Những điều cần biết khi bạn mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ (non-small cell lung cancer) - Phần 2

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ung thư có thể bắt đầu từ bất cứ nơi nào trong cơ thể. Ung thư bắt đầu ở phổi gọi là ung thư phổi. Nó bắt đầu khi các tế bào trong phổi phát triển ngoài tầm kiểm soát và lấn át các tế bào bình thường.

1. Các phương pháp điều trị ung thư phổi

Có nhiều cách để điều trị ung thư phổi.

Phẫu thuật và xạ trị là những phương pháp điều trị tại chỗ, không ảnh hưởng đến các cơ quan còn lại của cơ thể.

Thuốc hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đíchliệu pháp miễn dịch là điều trị toàn thân. Chúng có thể tiếp cận các tế bào ung thư ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể.

Việc điều trị ung thư phổi có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch. Kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn sẽ phụ thuộc vào:

  • Giai đoạn ung thư
  • Cơ hội của phương pháp điều trị
  • Tuổi của bạn
  • Các vấn đề sức khỏe khác của bạn
  • Cảm nhận của bạn về việc điều trị và các tác dụng phụ có thể xảy ra
Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm trúng đích là điều trị toàn thân

1.1 Phẫu thuật

Nếu ung thư đang ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật, kèm với các phương pháp điều trị khác. Tất cả hoặc một phần phổi của bạn có thể được cắt bỏ. Nếu được phẫu thuật, nó cung cấp cơ hội tốt hơn để chữa bệnh.

Đôi khi, chất dịch tích tụ trong ngực (dịch màng phổi) và gây ra các vấn đề về hô hấp. Bằng cách đặt một ống nhỏ vào ngực, chất dịch này có thể được hút ra, sau đó thuốc được đưa vào ống.

Hầu hết các ung thư phổi không tế bào nhỏ được điều trị bằng phẫu thuật và xạ trị, hóa trị.

Tác dụng phụ của phẫu thuật

Bất kỳ loại phẫu thuật nào cũng có thể có một số rủi ro và tác dụng phụ. Hãy hỏi bác sĩ những gì bạn mong đợi và những rủi ro có thể xảy ra. Nếu bạn có một số vấn đề, hãy cho bác sĩ của bạn biết, họ có thể giúp bạn với bất kỳ vấn đề nào xảy đến.

1.2 Xạ trị

Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong ung thư phổi không tế bào nhỏ, xạ trị thường được chỉ định sau phẫu thuật. Xạ trị đơn thuần hoặc điều trị cùng với hóa trị.

Xạ trị cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng như đau, chảy máu, khó nuốt hoặc các vấn đề khác xảy ra khi ung thư phổi đã phát triển rất lớn hoặc đã lan sang các khu vực khác như xương. Xạ trị được dùng với liều nhỏ mỗi ngày trong nhiều tuần.

Tác dụng phụ của xạ trị

Nếu bác sĩ đề nghị phương pháp xạ trị, hãy trao đổi về những tác dụng phụ có thể xảy ra. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của xạ trị là:

  • Thay đổi vùng da vị trí xạ trị
  • Cảm thấy rất mệt mỏi

Hầu hết các tác dụng phụ cải thiện sau khi kết thúc điều trị, một số có thể kéo dài lâu hơn.

Hóa trị
Hóa trị

1.3 Hóa trị

Hóa trị - từ ngắn của hóa trị liệu - là sử dụng thuốc để chống ung thư, dùng đường tĩnh mạch hoặc dưới dạng thuốc uống. Những loại thuốc này vào máu và đi khắp cơ thể. Hóa trị thường được dùng để điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Hóa trị thường được dùng theo chu kỳ, sau mỗi chu kỳ là thời gian nghỉ ngơi, giúp cơ thể có thời gian để phục hồi. Điều trị thường kéo dài trong nhiều tháng.

Tác dụng phụ của hóa trị

Hóa trị có thể khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi, đau bụng và rụng tóc. Nhưng những vấn đề này biến mất sau khi kết thúc điều trị.

Có nhiều cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị. Nếu bạn có tác dụng phụ, hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc ung thư để họ có thể giúp đỡ bạn.

1.4 Liệu pháp nhắm trúng đích

Thuốc điều trị nhắm trúng đích có thể được sử dụng cho ung thư phổi có một số protein bất thường. Những loại thuốc này tác động chủ yếu đến các tế bào ung thư và không ảnh hưởng các tế bào bình thường khác trong cơ thể. Các tác dụng phụ của liệu pháp này thường khác với hóa trị.

1.5 Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của chính bạn hoặc sử dụng các phiên bản nhân tạo của các phần của hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào ung thư phổi. Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư phổi, thường được dùng bằng đường tĩnh mạch.

Tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau tùy loại thuốc sử dụng. Chúng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đau bụng hoặc phát ban. Hầu hết các vấn đề này biến mất sau khi điều trị kết thúc.

Có nhiều cách để điều trị hầu hết các tác dụng phụ do liệu pháp miễn dịch gây ra. Nếu bạn có tác dụng phụ, hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc ung thư để được hỗ trợ tốt nhất.

2. Ngoài những phương pháp trên, ung thư phổi còn được điều trị bằng những phương pháp nào?

Khám bệnh
Hãy trao đổi với bác sĩ về điều trị ung thu phổi nếu có thắc mắc

Khi mắc ung thư, bạn có thể nghe về những cách điều trị ung thư khác hoặc điều trị các triệu chứng. Đây có thể không phải luôn là phương pháp điều trị y tế tiêu chuẩn. Chúng có thể là vitamin, thảo dược, chế độ ăn uống đặc biệt và những thứ khác. Bạn có thể thắc mắc về những phương pháp điều trị này.

Một số trong các phương pháp này có tính chất hỗ trợ, một số không, thậm chí có hại. Hãy trao đổi với bác sĩ về bất cứ điều gì bạn đang nghĩ về việc sử dụng chúng, cho dù đó là một loại vitamin, chế độ ăn uống, hoặc bất cứ điều gì khác.

Những câu hỏi bạn có thể hỏi bác sĩ

  • Điều trị nào bác sĩ nghĩ là tốt nhất cho tôi?
  • Mục tiêu của điều trị này là gì? Bác sĩ có nghĩ rằng nó có thể chữa ung thư?
  • Điều trị sẽ bao gồm phẫu thuật? Nếu vậy, ai sẽ làm phẫu thuật cho tôi?
  • Phẫu thuật sẽ như thế nào?
  • Tôi cũng sẽ cần các phương pháp điều trị khác chứ?
  • Mục tiêu của các phương pháp điều trị này là gì?
  • Các tác dụng phụ từ những phương pháp điều trị này là gì?
  • Tôi có thể làm gì về tác dụng phụ mà tôi có thể có?
  • Bác sĩ có biết điều gì về vitamin đặc biệt hoặc chế độ ăn kiêng mà bạn bè nói với tôi? Làm sao tôi biết chúng có an toàn không?
  • Tôi nên làm gì để sẵn sàng điều trị?
  • Có bất cứ điều gì tôi có thể làm để giúp việc điều trị tốt hơn?
  • Bước tiếp theo là gì?

3. Điều gì sẽ xảy ra sau khi điều trị?

Bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi điều trị kết thúc. Nhưng sẽ không tránh khỏi lo lắng về việc ung thư sẽ quay trở lại (tái phát). Ngay cả khi ung thư không quay trở lại, mọi người vẫn lo lắng về nó. Trong nhiều năm sau khi điều trị kết thúc, bạn vẫn sẽ cần gặp bác sĩ ung thư để tái khám. Bạn sẽ được kiểm tra, xét nghiệm máu và có thể làm các xét nghiệm khác để xem liệu ung thư có tái phát không.

Trong 2 đến 3 năm đầu sau khi điều trị, bạn sẽ được bác sĩ thăm khám và chụp CT mỗi 3 đến 6 tháng. Sau đó, có thể bạn sẽ tái khám và chụp CT mỗi 6 tháng.

Mắc ung thư và đối mặt với điều trị có thể khó khăn, nhưng đó cũng có thể là thời gian để bạn nhìn cuộc sống theo những cách nhìn mới. Bạn có thể nghĩ về cách cải thiện sức khỏe của bạn, trao đổi với nhóm chăm sóc ung thư để tìm hiểu những gì bạn có thể làm để cảm thấy tốt hơn.

Bạn không thể thay đổi sự thật rằng bạn mắc ung thư. Những gì bạn có thể thay đổi là cách bạn sống phần đời còn lại - đưa ra những lựa chọn và cảm nhận những gì tốt nhất có thể.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

481 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan