Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Vân - Bác sĩ Nội thẩm mỹ - Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Giống như một củ hành, da có nhiều lớp khác nhau. Khi da bị nhiễm trùng càng sâu thì càng nguy hiểm. Lớp đầu tiên của da là thượng bì tạo ra các tế bào và màu sắc da. Lớp thứ hai là lớp bì tạo lớp dầu để bảo vệ da và mồ hôi để làm mát. Lớp này cũng có các đầu tận thần kinh nhận cảm giác nóng, lạnh và đau. Lớp thứ ba là lớp mỡ dưới da, gắn da với cơ và xương, và giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể.
1. Tại sao bị nhiễm trùng da?
Một vết cắt trên da, như do chấn thương hoặc phẫu thuật, làm cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và có thể dẫn đến nhiễm trùng (Virus, vi khuẩn và nấm). Vi khuẩn là những sinh vật sống xung quanh chúng ta: có loại vô hại hoặc tốt cho con người, nhưng một số có thể gây ra bệnh. Virus là những thể rất nhỏ chỉ có thể phát triển bên trong các tế bào sống khác. Nấm là sinh vật sống ăn các sinh vật sống khác.
2. Điều trị nhiễm trùng da
Nhie64mm trùng do vi khuẩn có thể được điều trị bằng kháng sinh. Hiện nay, một số vi khuẩn đã trở nên kháng thuốc và khó tiêu diệt hơn. Thuốc hoặc kem bôi được kê theo toa có thể điều trị hầu hết các tình trạng nhiễm nấm. Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc kháng vi-rút, tùy trường hợp.
3. MRSA
Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) là tình trạng nhiễm trùng do chủng vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Nó có thể gây áp xe (mủ trong mô). Nếu có 1 ổ abces, bác sĩ có thể làm thủ thuật dẫn lưu mủ và không dùng thuốc. Những Bệnh nhân nội trú bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe như viện dưỡng lão, rất dễ bị nhiễm MRSA. Nhóm đối tượng thường xuyên tiếp xúc da kề da với người khác, như vận động viên đô vật hoặc nhân viên chăm sóc trẻ em cũng dễ nhiễm chủng vi khuẩn này
4. Viêm mô tế bào
Đây là một bệnh nhiễm trùng da nặng do vi khuẩn, thường ở vị trí chân dưới hoặc bất cứ đâu trên da. Khu vực bị nhiễm trùng bị sưng, nóng và đau. Viêm mô tế bào có thể rất nghiêm trọng nếu ở trong mô sâu hơn và xâm nhập vào máu. Nếu bạn có những vệt đỏ trên da, sốt, ớn lạnh và đau nhức, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị. Nếu mức độ nhiễm trùng nặng, bạn sẽ được chỉ định dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.
5. Chốc và chốc loét
Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, khá phổ biến ở trẻ em tuổi mẫu giáo và tuổi đi học. Triệu chứng lâm sàng thường là bóng nước đau trên mặt, cổ, tay hoặc vùng mang tã. Thường xảy ra sau khi da bị kích thích bởi một vấn đề khác như vết cắt, trầy xước hoặc phát ban. Chốc loét có thể được điều trị bằng kháng sinh (ở dạng thuốc mỡ, thuốc viên hoặc dạng dung dịch).
6. Viêm cân hoại tử
Viêm cân hoại tử còn hay gọi là nhiễm vi khuẩn ăn thịt, đây là một tình trạng nhiễm trùng lây lan nhanh và phá hủy mô mềm (cơ, mỡ và các mô khác kết nối cơ với xương). Nếu bạn có hệ thống miễn dịch mạnh và giữ vệ sinh cơ thể tốt, bạn sẽ không có khả năng mắc bệnh này. Nếu bị bệnh, bạn sẽ cần điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch và bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ các mô bị nhiễm bệnh
7. Viêm nang lông
Là tình trạng các nang lông-các túi nhỏ giữ chân lông bị viêm và gây đỏ, ngứa, rát da và đau. Nguyên nhân thường do vi khuẩn, nhưng nấm và vi rút cũng có thể gây ra tình trạng này. Viêm nang lông thường tự khỏi, nếu không thì bác sĩ có thể phải kê toa kem kháng sinh hoặc kháng nấm để điều trị.
8. Nhọt và nhọt cụm
Nhọt là một vết loét khởi đầu với sưng đỏ và đau hơn khi chứa đầy mủ và vỡ. Thông qua vết cắt hoặc côn trùng cắn thì một hoặc nhiều nang lông sẽ bị nhiễm trùng. Bệnh hậu bối(nhọt cụm) là một nhóm nhọt dưới da gây hó mủ sâu hơn và sẹo. Chườm ấm trên khu vực này có thể giảm đau và giúp nhọt thoát nước, nhưng nếu cụm nhọt lớn, bác sĩ sẽ cần làm tiểu phẫu để dẫn lưu dịch mủ.
9. Mụn rộp
Loét ở vùng sinh dục ở cả nam và nữ thường gây ra bởi virus herpes (type 2). Một khi bạn bị nhiễm virus này thì nó sẽ ở trong cơ thể nhưng không gây ra loét. Bác sĩ có thể kê thuốc để kiểm soát bệnh. Đây là bệnh lây nhiễm, vì vậy bạn không nên quan hệ tình dục khi bạn đang nhiễm bệnh hoặc chỉ quan hệ tình dục khi có sử dụng bao cao su để giảm khả năng truyền nó cho bạn tình
10. Mụn rộp ở môi
Mụn rộp do Virus herpes type 1 ở môi hoặc miệng, gây đau đớn và mất thẩm mỹ. Hầu hết mọi người bị nhiễm virus khi tiếp xúc với những người mắc bệnh. Virus tồn tại trong cơ thể và các vết loét có thể bùng phát khi hệ miễn dịch suy giảm, lo lắng hoặc quá mệt mỏi. Bệnh thường tự khỏi, nhưng thuốc kê toa có thể giúp kiểm soát bệnh bùng phát.
11. Thủy đậu
Virus thủy đậu ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và chủ yếu được biết đến khi phát ban ngứa. Bệnh thường tự khỏi trong vòng một tuần, rất dễ lây lan, vì vậy nếu bị thủy đậu, hãy ở nhà và nghỉ ngơi cho đến khi khỏi hẳn. Khi bạn bị bệnh thủy đậu, bạn sẽ không bị lần nào nữa nhưng có thể bị bùng phát bệnh zona sau này. Vắc-xin có thể làm giảm nguy cơ bị thủy đậu và bệnh zona, hoặc giúp triệu chứng bệnh nhẹ hơn nếu mắc phải.
12. U mềm lây
Đặc trưng là các sẩn trơn, chắc, màu hồng, trắng hay màu da, lõm ở trung tâm. Bạn có thể bị nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh hoặc những thứ họ đã chạm vào. Các vết loét ngứa, đau có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi trên cơ thể bạn. Kích thước nhỏ như đầu đinh ghim hoặc to như cục tẩy bút chì. Các u mềm lây thường biến mất sau 6 đến 12 tháng, nhưng bác sĩ có thể kê toa kem thoa hoặc cạo các u mềm đi.
13. Nấm da
Nấm da đặc trưng bởi triệu chứng dát hồng ban ngứa, hình vòng, có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên cơ thể và rất dễ lây lan. Nhiều loại nấm có thể gây ra tình trạng này và chúng có thể ở trong môi trường xung quanh chúng ta: sàn nhà, quần áo, khăn lau, tấm trải giường,.... Điều trị nấm da bằng thuốc uống và thuốc thoa. Nấm da có thể tái phát ở vị trí cũ.
14. Nấm kẽ chân
Các loại nấm gây nấm da cũng là nguyên nhân gây nấm kẽ chân. Nó thường xuất hiện ở dưới cùng của bàn chân và giữa các ngón chân, nơi kín và ẩm ướt. Triệu chứng thường là ngứa, khô, nứt và đôi khi có thể gây chảy máu. Nhiều sàn phòng thay đồ, phòng tập thể thao thường có loại nấm này, vì vậy không nên đi chân trần và làm sạch sàn nhà thường xuyên. Hãy giữ chân sạch sẽ và khô ráo để tránh bệnh tái phát.
15. Ký sinh trùng da
Các sinh vật nhỏ bé có thể chui vào da và đẻ trứng, gây đỏ da, kích thích, ngứa. Chấy là ký sinh trùng phổ biến, đặc biệt thường gặp ở trẻ em. Chúng tập trung chủ yếu ở da đầu và dễ dàng truyền từ người này sang người khác. Các ký sinh trùng da khác như cái ghẻ và giun . Điều trị ký sinh trùng trên da bằng kem thoa đặc trị và dầu gội.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám và tư vấn điều trị viêm da cơ địa dị ứng giúp khách hàng đánh giá tổng quan về tình trạng bệnh đồng thời tư vấn các biện pháp giúp phòng tránh bệnh tái phát.
Khi đăng ký gói khám và tư vấn điều trị viêm da cơ địa dị ứng, khách hàng sẽ được: Khám chuyên khoa Da liễu. Thực hiện các xét nghiệm như: định lượng IgE, vi nấm soi tươi, định lượng IgE đặc hiệu với các dị nguyên dị ứng hô hấp – thức ăn (Panel 1 Việt), xét nghiệm Rida Allergy Screen (panel 1)...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com