Những điều bạn nên biết về răng khôn

Răng khôn mọc ở phía sau răng hàm trên và dưới. Trong không ít các trường hợp, răng khôn thường mọc khấp khểnh, lệch sang một bên hay nói cách khác là mọc lệch lạc. Khi có dấu hiệu mọc răng khôn, chúng có thể đẩy lên các răng khác, gây ra tình trạng đau răng khôn do quá tải và lệch lạc hàm răng, cần phải nhổ răng khôn.

1. Răng khôn mọc lúc nào?

Răng khôn mọc lúc nào” là thắc mắc của nhiều người vì chúng không xuất hiện cùng lúc với các răng khác trên hàm răng trong những năm tháng đầu đời.

Thông thường, những chiếc răng khôn sẽ xuất hiện không sớm hơn 15 tuổi và quan niệm truyền thống tin rằng, tên gọi của răng này tượng trưng cho sự trưởng thành. Đa số các trường hợp mọc răng khôn là ở độ tuổi 25 nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ vì một số bệnh nhân thực sự nhận thấy dấu hiệu mọc răng khôn muộn hơn.

2. Tại sao cần phải nhổ răng khôn?

Rất nhiều bệnh nhân lựa chọn nhổ răng khôn khi chưa có dấu hiệu biến chứng. Nha sĩ sẽ kiểm tra cách mọc của những chiếc răng này và quyết định xem có nên tiến hành quá trình nhổ răng khôn để chủ động loại bỏ sớm là tốt nhất hay không.

Một số lý do mà nha sĩ xem xét chỉ định nhổ răng khôn bao gồm:

  • Người bệnh bị đau răng khôn, kích ứng các mô xung quanh hoặc các dấu hiệu của một khoang đang hình thành.
  • Không có khả năng làm sạch thực phẩm và vi khuẩn thường xuyên đúng cách và kỹ lưỡng.
  • Không đủ không gian để chứa toàn bộ các răng, gây lệch lạc.
  • Các dấu hiệu tác động có thể dẫn đến tổn thương các chân răng xung quanh.
  • Không thoải mái khi tiếp xúc với các răng hoặc nướu.
  • Ảnh hưởng tới chức năng hàm bình thường.

3. Có nhất thiết phải nhổ răng khôn nếu không có bất kỳ dấu hiệu mọc răng khôn nào không?

Dù cho phần lớn bệnh nhân mọc chiếc răng hàm thứ 3 không có bất kỳ dấu hiệu đau đớn hay biến chứng nào, mọi người vẫn cần phải đến gặp nha sĩ định kỳ.

Bởi lẽ, thật khó có thể nhận ra rằng, chiếc răng chỉ mới nhú một phần và có nguy cơ bị nhiễm trùng. Nguy cơ cần phải nhổ răng khôn càng cao khi càng lớn tuổi và hầu hết các trường hợp nhổ răng khôn ở độ tuổi ngoài 30 sẽ kém thuận lợi. Răng sẽ bám chắc hơn vào xương hàm và cũng có khả năng chân răng bị gãy di lệch vào xoang. Do đó, nên kiểm tra hàm răng định kỳ để phòng ngừa hơn là đợi cho đến khi có các dấu hiệu mọc răng khôn mới đến gặp nha sĩ.

Khám răng, nha khoa
Bạn nên kiểm tra răng định kỳ để phòng ngừa.

4. Điều gì có thể xảy ra nếu chưa nhổ răng khôn?

Mọi người có thể không thấy lý do để nhổ chiếc răng hàm thứ 3 nếu chúng không gây ra vấn đề ngay lập tức nhưng mọi thứ có thể thay đổi theo thời gian. Những chiếc răng này có thể bị tác động mạnh hoặc gây ra sâu răng nếu không có đủ chỗ để làm sạch triệt để.

Bên cạnh đó, các răng khác trên hàm răng có thể dịch chuyển để phù hợp với sự xuất hiện của một chiếc răng mới và gây ra vấn đề về điều chỉnh khớp cắn. Lúc này, nha sĩ sẽ chỉ định liệu có cần thiết phải nhổ răng hay không dựa trên bằng chứng khi thăm khám.

5. Những rủi ro nào có thể gặp phải nếu không nhổ răng khôn?

Mọi người có xu hướng bỏ qua các vấn đề sức khỏe quan trọng nếu không phải đối mặt với cơn đau thực sự. Theo đó, trừ khi nha sĩ chỉ định khác, người bệnh thường được xử trí nhổ răng khôn một cách cẩn thận nhằm tránh các rủi ro tiềm ẩn có thể phát sinh ở mọi lứa tuổi:

  • Nhiễm trùng tái phát ở các mô mềm xung quanh.
  • Các nang chứa đầy mủ gần răng.
  • Khởi phát của bệnh nướu răng.
  • Sâu dần răng hàm thứ 3 hoặc thứ 2.
  • Khối u, áp xe chân răng.

6. Làm cách nào để kiểm soát cơn đau răng khôn tại nhà?

Một trong những biện pháp phổ biến nhất để giảm bớt tình trạng sưng tấy gây đau răng khôn khi đang mọc là súc miệng bằng nước muối. Đây là một dung dịch muối sinh lý giúp giữ cho khu vực này sạch sẽ, phòng tránh nhiễm trùng, không làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh ăn nhai ở phía răng đang cố mọc và không uống nước, ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu khu vực này bắt đầu sưng tấy hoặc cảm thấy bị kích ứng, có thể chườm một túi nước đá lên bên ngoài khuôn mặt nếu cần. Một biện pháp giúp khắc phục cơn đau răng khôn khác có thể thử tại nhà là thoa một lượng nhỏ dầu đinh hương vào một miếng bông gòn trước khi đặt lên răng.

Nếu cơn đau răng khôn ngày càng trầm trọng hơn hoặc nhận thấy có mủ xung quanh răng, tốt nhất nên đến gặp nha sĩ khẩn cấp để bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nhổ răng khôn khi đang bị nhiễm trùng là không an toàn, vì vậy, việc bỏ qua các dấu hiệu mọc răng khôn có thể làm trì hoãn các bước điều trị cần thiết.

7. Hiện tượng đau nhói và tích tụ mủ ở răng khôn đã mọc một phần có bình thường không?

Các nha sĩ gọi triệu chứng đau nhói và chảy mủ xung quanh chiếc răng khôn đã mọc một phần là viêm quanh răng. Mặc dù đây là một biến chứng phổ biến, đó lại là một dấu hiệu của nhiễm trùng cần được xử lý bởi bác sĩ răng hàm mặt có chuyên môn cao. Răng có thể bị va chạm và gây ra các triệu chứng xấu đi nhanh chóng và cần được nha sĩ cấp cứu ngay lập tức. Điều trị thường đơn giản như làm sạch kỹ lưỡng và loại bỏ một số mô khi cần thiết.

8. Tại sao răng khôn mọc lệch thường gặp?

Kích thước của hàm răng người thường giảm xuống dần, để lại ít không gian hơn cho bốn chiếc răng cuối cùng có thể thoải mái mọc vào đúng vị trí. Đối với một số bệnh nhân, răng khôn vẫn nằm dưới bề mặt nướu nhưng một số bệnh nhân khác lại nhận thấy răng bắt đầu nhú lên mặc dù có hạn chế về kích thước hay không. Chính vì không có đủ chỗ để mọc bình thường trong hàm răng, răng khôn thường mọc theo chiều ngang và gây lệch.

9. Làm gì khi mới xuất hiện dấu hiệu mọc răng khôn?

Khả năng nhiễm trùng xảy ra là rất cao trong khoảng giữa răng đã mọc một phần và nướu răng. Do đó, làm sạch răng kỹ lưỡng sau mỗi bữa ăn là hoàn toàn cần thiết để tránh các biến chứng. Tuy nhiên, đây không phải lúc nào cũng là khu vực dễ dàng tiếp cận. Nguy cơ sẽ tăng lên theo tuổi tác vì các bệnh nhiễm trùng có thể trở nên phổ biến hơn và cơ thể ít có khả năng tự phục hồi. Nếu răng bị kẹt một phần bên dưới nướu, dấu hiệu mọc răng khôn này rất rõ ràng là răng khôn mọc lệch. Do đó, tốt nhất là nên loại bỏ răng ngay từ khi còn nhỏ hơn là để đối phó với nhiễm trùng và các cơn đau răng.

Vì việc làm sạch răng khôn sẽ khó khăn hơn nên sẽ có nhiều mảng bám dẫn đến sâu răng. Hơn nữa, thủ thuật trám răng khôn thậm chí còn khó khăn hơn nếu răng mọc ở một góc không đều. Ngoài ra, tình trạng sâu răng khi xảy ra thì nha sĩ sẽ cần đề nghị nhổ răng để tránh nguy cơ tổn thương cho răng hàm thứ 2 lân cận.

10. Những nguy cơ có thể gặp phải khi phẫu thuật nhổ răng khôn là gì?

  • Tổn thương dây thần kinh gây ra thay đổi cảm giác ở lưỡi, môi dưới hoặc cằm.
  • Tổn thương xoang do nhổ răng khôn hàm trên.
  • Xương hàm dưới yếu đi.
  • Nhiễm trùng trong ổ hở do các mảnh thức ăn và vi khuẩn bị mắc kẹt.
  • Đau và chậm lành do cục máu đông (ổ khô) làm lộ xương ở vùng vết thương.

Vì hàm răng sẽ trải qua nhiều thay đổi trong suốt cuộc đời của mỗi người, cột mốc răng khôn mọc lúc nào là rất quan trọng, nhắc nhở về thói quen chăm sóc răng miệng nhất định hằng ngày. Khi mọc đúng cách, các dấu hiệu mọc răng khôn sẽ rất nhẹ nhàng và một chiếc răng khôn khỏe mạnh có thể giúp ăn nhai tốt hơn. Ngược lại, nếu bị đau răng khôn, hãy đến gặp nha sĩ sớm để được nhổ răng khôn kịp thời, trước khi gây ra biến chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo: webmd.com, tandaradental.com.au, supremiadentistry.com, drdavidcote.com, greenmeadowdental.com, hoanmysaigonclinic.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan