Phẫu thuật cắt amidan diễn ra thế nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các bác sĩ Tai - Mũi - Họng - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Phẫu thuật cắt amidan có thể gây biến chứng tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau, như gây mê, cắt không đúng kỹ thuật, bệnh nhân có rối loạn đông máu. Vì vậy, trước khi cắt amidan, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo an toàn trong phẫu thuật.

1. Trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan?

Amidan là tổ chức bạch huyết có chứa các tế bào bạch cầu, có nhiệm vụ nhận diện vi khuẩn để tạo ra kháng thể tiêu diệt vi khuẩn khi chúng thâm nhập. Nó cùng với các tổ chức bạch huyết khác ở họng tạo thành vòng bạch huyết Waldayer bao quanh đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Khi vi khuẩn xâm nhập qua đường miệng sẽ bám vào amidan, lúc đó các tế bào bạch cầu sẽ tấn công vi khuẩn đưa vào trong để nhận diện và tạo ra kháng thể, sau đó kháng thể được nhân lên và đưa đi khắp nơi, nhưng nhiều nhất là tập trung ở vùng mũi họng để chống lại vi khuẩn khi tái nhiễm.

Cũng chính vì điều này mà amidan rất dễ bị viêm, tình trạng này có thể tái đi tái lại nhiều lần, gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, việc phẫu thuật cắt bỏ amidan là cần thiết. Nhưng không phải cứ viêm amidan là cần phải cắt bỏ.

Các trường hợp được chỉ định phẫu thuật cắt amidan bao gồm:

  • Amidan bị viêm tái phát nhiều lần >5 lần/năm và trong ít nhất 2 năm liên tiếp.
  • Viêm Amidan gây ra các biến chứng.
  • Amidan quá phát gây tắc nghẽn đường thở.
  • Khối u amidan nghi ngờ ác tính cần làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.

2. Phẫu thuật cắt amidan có biến chứng nguy hiểm không?

Phẫu thuật cắt amidan có thể gây biến chứng tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Gây mê, cắt không đúng kỹ thuật (khi phẫu thuật làm tổn thương mạch máu gây chảy máu không cầm được), bệnh nhân có rối loạn đông máu.

Chính vì vậy mà trước khi phẫu thuật cắt amidan, bạn cần phải được làm các xét nghiệm rất kỹ về chức năng gan, chức năng thận và yếu tố đông máu để tránh xảy ra những tai biến đáng tiếc. Nếu có chỉ định, bạn nên phẫu thuật tại các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng.

Phẫu thuật cắt amidan có thể gây biến chứng nguy hiểm
Phẫu thuật cắt amidan có thể gây biến chứng nguy hiểm

3. Cắt amidan bằng phương tiện gì?

Có rất nhiều trang thiết bị khác nhau được sử dụng để cắt amidan, sự cải tiến các trang thiết bị này dựa trên tiêu chí cầm máu tốt và độ bỏng mô xung quanh thấp nhất.

Dao điện là một thiết bị thường quy ở trong phòng mổ được sử dụng để cắt amidan. Nó có ưu điểm là rẻ tiền, khả năng cầm máu tương đối tốt nhưng độ bỏng cao, nhiệt độ tại vị trí cắt có thể lên đến 400 độ C, vì vậy khả năng gây tổn thương mô xung quanh lớn. Sau khi cắt amidan bệnh nhân thường thấy đau nhiều và nguy cơ chảy máu thứ phát cao hơn.

Phẫu thuật bằng Laser có ưu điểm là ít gây tổn thương mô nhưng khả năng cầm máu của nó còn hạn chế và thời gian phẫu thuật lâu hơn.

Plasma và coblator là phương tiện có ưu điểm cầm máu tốt và mức độ bỏng mô xung quanh ít nhưng chi phí cao.

Dao ligasure có khả năng cầm máu tuyệt vời cùng với mức độ bỏng mô rất thấp, thời gian phẫu thuật nhanh (5-10 phút), bệnh nhân dùng ít thuốc mê vì vậy làm giảm nguy cơ tai biến do gây mê, giảm cảm giác đau sau phẫu thuật cũng như giảm tối đa khả năng chảy máu thứ phát.

4. Phẫu thuật cắt amidan như thế nào?

Trước khi phẫu thuật cắt amidan, bệnh nhân sẽ được gây mê hoặc gây tê tại chỗ và với mỗi phương pháp vô cảm, bệnh nhân sẽ ở một tư thế khác nhau.

  • Với phương pháp cắt amidan gây tê, bệnh nhân sẽ ngồi để phẫu thuật, đối với trẻ em có người kèm.
  • Với phương pháp cắt amidan mê nội khí quản, bệnh nhân nằm ngửa cổ để phẫu thuật.

4.1. Phẫu thuật cắt amidan bằng Sluder-Ballanger

  • Bước 1: Gây tê tại tại cuống amidan, hốc amidan (gây tê bóc tách); có thể thêm trụ trước, trụ sau bằng lidocain 2% hoặc xylocain 2% có pha adrenalin 1/100.000.
  • Bước 2: Bộc lộ khối amidan bằng cách banh miệng bệnh nhân.
  • Bước 3: Đưa dụng cụ sluder ballenger vào từ cực dưới, bác sĩ ép cán dụng cụ vào mép môi đối diện bên cần cắt theo kiểu đòn bẩy. Lỗ dụng cụ đến sát khối amidan.
  • Bước 4: Đưa amidan vào lỗ dụng cụ. Bác sĩ sẽ ép lỗ dụng cụ vào khối amidan, đồng thời ép mép môi đối diện theo kiểu đòn bẩy để đẩy hết khối amidan vào dụng cụ nhưng không để lọt cả trụ trước và trụ sau.
  • Bước 5: Tách amidan ra khỏi hốc. Bác sĩ dùng ngón trỏ vuốt đầu của dụng cụ để tách rời khối và hố amidan, đồng thời đưa dụng cụ tới để bóc tách hoàn toàn. Sau đó, tiếp tục bóp dụng cụ để khối amidan được cắt vẫn còn dính vào lỗ của dụng cụ. Tránh khối amidan rớt xuống họng. Kéo amidan vừa cắt ra khỏi khoang họng. Tránh amidan khỏi hố là động tác khó nhất, đòi hỏi phải phối hợp tốt 2 tay.
  • Bước 6: Kiểm tra và cầm máu hố mổ. Bác sĩ dùng kẹp cong kẹp bông ép vào hố mổ trong vài phút để cầm máu. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra hố mổ với vén trụ, nếu có chảy máu động mạch thì phải kẹp và cột cầm máu.

4.2. Cắt amidan bằng phương pháp bóc tách thòng lọng (Tyding hoặc Vacher)

  • Thì 1: Gây tê tại cuống amidan, hốc amidan (gây tê bóc tách); có thể thêm trụ trước, trụ sau bằng xylocain 2% hoặc lidocain 2% có pha adrenaline 1/100.000.
  • Thì 2: Tách cực trên amidan bằng cách dùng alice để kẹp gần cực trên amidan kéo nhẹ vào trong, lấy dao rạch nhẹ niêm mạc trụ trước, cách bờ tự do khoảng 2mm. Sau đó bóc tách nhẹ niêm mạc tới bao amidan, rồi tiếp tục bóc tách lên cực trên. Ở cực trên có một số động mạch dễ chảy máu.
  • Thì 3: Bóc tách khối amidan. Tách trụ trước ra khỏi amidan, rồi tách thành sau, sau đó tách trụ sau đến phần cực dưới amidan, khi này amidan chỉ còn dính với hố mổ ở cuống.
  • Thì 4: Cắt cực dưới bằng thòng lọng. Bác sĩ dùng alice kẹp amidan qua thòng lọng, đưa đầu thòng lọng đến sát cực dưới, sau đó siết cán thòng lọng từ từ cho đến khi cực dưới bị đứt rời ra. Sau đó đưa khối amidan ra ngoài.
  • Thì 5: Kiểm tra, cầm máu hố mổ. Bác sĩ dùng kẹp cong kẹp bông ép vào hố mổ để cầm máu trong vài phút. Sau đó, lấy kẹp ra và kiểm tra hố mổ với vén trụ xem có còn chảy máu hay không? Nếu vẫn còn chảy máu động mạch thì phải tiến hành kẹp và cột hoặc đốt cầm máu. Sau khi cầm máu xong, bên mổ đã ổn định thì có thể tiến hành cắt amidan bên đối diện.

Cắt amidan gây mê nội khí quản: Sau khi gây mê, bác sĩ có thể bóc tách amidan bằng thòng lọng, dao đơn cực, lưỡng cực, Microdebrider, Coblator hoặc dao siêu âm, dao plasma...

  • Các bước thực hiện tương tự như cắt amidan bằng phương pháp bóc tách ở trên.
  • Các kỹ thuật cắt amidan có thể cắt bằng bằng dao điện đơn cực, lưỡng cực, thòng lọng, coblator...
  • Cần cầm máu thật cẩn thận để đảm bảo hai hố amidan khô tốt.
Sau phẫu thuật cắt amidan cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh nhiễm trùng
Sau phẫu thuật cắt amidan cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh nhiễm trùng

5. Các vấn đề bệnh nhân cần lưu ý sau phẫu thuật cắt amidan

  • Đau: Sau khi cắt Amidan, vào ngày thứ 2 bạn có thể đau hơn so với ngày đầu tiên, do ngày đầu có dùng thuốc giảm đau truyền tĩnh mạch, nên tác dụng giảm đau tốt hơn. Còn từ ngày thứ 2 về sau, bạn sẽ được dùng giảm đau uống nên thấy đau hơn nhưng chịu đựng được, thường sau 5-7 ngày sẽ dễ chịu hơn.
  • Vướng đờm: Sau khi phẫu thuật cắt amidan, đờm sẽ tăng tiết và đọng ở 2 hốc amidan, đồng thời do đau nên bạn không nuốt nước bọt nhiều, làm tăng tiết đờm, gây khó chịu ở họng. Tuy vậy, bạn không được khạc nhổ, không đằng hắng... Tình trạng chảy máu dễ xảy ra nếu bạn khạc, đằng hắng nhiều.
  • Ho: Bạn cần cố gắng kìm hãm cơn ho vì ho nhiều dễ chảy máu, bác sĩ thường kê thêm thuốc giảm ho cho bạn. Nếu bạn vẫn ho nhiều, hãy liên hệ với bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
  • Ăn uống: Bạn cần tuyệt đối kiêng ăn các thức ăn cứng, nóng, chua, cay, kiêng rượu bia và thuốc lá. Ngày đầu tiên sau mổ, bạn chỉ nên uống sữa hoặc ăn cháo loãng nguội. Ngày thứ 2, 3 sau mổ, bạn có thể ăn súp nguội, sữa lạnh hoặc cháo loãng. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 14, bạn có thể ăn cháo đặc, bún, phở và thức ăn mềm... Đến ngày thứ 15, bạn đã có thể ăn cơm bình thường.
  • Chảy máu: Sau phẫu thuật cắt amidan, bạn có thể bị chảy máu bất cứ lúc nào trong 15 ngày đầu, do bong lớp giả mạc gây chảy máu. Trong ngày thứ 5 - 10, nếu có chảy máu với lượng ít và tự cầm sau khoảng 5-10 phút thì không đáng lo và không cần đến bệnh viện. Nhưng nếu máu chảy nhiều và không tự cầm, chảy rỉ rả kéo dài thì bạn phải đến bệnh viện gấp để được bác sĩ xử trí kịp thời.
  • Vết mổ: Thông thường, vết mổ sẽ lành hoàn toàn sau 3 tuần. Tuy nhiên, tốc độ lành còn phụ thuộc từng người, vấn đề dinh dưỡng, nhiễm trùng...
  • Khả năng nói và làm việc: Sau phẫu thuật cắt amidan, bạn không cần phải kiêng nói hoàn toàn, chỉ không nên nói lớn và nói nhiều, bạn có thể nói một cách nhỏ nhẹ. Bạn có thể hoạt động một cách nhẹ nhàng sau mổ 10 ngày, nhưng không nên lao động nặng, hoạt động mạnh trong ít nhất 2 tuần sau khi mổ.
  • Tái khám: Bạn cần tái khám đúng ngày để bác sĩ phẫu thuật có thể kiểm tra, đánh giá tình trạng sau mổ.

Tóm lại, phẫu thuật cắt amidan có thể gây biến chứng tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau, như gây mê, cắt không đúng kỹ thuật, bệnh nhân có rối loạn đông máu. Vì vậy, người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện phẫu thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

90.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan