Sâu răng nên ăn gì, kiêng gì?

Sâu răng không được chữa trị kịp thời sẽ tiến triển rất nhanh, gây ra các biến chứng như viêm tủy, sưng nướu răng, áp xe răng... Đi kèm với đó là những cơn đau nhức, ê buốt, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Vậy sâu răng nên ăn gì, kiêng gì cho đúng?

1. Nguyên nhân gây sâu răng

Các chuyên gia đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh sâu răng bao gồm: đường, vi khuẩn và thời gian đường, vi khuẩn bám trên bề mặt răng. Trong đó, vi khuẩn tồn tại ở lớp mảng bám răng. Đường đến từ đồ ăn và thức uống. Vi khuẩn trú ẩn trên răng trong vòng 20 phút đến 1 giờ đồng hồ sau khi ăn uống. Vi khuẩn lên men đường, tạo ra acid và ăn mòn lớp men răng, gây sâu răng.

Mặt khác, sâu răng có thể xuất phát từ việc bị ăn mòn bởi acid trong môi trường răng miệng. Một số nghiên cứu cũng cho thấy những người thường xuyên uống nước ép hoa quả, nước ngọt có gas, thực phẩm lên men có nguy cơ nhiễm bệnh sâu răng hơn cả.

Do đó, có thể khẳng định, sâu răng đến từ việc chăm sóc răng miệng không đúng cách và chế độ ăn uống chưa được hợp lý.

2. Sâu răng ăn gì thì hợp lý?

Để phòng ngừa cũng như tránh tình trạng sâu răng diễn biến nặng hơn, người bệnh nên có chế độ ăn uống hợp lý, như sau:

  • Ăn các thực phẩm mềm, dễ nhai nuốt, đỡ tạo áp lực lên vùng răng đang chịu tổn thương.
  • Ăn đầy đủ, đa dạng thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Trong đó, ăn nhiều thức ăn nhiều đạm như: cá, trứng, thịt và các chất béo. Đặc biệt, ăn chất béo có tác dụng phủ một lớp mỡ mỏng lên bề mặt răng, giúp thức ăn không bám lên răng nhiều.
  • Uống sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai và pho mát. Dù ở Việt Nam việc ăn pho mát chưa thực sự phổ biến, tuy nhiên chúng đã được công nhận là một trong những thực phẩm tốt cho răng. Khi ăn phô mát, canxi trong đó sẽ được giải phóng, bám vào bề mặt răng, giống như một rào chắn bảo vệ răng khỏi acid gần như lập tức.
  • Ăn nhóm thực phẩm tinh bột như gạo, bánh mì, khoai tây... Nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh thức ăn giàu tinh bột ít gây sâu răng. Những người theo chế độ ăn nhiều tinh bột, ít đường cũng ít bị sâu răng hơn những người ăn nhiều đường, ít tinh bột.
  • Ăn nhiều rau củ để đảm bảo cơ thể có đủ lượng chất xơ cần thiết. Theo Viện Y học, một người lớn cần trung bình khoảng 15g chất xơ mỗi ngày. Phụ nữ cần tối thiểu 25g chất xơ trong khi đàn ông cần nhiều hơn, khoảng 38g chất xơ trong vòng một ngày. Nên ăn rau bắp cải, rau súp lơ xanh, rau súp lơ trắng, bí xanh, bí đỏ, cà rốt, cà chua, rau diếp... và các loại rau theo mùa. Cần chú ý ăn từ tốn, nhai kỹ trước khi nuốt.
  • Ăn các loại trái cây chứa nhiều vitamin C, canxi cho hàm răng chắc khỏe như: cam, quýt, kiwi, lê, ổi, dưa chuột... Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều hoa quả này do chúng có nhiều acid.
  • Để tránh bị sâu răng, mỗi người nên ăn dưới 500g đường/tháng. Chất ngọt thay thế hoặc xylitol có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ bị bệnh về răng miệng. Trong tương lai, thuốc cho trẻ em cũng sẽ dùng chất ngọt thay thế cho đường.

3. Sâu răng kiêng gì để bệnh không trở nặng?

Bên cạnh câu hỏi “Sâu răng ăn gì?”, thì “Sâu răng kiêng gì?” cũng là điều khiến nhiều bệnh nhân đau đầu. Theo các chuyên gia - bác sĩ răng - hàm - mặt hàng mặt, người đang bị sâu răng cần tránh tiêu thụ các loại thực phẩm sau đây:

  • Các loại thực phẩm như bánh quy, kẹo ngọt, mứt, trái cây sấy khô, trái cây sấy dẻo, nước sốt đóng hộp... chứa nhiều đường hơn mọi người tưởng. Khi ăn, chúng dễ bị kẹt vào kẽ răng, đường kết hợp với môi trường trong khoang miệng cũng khiến tình trạng sâu răng trở nặng hơn.
  • Những loại thức ăn nhiều gia vị, cay nóng sẽ kích thích cơn đau răng, ê buốt răng.
  • Các loại thức ăn dễ dính vào răng như: đồ nếp, xôi, kẹo cao su, kẹo dừa...
  • Tránh thức ăn cứng, dai, dẻo... cần dùng nhiều lực để nhai.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá,... khi bị sâu răng
  • Đồ uống có gas, kể cả nước uống có gắn mác “ít đường”, “không calo” hay “dành riêng cho người ăn kiêng”. Ngoài ra, uống các loại nước này trong thời gian dài còn gây vàng răng và khô miệng.
  • Cà phê nóng. Nhiều người có thói quen nhâm nhi một ly cà phê nóng vào buổi sáng để tỉnh táo làm việc. Tuy nhiên, họ không biết rằng cà phê nóng sẽ kích thích các dây thần kinh ở răng, khiến người bệnh đau răng hơn. Cafein trong cà phê cũng dễ làm hỏng men răng do có tính axit cao.
  • Nước lạnh, kem lạnh. Không chỉ thức ăn nóng ảnh hưởng đến tình trạng sâu răng, đồ lạnh khiến răng thêm nhạy cảm và dễ đau nhức hơn. Mặt khác, kem chứa rất nhiều đường, đặc biệt không thích hợp với những người đang bị sâu răng.
  • Thịt gà. Dù được chế biến theo kiểu gì, kết cấu sợi trong thịt gà vẫn khiến chúng dễ bị mắc vào kẽ răng. Nếu thịt gà kẹt vào phần răng đau và không được vệ sinh kịp thời, người bị sâu răng sẽ cảm thấy không thấy thoải mái và đau nhức hơn. Mặt khác, điều này còn thu hút vi khuẩn trong khoang miệng, khiến hơi thở có mùi khó chịu.

4. Chăm sóc răng miệng khi bị sâu răng như thế nào?

Bên cạnh việc chú ý các thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị sâu răng, người bệnh cần đặc biệt cần quan tâm đến cách chăm sóc răng miệng. Dưới đây là một số lưu ý:

  • Đánh răng từ 2-3 lần trong vòng một ngày. Nên chải răng nhẹ nhàng, tránh mạnh tay quá, làm mất lớp men bảo vệ răng. Lựa chọn bàn chải có kích cỡ hợp lý, lông mềm, đánh răng lần lượt, làm sạch từng phần, không bỏ qua phần lưỡi.
  • Súc miệng với nước lọc ngay sau ăn uống đồ ngọt, thực phẩm có axit. Nếu muốn đánh răng, hãy chờ sau đó 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để không làm hại để men răng.
  • Dùng chỉ tơ nha khoa hoặc máy tăm nước để vệ sinh kẽ răng, lấy hết thức ăn thừa còn sót lại sau khi ăn uống.
  • Sử dụng nước súc miệng sau khi đánh răng và dùng chỉ tơ nha khoa. Nước súc miệng có nhiều loại dành cho từng lứa tuổi, không để trẻ em dùng chung nước súc miệng với người trưởng thành.
  • Không tự ý uống thuốc giảm đau khi bị sâu răng, người bệnh cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và tư vấn chi tiết khi thấy đau nhức kéo dài.

5. Điều trị sâu răng như thế nào?

Tùy theo mức độ bệnh, sâu răng nhẹ hay nặng, các bác sĩ sẽ chỉ định một trong những phương pháp điều trị như sau:

  • Trám răng sâu: Khi vết sâu nhỏ, chưa ảnh hưởng đến tủy, bác sĩ tiến hành trám răng để ngăn chặn hoàn toàn tình trạng sâu răng tiến triển. Quá trình điều trị diễn ra nhanh chóng, không cần mài răng, không xâm lấn nên người bệnh sẽ không cảm thấy đau nhức.
  • Bọc răng sứ: Trong trường hợp nặng hơn, ví dụ như viêm tủy răng, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ cho bệnh nhân. Bọc răng sứ đảm bảo thẩm mỹ, các vấn đề như răng ố vàng, răng mẻ hay răng vỡ không còn là điều cần bận tâm.
  • Nhổ răng sâu: Nếu bệnh đã trở nặng, vết sâu rộng, ăn sâu vào tủy, gây ra những cơn đau nhức kéo dài, người bệnh cần được nhổ bỏ chiếc răng đó. Hàn răng và bọc răng sứ không còn là biện pháp thích hợp trong trong tình huống này. Dưới bàn tay của các bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm và trợ giúp của các thiết bị y tế hiện đại, chiếc răng sâu sẽ được nhổ và thay thế bằng một chiếc răng giả mới.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan