Thế nào là bệnh tan máu tự miễn?

Khi thời gian sống hồng cầu bị rút ngắn vì cơ thể sản sinh ra tự kháng thể chống hồng cầu và đây là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tan máu tự miễn. Hồng cầu bị phá hủy là do quá trình thực bào xảy ra ở hệ thống liên võng nội mô hoặc do sự hoạt hóa hệ thống bổ thể làm ly giải hồng cầu.

1. Bệnh tan máu tự miễn là gì?

Tan máu tự miễn là bệnh thiếu máu do cơ thể không có đủ lượng hồng cầu cần thiết. Hồng cầu trong cơ thể bị phá vỡ sớm hơn bình thường bởi sự xuất hiện của tự kháng thể chống hồng cầu.

Vai trò của hồng cầu là các tế bào giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Mỗi tế bào hồng cầu tồn tại trong cơ thể từ 100 - 120 ngày, tuy nhiên, trường hợp hệ thống miễn dịch trong cơ thể người bị rối loạn và nhận diện nhầm hồng cầu với các kháng nguyên lạ, cần được loại bỏ mà từ đó tạo ra các kháng thể tiêu diệt hồng cầu, khiến tế bào máu này chết sớm hơn bình thường. Nếu tan máu tự miễn ở mức độ nghiêm trọng thì vòng đời của hồng cầu chỉ sống được một vài ngày.

Bệnh tan máu tự miễn có khi phát triển một cách nhanh chóng hoặc tiến triển dần theo thời gian.

Bệnh tan máu tự miễn
Hình ảnh hồng cầu bị phá vỡ

2. Cơ chế gây tan máu tự miễn

Các tế bào máu đều được tạo ra trong tủy xương và được phân thành 3 loại tế bào máu cơ bản như sau:

  • Tế bào bạch cầu: Có nhiệm vụ giúp cơ thể chống lại các nhiễm trùng;
  • Tế bào tiểu cầu: Có nhiệm vụ tham gia vào quá trình đông máu và ngăn ngừa tình trạng chảy máu kéo dài;
  • Tế bào hồng cầu: Có nhiệm vụ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể dưới dạng hemoglobin.

Với nhiệm vụ giúp cơ thể chống lại các nhiễm trùng mà tế bào bạch cầu sẽ sản xuất ra kháng thể. Sau đó, những kháng thể này được gắn lên hồng cầu và di chuyển đi khắp cơ thể, chống lại vi trùng và những phần tử lạ cần được loại bỏ.

Ở bệnh nhân mắc bệnh tan máu tự miễn, hệ thống miễn dịch bị rối loạn, kháng thể do tế bào bạch cầu sản xuất ra lại nhận diện tế bào hồng cầu chứa kháng nguyên lạ và cần loại bỏ. Hậu quả của sự hình thành các kháng thể bất thường chống lại kháng nguyên có trên hồng cầu của bệnh nhân mà thường gặp là kháng thể IgG, IgM gắn bổ thể, do đó gây nên hiện tượng vỡ hồng cầu.


Hiện tượng vỡ hồng cầu được chia ra làm 2 loại:

  • Hiện tượng vỡ hồng cầu nội mạch (trong lòng mạch) là phản ứng kháng nguyên - kháng thể - bổ thể trên bề mặt hồng cầu bởi IgG hoặc IgM;
  • Hiện tượng vỡ hồng cầu ngoại mạch (trong tổ chức liên võng: gan, lách, ngoài lòng mạch...) bởi hiện tượng thực bào, chúng ăn các hồng cầu gắn kháng thể.
Cơ chế gây tan máu tự miễn
Hình ảnh mô tả cơ chế gây tan máu tự miễn

Khi các tế bào hồng cầu bị phá huỷ sớm hơn so với vòng đời bình thường sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tự miễn này có thể là:

  • Tiếp xúc với một số độc tố hoặc hóa chất, chẳng hạn như biến chứng khi dùng thuốc chống nhiễm trùng;
  • Được truyền máu nhưng nhóm máu không phù hợp;
  • Nhóm máu của thai nhi khác với nhóm máu của người mẹ;
  • Một số loại ung thư.

3. Phân loại bệnh tan máu tự miễn

Bệnh thiếu máu tán huyết tự miễn diễn ra khi xuất hiện của kháng thể chống hồng cầu. Kháng thể chống hồng cầu được phân loại như sau:

  • Kháng thể chống hồng cầu hoạt động trong điều kiện nhiệt độ là 37 độ C - nhiệt độ bình thường của cơ thể (kháng thể nóng): Loại này liên quan đến kháng thể IgG. Tan máu tự miễn do kháng thể nóng chiếm đến trên 80-90% các trường hợp;
  • Kháng thể chống hồng cầu hoạt động trong điều kiện nhiệt độ dưới 37 độ C (kháng thể lạnh): Loại này liên quan đến kháng thể IgM hoặc agglutinin “lạnh”, chúng liên kết với tế bào hồng cầu khi máu tiếp xúc với nhiệt độ lạnh (khoảng từ 0 - 4 độ C). Loại tan máu tự miễn này chỉ chiếm khoảng 10 - 20% các trường hợp.

Ngoài ra, bệnh tan máu tự miễn còn được phân loại theo nguyên nhân nguyên phát và thứ phát:

  • Nguyên nhân nguyên phát (vô căn): Là tình trạng bệnh xảy ra khi không có vấn đề sức khỏe nào khác gây ra;
  • Nguyên nhân thứ phát: Là khi tình trạng này có liên quan đến một tình trạng sức khỏe khác như Viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống (SLE), Hội chứng Sjogren, Viêm đại tràng, Viêm tuyến giáp Hashimoto, Bệnh thận kéo dài, Các vấn đề khác làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Viêm đại tràng
Viêm đại tràng có thể là nguyên nhân thứ phát gây bệnh tan máu tự miễn

4. Triệu chứng bệnh

Tan máu tự miễn bệnh học gây ra thiếu máu rất nhanh có thể đe dọa đến mạng sống của người bệnh. Cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh uy tín nếu cơ thể xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Sốt nhẹ;
  • Mệt mỏi, yếu ớt;
  • Khó tập trung và suy nghĩ;
  • Xanh xao;
  • Tim đập nhanh;
  • Khó thở;
  • Vàng da;
  • Nước tiểu sẫm màu;
  • Buồn nôn, nôn và tiêu chảy;
  • Choáng váng khi đứng lên;
  • Đau lưỡi.
Cách xử trí giảm tình trạng khó thở
Bệnh tan máu tự miễn có thể gây khó thở

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, điều trị bệnh có thể trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc liên hệ hotline TẠI ĐÂY để được hỗ trợ.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan