Quy trình kỹ thuật siêu âm tụy

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Vân Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Khi bệnh nhân có các dấu hiệu vàng da, ngứa tay chân, đau thượng vị hay đang điều trị các bệnh lý tụy... siêu âm tụy sẽ là kỹ thuật được chỉ định. Đây là phương pháp đơn giản, hiệu quả giúp bác sĩ khảo sát được tình trạng tụy cũng như mức độ đáp ứng với điều trị của các bệnh lý tụy.

1. Siêu âm tụy là gì?

Tụy là một tạng nằm sâu trong ổ bụng, ngay phía trước cột sống, sau phúc mạc. Tụy có chiều dài khoảng 15 cm, cao khoảng 6 cm và khoảng dày 3 cm và nặng khoảng 80 g, với hai chức năng chính: (1) Chức năng ngoại tiết sản xuất và bài tiết các dịch tụy (chứa các enzyme) giúp cho quá trình tiêu hoá thức ăn; (2) Chức năng nội tiết giúp điều hoà chuyển hoá đường và một số quá trình khác liên quan.

Trước đây, để khảo sát tình trạng của tụy, bác sĩ thường sử dụng phương pháp chụp X-quang nên chỉ khảo sát được gián tiếp tụy, thông tin hạn chế. Ngày nay với kỹ thuật phát triển, siêu âm tụy trở thành một phần quan trọng trong việc khảo sát tình trạng và các bệnh lý tụy.

Mặc dù siêu âm tụy là phương pháp hữu hiệu giúp bác sĩ xác định các bệnh lý tụy, nhưng một vài khó khăn có thể gặp phải trong quá trình siêu âm như tụy như: nằm sau phúc mạc, kích thước bé và thường bị che lấp bởi hơi trong dạ dày và đại tràng, đặc biệt ở những người có thể tạng béo.

tụy
Vị trí cấu tạo của tụy trong cơ thể

2. Trường hợp nào cần siêu âm tụy?

Các trường hợp sau đây, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm siêu âm tụy:

● Bệnh nhân bị vàng da, ngứa nghi do bệnh lý gan tuỵ.

● Bệnh nhân có biểu hiện đau thượng vị, ói mửa không rõ nguyên nhân

● Bệnh nhân sụt cân nhanh chóng

● Tiêu chảy kéo dài

Tràn dịch màng phổi trái

● Bệnh nhân nghiện rượu thường mắc các bệnh lý tụy

● Bệnh nhân đau bụng dai dẳng

● Bệnh nhân bị các chấn thương vùng bụng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc các tai nạn khác

● Theo dõi các biến chứng của viêm tụy cấp và diễn tiến của bệnh qua điều trị

● Bệnh nhân nghi ngờ ung thư tuyến tụy.

3. Quy trình kỹ thuật siêu âm tụy

3.1 Cần chuẩn bị gì trước khi siêu âm tuyến tụy?

● Trước khi siêu âm tuyến tụy, người bệnh nên nhịn ăn từ 6-8 giờ, tốt nhất nên siêu âm vào buổi sáng (không ăn sáng), thức ăn sẽ được tiêu hóa sau khi ngủ dậy và bụng đói sẽ giúp hình ảnh siêu âm chính xác hơn.

Nhịn ăn
Người bệnh nên nhịn ăn trước khi siêu âm để giúp kết quả siêu âm chính xác hơn

● Người bệnh nên uống nhiều nước trong khoảng 1 tiếng trước khi siêu âm, điều này sẽ giúp thuận lợi hơn cho quá trình khảo sát tuỵ.

● Mặc đồ rộng rãi, thoải mái khi đi siêu âm sẽ giúp dễ dàng hơn cho quá trình thăm khám.

● Trong trường hợp siêu âm cấp cứu, siêu âm có thể được thực hiện trực tiếp mà không cần nhịn ăn.

3.2 Quy trình kỹ thuật siêu âm tụy

Sau đây là các bước thực hiện siêu âm tụy tiêu chuẩn:

● Trước hết, thông tin về tên, tuổi, các thông tin của người bệnh sẽ được đối chiếu với hồ sơ và bệnh án.

● Tư thế người bệnh: Nằm ngửa, hai tay đưa cao lên đầu, hai chân duỗi thẳng. Để lộ vùng bụng từ mũi ức đến phần khớp mu, thả lỏng tự nhiên.

● Hỏi về các triệu chứng bệnh và tiền sử những bệnh mà bệnh nhân mắc phải.

● Thoa gel lên vùng bụng

● Trong quá trình siêu âm, một số tư thế có thể được sử dụng nhằm bộc lộ rõ hơn hình ảnh tuỵ như: tư thế nằm nghiêng phải, nghiêng trái hoặc nằm sấp, hoặc phối hợp với hít, thở theo nhịp hướng dẫn của bác sĩ.

Uống nhiều nước mỗi ngày giúp làm loãng đờm
Uống nhiều nước trong quá trình siêu âm giúp cho hình ảnh rõ ràng hơn

4. Những giới hạn và sai lầm trong siêu âm tụy

Siêu âm tuỵ có thể được thực hiện với hầu hết mọi người. Tuy nhiên một số trường hợp sau đây, siêu âm tụy có thể mang lại kết quả hạn chế, cần phối hợp thêm với một số kỹ thuật khác bổ sung:

● Bệnh nhân quá béo

Bệnh nhân bị liệt ruột, chướng hơi

● Bệnh nhân mới làm phẫu thuật hoặc mới nội soi ổ bụng

● Bệnh nhân chụp ống tiêu hóa có baryte...

Ngoài ra, một số bệnh lý có thể gây nhầm lẫn với tổn thương của tuỵ trên siêu âm như:

● Bệnh nhân có khối u đặc sau phúc mạc, đặc biệt là u tuyến thượng thận

● Hạch khoang sau phúc mạc.

● Chất bã trong đại tràng

● Nhầm lẫn ống Wirsung dãn với tĩnh mạch lách.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan