Mụn trứng cá và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Mụn trứng cá có thể được khắc phục và điều trị theo nhiều phương pháp khác nhau tùy theo loại mụn và tình trạng mụn. Bên cạnh đó, việc phòng ngừa mụn trứng cá quay lại sau khi điều trị cũng là vấn đề cần phải quan tâm.

1. Điều trị mụn trứng cá theo mức độ

Tùy theo mức độ nghiêm trọng và dai dẳng của các nốt mụn mà cách trị mụn trứng cá theo từng mức độ sẽ có sự khác nhau.

1.1 Tình trạng nhẹ

Ở mức độ nhẹ, tình trạng mụn trứng cá có thể được điều trị bằng các loại thuốc không kê đơn để uống hoặc thoa lên da. Các loại thuốc này thường có chứa các hoạt chất sau:

  • Resorcinol: phá vỡ các mụn đầu đen và mụn đầu trắng li ti.
  • Benzoyl peroxide: diệt khuẩn và đẩy nhanh quá trình tái tạo da mới, làm chậm sự tiết bã nhờn trên da.
  • Salicylic Acid: hỗ trợ khắc phục mụn đầu đen và mụn đầu trắng, đồng thời giảm viêm sưng ở những nốt mụn lớn hơn.
  • Retin – A: thông thoáng lỗ chân lông.
  • Acid Azelaic: ngăn chặn sự sản xuất bã nhờn quá mức, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

1.2 Tình trạng từ trung bình đến nặng

Ở tình trạng mụn trứng cá từ trung bình đến nặng, các bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc trị mụn nặng hơn, hoặc kháng sinh uống/kháng sinh bôi.

  • Kháng sinh đường uống

Thường được kê toa từ khoảng 1 tháng đến nhiều nhất là 6 tháng. Mục tiêu của loại thuốc này là giảm sự phát triển của vi khuẩn P.Acnes – một trong những loại vi khuẩn kí sinh trên da gây mụn. Tuy nhiên, nếu như sử dụng kháng sinh quá mức, P.Acnes có thể trở thành chủng kháng thuốc và đòi hỏi loại kháng sinh mạnh hơn.

Vì lý do trên, điều trị mụn trứng cá bằng kháng sinh thường là kháng sinh thoa tại chỗ nhiều hơn so với kháng sinh đường uống. Một số loại kháng sinh thường được sử dụng là Erythromycin và tetracycline.

  • Thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai theo đường uống cũng là một cách trị mụn trứng cá tương đối phổ biến, đặc biệt là ở chị em phụ nữ. Cơ chế hoạt động của thuốc tránh thai có thể kiểm soát sự phát triển của mụn trứng cá ở phụ nữ bằng cách ức chế tuyến dầu hoạt động quá mức.

Đây là phương pháp khắc phục và phòng ngừa mụn trứng cá lâu dài, tuy nhiên, một số đối tượng phụ nữ sau không được sử dụng thuốc tránh thai:

Ngoài ra, để sử dụng phương pháp này lâu dài, bạn cũng cần được khám phụ khoa trước với các bác sĩ.

  • Thuốc chống nhiễm trùng tại chỗ

Các loại thuốc kháng khuẩn tại chỗ cũng có mục đích tương tự như thuốc kháng sinh: giảm sự phát triển của vi khuẩn P.Acnes ở các bệnh nhân có mụn trứng cá từ trung bình đến nặng, phổ biến nhất là các loại clindamycin, natri sulfacetamide. Ngoài ra, còn có retinoid cục bộ.

Retinoids là một dẫn xuất của vitamin A với mục đích làm thông thoáng lỗ chân lông, ngăn ngừa sự hình thành của mụn đầu trắng và mụn đầu đen. Một số retinoids cục bộ thường được sử dụng là adapalene, tazarotene, và tretinoin...

  • Isotretinoin

Đây là một loại retinoid mạnh đường uống, thường được sử dụng như một cách trị mụn trứng cá nặng mà các phương pháp điều trị khác không đáp ứng. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này có thể dẫn đến:

  • Da mặt khô, môi khô.
  • Chảy máu cam.
  • Thay đổi tâm trạng bất thường.
  • Có ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi trong thời kỳ mang thai.

Thuốc tránh thai theo đường uống cũng là một cách trị mụn trứng cá
Thuốc tránh thai theo đường uống cũng là một cách trị mụn trứng cá

2. Một số mẹo trị mụn trứng cá tại nhà

Bên cạnh việc điều trị bằng các loại thuốc uống, kem bôi..., một số vấn đề liên quan đến sinh hoạt và chế độ ăn uống hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của mụn trứng cá trên da. Một số lời khuyên sau sẽ hỗ trợ bạn trị mụn trứng cá tại nhà vô cùng đơn giản.

  • Bổ sung kẽm

Kẽm là một chất dinh dưỡng thiết yếu và quan trọng trong sự phát triển tế bào mới, sản xuất hormone, quá trình trao đổi chất cũng như chức năng miễn dịch. Không những vậy, kẽm cũng là một trong những phương pháp khắc phục tự nhiên tại nhà được nghiên cứu nhiều nhất cho mụn trứng cá.

Theo các nghiên cứu, những người bị mụn thường có xu hướng có lượng kẽm trong máu ít hơn so với những người có làn da khỏe mạnh. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khác cho thấy uống kẽm có thể giảm mụn trứng cá.

  • Thoa trà xanh lên da

Trà xanh rất giàu chất chống oxy hóa và việc uống trà xanh có khả năng tăng cường sức khỏe. Cùng với đó, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, việc thoa trà xanh trực tiếp lên da có nhiều ích lợi trong việc trị mụn trứng cá tại nhà.

Điều này được giải thích do trà xanh có chứa flavonoid và tanin. Đây là 2 hoạt chất có tính kháng khuẩn và kháng viêm – 2 nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá. Không những vậy, chất chống oxy hóa chính trong trà xanh là EGCG cũng được chứng minh là có thể giảm sản xuất bã nhờn, chống viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn P. Acnes ở những người có làn da nhạy cảm, dễ lên mụn.


Bổ sung kẽm qua các thực phẩm giúp khắc phục mụn trứng cá
Bổ sung kẽm qua các thực phẩm giúp khắc phục mụn trứng cá
  • Tẩy tế bào chết thường xuyên

Tẩy da chết là quá trình loại bỏ lớp tế bào da cũ, hỏng phía trên cùng bề mặt da. Bạn có thể thực hiện tẩy tế bào chết vật lý bằng cách chà sát, sử dụng kem tẩy dạng hạt... hoặc loại bỏ tế bào chết hóa học bằng một số loại acid như AHA, BHA...

Việc tẩy tế bào chết là một cách trị mụn trứng cá tương đối đơn giản bằng cơ chế loại bỏ bớt bụi bẩn, tế bào da chết... gây bít tắc lỗ chân lông. Tuy đơn giản, nhưng đây là phương pháp điều trị mụn trứng cá rất hiệu quả.

Nhìn chung, việc điều trị và khắc phục – phòng ngừa mụn trứng cá cần phải được thực hiện cẩn thận và kéo dài để tránh sự phát triển quá mức của mụn, gây suy yếu sức khỏe làn da và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com, medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe