Phình động mạch tạng: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Phình động mạch tạng thường xảy ra ở động mạch chủ bụng làm suy yếu thành động mạch. Nếu không được phát hiện, cấp cứu và điều trị kịp thời, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, thậm chí là tử vong.

1. Phình động mạch tạng là gì?

Phình động mạch là tình trạng một phần của thành động mạch bị phình lên, kéo dài, làm mỏng và suy yếu thành động mạch. Phình động mạch tạng chủ yếu xảy ra ở động mạch chủ bụng, là những động mạch thực hiện nhiệm vụ vận chuyển máu đến gan, thận, ống tiêu hóa, lá lách, tuyến tụy.

Thông thường, động mạch tạng có kích thước trung bình khoảng từ 6 - 8mm, phần động mạch chủ bụng có kích thước lớn hơn, đường kính khoảng 12 – 15mm. Phình động mạch là khi đường kính động mạch bị giãn, làm tăng kích thước hơn 1,5 lần so với kích thước thông thường.

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây phình động mạch tạng là vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, xơ vữa động mạch, thoái hóa thành mạch được cho là lý do làm giãn và phình động mạch.

xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch được xem là nguyên nhân chính dẫn tới phình động mạch tạng

2. Triệu chứng phình động mạch tạng

Tùy vào động mạch bị tổn thương sẽ có triệu chứng liên quan, nếu phình động mạch thận sẽ có triệu chứng là tăng huyết áp, rối loạn chức năng thận. Hầu hết các trường hợp bị phình động mạch tạng là không được phát hiện cho đến khi xảy ra tình trạng vỡ động mạch. Do bệnh chủ yếu xảy ra ở động mạch chủ bụng nên triệu chứng thường gặp là các cơn đau bụng, vùng rốn xuất hiện thoáng qua, có khi đau vùng thượng vị dữ dội.

Khi vỡ, bệnh gây ra triệu chứng:

  • Mất máu cấp tính: do túi phình bị vỡ gây chảy máu lượng lớn.
  • Rối loạn ý thức.
  • Mạch đập nhanh (120 lần/phút), huyết áp giảm đột ngột (70/40 mmHg).
  • Nếu được cấp cứu điều trị, khi chọc hút dịch ở ổ bụng cho thấy nhiều máu không đông.

Phình động mạch tạng là bệnh đặc biệt nguy hiểm vì nguy cơ vỡ đoạn phình động mạch là rất cao, ngay cả với phình động mạch có kích thước nhỏ. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, nhất là khi vỡ động mạch sẽ dễ dẫn đến tử vong.

Phình động mạch chủ bụng
Đau bụng cấp là triệu chứng của phình động mạch tạng

3. Chẩn đoán phình động mạch tạng

Phình động mạch tạng khi chưa bị vỡ có thể được chẩn đoán bằng các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI). Trong đó, siêu âmchụp CT scan là 2 phương pháp chính được dùng để chẩn đoán và phát hiện bệnh.

Chụp cắt lớp vi tính là kỹ thuật không xâm lấn và cho phép đánh giá chính xác vị trí, kích thước của động mạch bị phình, cũng như một số biến chứng mà bệnh gây ra như tắc động mạch, hẹp lỗ vào động mạch, chảy máu ổ bụng, ...

4. Điều trị phình động mạch tạng

Đối với phình động mạch tạng được phát hiện chưa bị vỡ, nếu kích thước đường kính động mạch phình nhỏ hơn 2cm, người bệnh cần được theo dõi định kỳ để đánh giá kích thước, tình trạng và sự phát triển của bệnh. Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc huyết áp để làm hạn chế sự nở rộng của động mạch.

Đối với phình động mạch tạng có kích thước đường kính phình lớn, trên 2cm, người bệnh cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ. Có các phương pháp điều trị sau:

  • Phẫu thuật thông thường: Bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ khối phình và sửa chữa, tái tạo các nhánh của mạch máu chính. Tuy nhiên, phương pháp này có nhiều hạn chế như thời gian phẫu thuật dài, thiếu máu động mạch tạng trong quá trình phẫu thuật cần được kiểm soát và bảo tồn, nguy cơ, biến chứng sau phẫu thuật cao.
dụng cụ của bác sĩ
Phình động mạch tạng kích thước lớn cần phẫu thuật để điều trị

  • Phẫu thuật can thiệp nội mạch đơn thuần: thay vì mổ mở, bệnh nhân phình động mạch tạng được đặt khung stent kim loại bên ngoài động mạch phình. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như: ít xâm lấn, phù hợp với những bệnh nhân cao tuổi. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật lớn và đòi hỏi kỹ thuật cao nếu phải thực hiện trên nhiều nhánh của động mạch.
  • Phẫu thuật Hybrid kết hợp phẫu thuật thông thường và can thiệp nội mạch: nhờ kết hợp và vận dụng ưu, nhược điểm của 2 phương pháp nêu trên, phẫu thuật Hybrid có ưu điểm là giảm thời gian phẫu thuật và giảm chi phí điều trị, do tùy vào hình dạng và tổn thương của khối phình động mạch bác sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật điều trị phù hợp. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ phẫu thuật có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm.

Phình động mạch tạng là bệnh nguy hiểm. Bệnh nhân khi bị vỡ động mạch phình cần được điều trị cấp cứu ngay để hạn chế nguy cơ tử vong.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan