Nguyên nhân máu trong nước tiểu

Máu có trong nước tiểu là một triệu chứng hay gặp trong nhiều bệnh lý phổ biến, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Máu trong nước tiểu không phải là tình trạng cấp cứu, tuy nhiên nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, khi có biểu hiện đái ra máu cần đến ngay cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp can thiệp kịp thời.

1. Máu trong nước tiểu

Máu trong nước tiểu là một triệu chứng rõ ràng của một bệnh lý cụ thể nào đó. Bình thường nước tiểu có máu vàng nhạt và không có những phân tử lớn ở trong máu. Do một số bất thường nào đó có thể từ thận hay đường tiết niệu, mà những tế bào máu lọt qua cầu thận vào trong nước tiểu.

Có hai loại máu trong nước tiểu:

  • Đái máu đại thể: Là khi máu trong nước tiểu có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Mọi người có thể phát hiện cục máu đông hoặc nhận thấy nước tiểu có màu đỏ hoặc nâu.
  • Đái máu vi thể: Là sự xuất hiện của những phân tử có trong máu, và chỉ nhìn thấy được dưới kính hiển vi thông qua những xét nghiệm.

Màu sắc nước tiểu phản ánh một số bệnh lý
Màu sắc nước tiểu phản ánh một số bệnh lý

2. Nguyên nhân máu trong nước tiểu

Có nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng máu trong nước tiểu, chủ yếu do một bệnh lý cụ thể:

2.1 Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu ảnh hưởng đến thận và gây đau lưng ở hai bên hông. Nguyên nhân phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, dẫn tới hiện tượng máu trong nước tiểu.

Ngoài ra có những triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu kèm theo bao gồm:

  • Cảm giác buồn tiểu ngay sau khi vừa đi tiểu.
  • Đau hoặc rát ở niệu đạo
  • Nước tiểu đục, có mùi

Rất ít trường hợp nhiễm trùng tiểu có thể gây ảnh hưởng đến thận. Tuy nhiên nếu trường hợp này xảy ra, nhiễm trùng có xu hướng nghiêm trọng hơn và có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Đau ở lưng, hai bên hông và vùng chậu.
  • Buồn nôn, nôn
  • Sốt và ớn lạnh

Nhiễm trùng đường tiết niệu gây đau lưng 2 bên
Nhiễm trùng đường tiết niệu gây đau lưng 2 bên

2.2 Sỏi thận và bàng quang

Bình thường, sỏi thận nhỏ có thể lọt xuống theo dòng nước tiểu ra ngoài và không để lại triệu chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp sỏi lớn hơn có thể bị kẹt lại trong thận, bàng quang hoặc bị mắc kẹt ở nơi khác trong ống dẫn nước tiểu gây ra các triệu chứng như:

  • Máu trong nước tiểu
  • Đau lưng dưới và hai bên hông
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đôi khi có sốt và ớn lạnh
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi

2.3 Tiểu máu sau gắng sức

Tiểu máu sau gắng sức là một tình trạng xuất hiện máu trong nước tiểu, xảy ra sau tập thể dục hay hoạt động gắng sức với cường độ mạnh. Những người không bù nước đúng cách trong khi tập thể dục cũng có thể làm tăng nguy cơ tiểu máu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết tình trạng này thường tự khỏi trong vòng 3 ngày sau đó. Nếu tình trạng máu trong nước tiểu kéo dài hơn 2 tuần thì nên đến cơ sở y tế để thăm khám.


Thể dục và hoạt động gắng sức
Thể dục và hoạt động gắng sức

2.4 Phì đại tiền liệt tuyến

Tiền liệt tuyến là một tuyến nhỏ kích thước khoảng 10-20 gram, và chỉ có ở nam giới. Tuyến tiền liệt nằm sát dưới cơ bàng quang bao quanh lấy đoạn niệu đạo chỗ nối với cổ bàng quang, có chức năng chính là sản xuất ra các chất dịch giúp cho quá trình sinh sản của nam giới. Ngoài ra, tuyến tiền liệt còn giữ độc tố, vi khuẩn, và hóa chất không để đi vào đường tiết niệu.

Tuyến tiền liệt phì đại có thể gây chèn ép niệu đạo dẫn tới việc đi tiểu khó khăn hơn. Lúc này, bàng quang có thể bù lại bằng cách co bóp nhiều hơn để giải phóng nước tiểu. Từ đó, có thể dẫn đến tổn thương và chảy máu.

Phì đại tuyến tiền liệt gây ảnh hưởng đến khoảng 50% nam giới trưởng thành ở độ tuổi từ 51- 60 và khoảng 90% những người trên 80 tuổi.

Những triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt bao gồm:

  • Tiểu nhiều lần trong ngày, đặc biệt là về ban đêm gây mất ngủ, đột ngột buồn đi tiểu, không nhịn được tiểu quá vài phút.
  • Tiểu khó, ngắt quãng, phải rặn mới đi tiểu được, tia tiểu yếu, tiểu xong vẫn còn vài giọt nước tiểu rỉ ra làm ướt quần.
  • Tiểu xong vẫn còn cảm giác tiểu chưa hết, không thoải mái.
  • Khoảng cách giữa 2 lần liên tiếp đi tiểu ngắn lại.
  • Bí đái: đột ngột không đi tiểu được mặc dù đã rặn hết sức gây căng tức vùng bụng dưới rất khó chịu phải nhập viện ngay.
  • Máu trong nước tiểu

Phì đại tiền liệt tuyến
Phì đại tiền liệt tuyến

2.5 Đặt ống thông tiểu

Một số bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc đi tiểu hay đau tức bụng không tiểu được do phẫu thuật, chấn thương hoặc bệnh lý. Vì vậy, người bệnh được đặt ống thông tiểu được đặt vào bàng quang giúp lưu thông nước tiểu ra ngoài. Thông thường, ống dẫn nước tiểu sẽ được lưu lại ở bàng quang trong vài ngày hoặc vài tuần.

Các loại ống thông tiểu đều có thể cho phép vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, nếu không đảm bảo vô khuẩn sẽ dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan đến ống thông nước tiểu.

2.6 Tổn thương thận

Tiểu cầu là những cấu trúc nhỏ trong thận, có chức năng lọc và làm sạch máu. Ở những người bị viêm cầu thận, bị tổn thương không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không được điều trị, viêm cầu thận có thể dẫn đến suy thận.

Viêm cầu thận cấp tính xuất hiện đột ngột và có thể gây ra những triệu chứng sau:

  • Sưng mặt vào buổi sáng
  • Xuất hiện máu trong nước tiểu
  • Giảm lượng nước tiểu
  • Khó thở
  • Ho
  • Huyết áp cao

Tổn thương thận gây tăng huyết áp
Tổn thương thận gây tăng huyết áp

Viêm cầu thận mãn tính tiến triển chậm. Trong một số trường hợp thường không có triệu chứng điển hình trong những năm đầu mắc bệnh. Những dấu hiệu và triệu chứng trong giai đoạn sau bao gồm:

2.7 Thuốc

Một số loại thuốc sau đây có thể gây máu trong nước tiểu:

  • Thuốc chống đông máu: Những loại thuốc này giúp ngăn ngừa huyết khối, nhưng một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ máu trong nước tiểu như warfarin và aspirin.
  • Thuốc chống viêm không steroid, hoặc NSAID: Nếu lạm dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây suy thận thận và khiến máu xuất hiện trong nước tiểu. Tuy nhiên, thuốc chống viêm không steroid hoặc NSAID không có khả năng trực tiếp gây ra máu trong nước tiểu.
  • Cyclophosphamide và ifosfamide: Đây là những loại thuốc hóa trị có thể gây viêm bàng quang xuất huyết, biểu hiện là sự xuất hiện đột ngột của máu trong nước tiểu, kích thích hệ tiết niệu và đau bàng quang.
  • Senna: Sử dụng lâu dài thuốc nhuận tràng này có thể dẫn đến tiểu máu.

Một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của thận
Một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của thận

Nếu nghi ngờ rằng máu trong nước tiểu là do sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc thay đổi một loại thuốc khác hoặc làm giảm tác dụng phụ của thuốc.

2.8 Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thường có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của bệnh thường rất ít xuất hiện những triệu chứng. Những triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt thường giống với các triệu chứng của u xơ tuyến tiền liệt.

Ngoài máu trong nước tiểu thì ung thư tuyến tiền liệt có những triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau âm ỉ ở vùng chậu
  • Đau ở lưng dưới, hông hoặc đùi trên.
  • Đau khi xuất tinh.
  • Máu trong tinh dịch
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Đau xương

2.9 Ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang có dấu hiệu như sụt cân không rõ nguyên nhân, cùng với sự thay đổi màu sắc của nước tiểu và thói quen đi tiểu. Trong giai đoạn đầu của ung thư bàng quang thường không xuất hiện triệu chứng điển hình. Máu trong nước tiểu là dấu hiệu sớm nhất thường thấy.

Một bệnh nhân có thể nhận thấy được sự thay đổi của màu sắc nước tiểu. Đối với những người khác, vệt máu trong nước tiểu chỉ có thể được phát hiện khi thực hiện xét nghiệm nước tiểu. Ngoài ra ung thư bàng quang có những triệu chứng như:

  • Tiểu thường xuyên đặc biệt là vào ban đêm
  • Khó tiểu, dòng nước tiểu yếu
  • Đau hoặc rát khi đi tiểu

Tình trạng ung thư bàng quang
Tình trạng ung thư bàng quang

3. Điều trị máu trong nước tiểu

Việc điều trị máu trong nước tiểu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Những phương pháp điều trị máu trong nước tiểu có thể bao gồm:

  • Điều trị kháng sinh cho nhiễm trùng
  • Phẫu thuật loại bỏ sỏi thận
  • Thuốc ức chế hormone, thuốc giãn cơ và phẫu thuật để điều trị các vấn đề về tuyến tiền liệt.
  • Thuốc điều trị hoặc lọc máu cho trường hợp viêm cầu thận hoặc suy thận.
  • Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị nhằm ngăn ngừa sự phát triển của khối u lành tính và điều trị ung thư

Tóm lại, máu trong nước tiểu là một triệu chứng của một bệnh lý. Do sự bất thường của thận hoặc đường tiết niệu làm cho tế bào máu vào trong nước tiểu. Tuy máu trong nước tiểu không phải là một triệu chứng khẩn cấp, nhưng là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, khi thấy hiện tượng máu trong nước tiểu cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm tìm ra nguyên nhân, và có biện pháp điều trị thích hợp.


Người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời
Người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe