có thể có một hoặc nhiều u xơ ở một hoặc cả hai vú.
  • Bệnh thường xuất hiện với các biểu hiện như sờ thấy u, cục trong vú, thấy hơi đau nhẹ, hiện tượng rõ rệt hơn khi sắp tới chu kỳ kinh nguyệt.

Bướu sợi tuyến vú là bệnh lành tính, ít chuyển thành ung thư. Tuy nhiên, bướu vẫn có tỉ lệ chuyển thành khối u ác, do đó người bệnh cũng không nên chủ quan.

Khối bướu sợi tuyến vú ít xuất hiện ở các phụ nữ đã mãn kinh, trong trường hợp đã từng bị bướu sợi tuyến vú thì khối bướu có xu hướng teo lại khi phụ nữ bắt đầu mãn kinh.

Bệnh nếu không được theo dõi và điều trị có thể dẫn đến 1 số hậu quả sau:

  • Nếu đó là một khối u ác thì người bệnh có thể phát hiện ở giai đoạn muộn ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
  • Khối bướu to có thể gây ra cho người bệnh nhiều cảm giác khó chịu, đau tức, mất thẩm mỹ ảnh hưởng tới cuộc sống.
  • Khối bướu to làm phẫu thuật khó và có nguy cơ để lại sẹo xấu cho bệnh nhân.
  • Gây tâm lý hoang mang, căng thẳng mặc cảm cho người bệnh
Sau phẫu thuật vú bệnh nhân sẽ vẫn có cảm giác đau
Bướu sợi tuyến vú là bệnh lành tính, ít chuyển thành ung thư

2. Siêu âm có phát hiện bướu sợi tuyến ở vú không?

Siêu âm vú bằng cách sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh bên trong vú. Siêu âm vú có thể giúp bác sĩ xác định xem một khối u ở vú là đặc hay chứa đầy dịch. Một khối đặc có nhiều khả năng là một khối u xơ; một khối chứa đầy chất lỏng nhiều khả năng là nang.

Siêu âm vú được chỉ định cho bất kì khối u nào ở vú trước khi tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán khác. Siêu âm vú giúp đánh giá vị trí, kích thước, số lượng, tính chất khối u🡪 để chẩn đoán ban đầu. Do vậy siêu âm vú không thể cho biết chính xác có phải bướu sợi tuyến vú hay không mà chỉ cho phép nghi ngờ và cần tiến hành các xét nghiệm khác như:

  • Chụp X-quang tuyến vú để đánh giá khối u ở vú. Chụp X quang tuyến vú (còn gọi là nhũ ảnh) là kỹ thuật sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh vú. Bướu sợi tuyến trên nhũ ảnh thường là một khối với giới hạn rõ, bờ đều.
  • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA): là kỹ thuật sử dụng cây kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm, đâm vào u vú, tạo áp lực âm và rút thành phần chứa bên trong khối u ra để làm xét nghiệm tế bào học. Nhờ đó giúp phần gợi ý có phải bướu sợi tuyến hay không.
  • Sinh thiết kim lõi (CNB): dưới hướng dẫn siêu âm là kỹ thuật sử dụng kim có lõi lớn hơn kim của chọc hút tế bào kim nhỏ, dưới hướng dẫn của siêu âm để lấy mẫu mô từ khối u để làm xét nghiệm mô bệnh học. Từ đó giúp khẳng định u vú có phải là bướu sợi tuyến hay không.
  • Sinh thiết vú dưới hướng dẫn của X quang (Stereotaxic): là kỹ thuật lấy mẫu mô vú dưới định vị không gian 3 chiều của máy chụp X-quang vú để làm xét nghiệm mô bệnh học. Do đó giúp biết được bản chất u vú có phải là bướu sợi tuyến hay không.
  • Sinh thiết dưới hướng dẫn của MRI (MRI-guided biopsy): là kỹ thuật lấy mẫu mô vú dưới định vị không gian 3 chiều của máy cộng hưởng từ vú để làm xét nghiệm mô bệnh học và biết được bản chất u vú có phải là bướu sợi tuyến hay không.
Siêu âm vú
Siêu âm vú được chỉ định cho bất kì khối u nào ở vú trước khi tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán khác

3. Bị bướu sợi tuyến vú phải làm thế nào?

Khối bướu nếu có kích thước nhỏ dưới 2cm thì người bệnh chỉ cần tiếp tục theo dõi tình trạng khối u, không cần can thiệp các giải pháp khác nếu khối u không gây nhiều khó chịu, phiền toái

Người bệnh cần theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng để theo dõi và phát hiện kịp thời các thay đổi bất thường của khối u, phát hiện sớm nếu khối u thay đổi thành khối u ác hay tăng nhanh về kích thước ảnh hưởng tới thẩm mỹ người bệnh.

Nếu kích thước khối u lớn, người bệnh thường được chỉ định mổ lấy trọn khối bướu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan