Những điều cần biết về cấp cứu chấn thương sọ não

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Mạnh - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Chấn thương sọ não là tình trạng sang chấn ở đầu gây tổn thương hộp sọ và các cấu tạo khác bên trong. Nếu không xử trí cấp cứu chấn thương sọ não đúng cách, nạn nhân rất dễ tử vong hoặc gặp phải nhiều di chứng nặng nề.

1. Tổng quan về chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não là một nguy cơ đe dọa đến sinh mạng, đặc biệt là chấn thương ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng. Những nguyên nhân chính gây chấn thương sọ não bao gồm:

  • Tai nạn giao thông.
  • Tai nạn lao động.
  • Tai nạn sinh hoạt.
  • Tai nạn khi có thảm họa.
  • Tai nạn bất cẩn.
  • Tai nạn do chơi thể thao.
  • Chấn thương đầu khi sinh đẻ...

Có hai loại đánh giá mức độ tổn thương sọ não phổ biến là:

  • Chấn thương sọ não kín: Có tổn thương sọ não nhưng chưa gây rách màng cứng, chưa làm thông não bộ với môi trường bên ngoài. Tổn thương hộp sọ có thể lún sọ, rạn vỡ sọ, chấn động não, giập não, chèn ép não do máu tụ, phù não, tràn khí...
  • Chấn thương sọ não hở: Gây rách màng cứng, khai thông não bộ với bên ngoài và có nguy cơ nhiễm khuẩn não cao.

Ngoài ra còn nhiều cách phân loại biến chứng chấn thương sọ não khác như theo bản chất hoặc vị trí tổn thương não, sang chấn não khu trú và lan tỏa hoặc xuất hiện cùng lúc cả hai loại.

Triệu chứng chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra

2. Triệu chứng chấn thương sọ não

Cơ chế sinh chấn thương sọ não là do đập trực tiếp vào đầu. Tùy theo nơi bị đụng, vận tốc và tác nhân gây chấn thương sẽ đưa đến các triệu chứng khác nhau từ nhẹ đến nặng. Nhìn chung, triệu chứng của chấn thương sọ não thường biểu hiện qua hai thể là:

2.1. Tổn thương nguyên phát

Là tổn thương có ngay sau tai nạn, với biểu hiện cụ thể tại chỗ tiếp xúc gồm:

  • Rách da đầu gây mất máu nhiều.
  • Vỡ rạn hộp sọ theo đường chân chim, hoặc vỡ lún chèn vào màng não và tổ chức não.
  • Tổn thương tại màng não gây chảy dịch não tủy.
  • Máu tụ ngoài và dưới màng cứng, chảy máu trong não.
  • Tổ chức não bị dập hoặc thoát ra ngoài.

Ngoài ra còn có những tổn thương liên quan đến quán tính do hộp sọ bị lắc hoặc xoắn vặn, đầu di động nên não chịu sự tăng / giảm tốc đột ngột. Tình trạng này làm tổn thương trục lan tỏa khiến nạn nhân hôn mê kéo dài, trong khi đó triệu chứng cận lâm sàng lại nặng nề hơn rất nhiều.

Máu tụ dưới màng cứng
Máu tụ dưới màng cứng

2.2. Tổn thương thứ phát

Hình thành sau khi tai nạn xảy ra, bao gồm:

  • Máu tụ trong sọ: Máu chảy ra bị tích tụ lại thành khối, làm choán chỗ trong sọ và tăng áp lực nội sọ, gây tổn thương tế bào não.
  • Phù não: Tổn thương hàng rào máu não và màng tế bào dẫn đến sự tích tụ nước bất thường ở tổ chức kẽ và trong tế bào.
  • Giãn não thất: Hiện tượng máu chảy làm tắc đường lưu thông của nước não tủy.

3. Cấp cứu chấn thương sọ não

3.1. Khi nào cần nhập viện?

Trong trường hợp bị chấn thương đầu, phụ huynh cần đưa con em đến bệnh viện ngay nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu sau:

  • Bất tỉnh hơn 1 phút ngay sau ngã.
  • Vẫn tỉnh táo sau va chạm nhưng sau đó lại xuất hiện những dấu hiệu bất thường như: quấy khóc khó dỗ, ngủ nhiều, lơ mơ, tương tác kém hoặc bất tỉnh;
  • Nôn trên 5 lần hoặc nôn kéo dài hơn 6 giờ sau chấn thương đầu.
  • Thóp bị phồng, căng lên, kèm theo vẻ mặt xanh xao.
  • Có chấn thương ở các nơi khác, máu chảy nhiều.

Ở người lớn có thể xuất hiện thêm những biểu hiện như lú lẫn hoặc giảm trí giác, đau đầu kéo dài và ói, xáo trộn tâm thần, động kinh,...

Lưu ý trong sơ cứu người bị chấn thương sọ não
Cấp cứu chấn thương sọ não cần đảm bảo an toàn cho người

3.2. Kế hoạch chăm sóc

  • Cấp cứu và chăm sóc ngay khi nhập viện

Ngay sau khi bị chấn thương, nạn nhân phải được cấp cứu kịp thời, nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí ban đầu, sau đó đưa sang chuyên khoa phẫu thuật thần kinh.

  • Khám xét toàn diện

Cần phải được khám toàn diện khi nạn nhân đến phòng cấp cứu, đặc biệt nếu có đa chấn thương như xuất huyết nội, tràn máu màng phổi, vỡ xương chậu, gãy xương đùi...

  • Cứu chữa khẩn cấp và ưu tiên đường thở

Khi khám thần kinh cần phải theo trình tự: Tri giác, dấu thần kinh định vị, sinh hiệu (mạch, huyết áp, nhiệt độ và nhịp thở). Phải kiểm soát được khả năng hô hấp và tuần hoàn của nạn nhân.

  • Xác định chẩn đoán và chọn lựa phương pháp điều trị

Khám xét, đánh giá lại thương tổn qua lâm sàng và cận lâm sàng. Xử lý các vết thương sọ não càng sớm càng tốt để tránh mất máu và nhiễm khuẩn.

Cấp cứu vinmec
Người bệnh cần đưa đến bệnh viện để cấp cứu và theo dõi tình trạng bệnh

3.3. Ưu tiên cấp cứu

  • Cố định cột sống cổ ngay trong khi đợi kết quả X-quang.
  • Làm thông đường thở bằng cách hút dịch trong miệng và qua mũi.
  • Đặt nội khí quản hoặc mở khí quản khi có vỡ xương hàm.
  • Đảm bảo thông khí và nhịp thở đầy đủ.
  • Kiểm soát chảy máu và tuần hoàn;
  • Điều trị sốc tích cực để cải thiện tưới máu não.
  • Ngăn chặn nguồn chảy máu bên ngoài (nếu có).
  • Đánh giá các dấu thần kinh nhanh.

Nhìn chung, tất cả các biện pháp thăm khám ban đầu và cứu chữa nạn nhân phải thực hiện song song. Đối với những khối máu tụ nội sọ gây chèn ép não, cần phải mổ cấp cứu ngay sau khi phát hiện để giải tỏa não. Nếu nạn nhân đã bị suy giảm tri giác, giãn đồng tử một bên hoặc liệt thì việc xử trí cấp cứu chấn thương sọ não muộn sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

3.4. Chỉ định cận lâm sàng

  • Chụp X-quang sọ: Bề xương, lún sọ, có đường nứt, rạn khớp sọ,...
  • Chụp CT Scan đầu: Yếu, liệt nửa người, lác mắt, chóng mặt, lú lẫn, đau đầu kéo dài và ói, động kinh, vỡ xương sọ,...

Ngoài ra, muốn đánh giá tiên lượng bệnh nhân phải thực hiện đầy đủ các xét nghiệm điện não đồ (EEG), mạch não đồ (DSA) hoặc Doppler mạch máu não. Nhằm hạn chế tối đa mức độ tàn phế do di chứng để lại, bệnh nhân buộc phải trải qua quá trình phục hồi chức năng lâu dài.

Nhìn chung, xử trí cấp cứu chấn thương sọ não là ưu tiên hàng đầu và phải nhanh chóng khai thông đường thở. Bác sĩ cũng cần phải đánh giá toàn diện tất cả thương tổn để tránh bỏ sót, làm ảnh hưởng đến hy vọng cứu chữa bệnh nhân. Đối với nạn nhân không cần nhập viện bắt buộc thì phải có giấy hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tiện theo dõi tại nhà.

Video đề xuất:

Phình mạch máu não - kiến thức cần thiết

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan