Mê sảng sau gây mê

Bài viết được viết bởi BSCK II. Nguyễn Trung Thành - Bác sĩ Gây mê - Giảm đau - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Ngoài những vấn đề thần kinh xảy ra sau mổ như tỉnh chậm hay không tỉnh có liên quan đến sử dụng thuốc hay bệnh lý và những bất thường về hệ thống thần kinh trung ương (gồm rối loạn định hướng, tâm thần hay rối loạn vận động và phản xạ tủy) xảy ra khi tỉnh mê, chúng ta còn gặp vấn đề mê sảng và rối loạn nhận thức rất hay xảy ra sau mổ ở người lớn tuổi.

Những tiến bộ của gây mê cũng như phẫu thuật đã làm tăng sự an toàn trong gây mê người lớn tuổi, nhưng bên cạnh thành công của phẫu thuật, người ta nhận thấy tỷ lệ mê sảng và rối loạn nhận thức sau mổ ở người lớn tuổi khá cao. Không những vì não là cơ quan đích của các thuốc gây mê và các thuốc sử dụng trong lúc mổ mà còn vì não người lớn tuổi rất dễ tổn thương theo độ tuổi thọ.

1. Mê sảng là gì?

Mê sảng là dạng hay gặp nhất ở người cao tuổi sau mổ, nó là một rối loạn cấp tính và thay đổi thất thường trong nhận thức.

Những nét cơ bản của mê sảng là:

  • Thay đổi trạng thái tâm thần bao gồm: xáo trộn rõ rệt trong tập trung và giảm sự nhận biết xung quanh.
  • Xảy ra cấp tính và kéo dài trong vài giờ đến vài ngày. Những thay đổi rất thất thường ở từng giai đoạn trong ngày.

2. Tần suất

Xảy ra 10-15% trong phẫu thuật tổng quát, trên 30-50% trong phẫu thuật chỉnh hình và phẫu thuật tim. Mê sảng cần phải được theo dõi đặc biệt và kéo dài thời gian nằm viện, dẫn đến chi phí điều trị tăng. Ngoài ra mê sảng còn làm phát triển bệnh mất trí nhớ và làm tăng tỷ lệ tử vong trong vòng 1 năm.

Suy giảm trí nhớ, mất tập trung có phải dấu hiệu bệnh lý?
Người bệnh có thể mất trí nhớ sau gây mê

3. Nguyên nhân

Cơ chế sinh học thần kinh vẫn chưa được biết rõ ràng, người ta chỉ có thể đưa ra những yếu tố có thể dẫn đến mê sảng như: thiếu oxy, tương tác thuốc (đặc biệt những chất anticholinergic, benzodiazebine, thuốc chống trầm cảm), bệnh nhân có nghiện rượu, có bệnh trầm cảm, bệnh mất trí nhớ, hoặc có một số rối loạn chuyển hóa.

Các yếu tố trên không nói lên được phẫu thuật và gây mê đã ảnh hưởng như thế nào trên mê sảng. Có thể giải thích phẫu thuật gây ra phản ứng viêm và đáp ứng viêm cấp xảy ra cả ngoại biên và trong dịch não tủy do đó mê sảng thường xảy ra trong các phẫu thuật xâm lấn nhiều hơn là trong các trường hợp thủ thuật nhỏ.

Vai trò của gây mê trong việc gây ra mê sảng rất phức tạp. Một số thuốc như ketamin, benzodiazepine, propofol có gây ra mê sảng giống như các thuốc có tác dụng anticholinergic như atropine, scopolamine. Tuy nhiên tỷ lệ mê sảng lại không khác nhau giữa gây mêtê tủy sống hay tê ngoài màng cứng, nhất là trong những trường hợp có an thần sâu trong gây tê thì nguy cơ xảy ra mê sảng cao hơn.

4. Mê sảng trong giai đoạn tỉnh mê

Bệnh nhân có những hành động không tự chủ hay không làm đúng theo yêu cầu hoặc bệnh nhân có thể ở trạng thái kích thích. Dạng mê sảng trong giai đoạn tỉnh mê có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng thường được chú ý nhất ở trẻ em. Nguyên nhân vẫn chưa được biết nhưng may mắn là thường tự giới hạn và không cần điều trị đặc biệt nào ngoại trừ việc điều dưỡng phải chú ý bệnh nhân hơn, cần giảm đau tốt và có thể cho an thần.

Mê sảng ở người cao tuổi không xảy ra trong giai đoạn tỉnh mê. Bệnh nhân có thể ở ở trạng thái kích thích nhưng thường là li bì ít hoạt động và xảy ra 24 hay 72 giờ sau mổ, sau khi đã tỉnh táo hoàn toàn. Có thể nhầm lẫn dạng mê sảng này khi nó tồn tại lâu với dạng rối loạn nhận thức khác sau mổ xảy ra chậm hơn. Dạng mê sảng sau mổ này cũng tương tự như dạng mê sảng ở khoa ICU và đã được Dr.Wes Ely và cộng sự xác định là mê sảng ICU

5. Nguy cơ xảy ra mê sảng trong phẫu thuật người cao tuổi

Trên 70 tuổi, có tiền sử mê sảng trong lần mổ trước, nghiện rượu, sử dụng thuốc phiện trước mổ, tiền căn trầm cảm, mất máu nhiều trong mổ, truyền máu khối lượng lớn, Hct sau mổ dưới 30%, không được giảm đau tốt sau mổ.

Những thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến mê sảng khó biết chắc chắn. Chọn lựa phương pháp vô cảm gây tê tủy sống hay tê ngoài màng cứng hoặc gây mê cũng chưa tìm thấy sự khác biệt trong tần suất xảy ra mê sảng.

Người cao tuổi
Người cao tuổi có nguy cơ cao bị mê sảng trong phẫu thuật

6. Phòng ngừa

Cách tốt nhất để phòng ngừa là tránh các yếu tố nguy cơ, tránh sử dụng hoặc sử dụng tối thiểu các thuốc dễ gây ra mê sảng. Dấu hiệu mê sảng cũng có thể là dấu hiệu sớm của một bệnh toàn thân trầm trọng như thiếu oxy, nhiễm trùng huyết hoặc do đau.

Bởi vì cơ chế bệnh sinh của mê sảng và rối loạn nhận thức sau mổ vẫn chưa được rõ ràng nên rất khó để đưa ra một biện pháp đặc biệt nào để ngăn ngừa hay một phác đồ điều trị thích hợp. Do vậy cũng không có một cơ sở khoa học nào đề nghị một loại thuốc mê nào đặc hiệu hay một phương pháp vô cảm nào thích hợp cho một bệnh nhân cao tuổi.

Sau khi mổ, bệnh nhân cần được các bác sĩ, y tá thăm khám và theo dõi kỹ lưỡng để có những điều chỉnh trong phác đồ điều trị và xử lý các biến chứng có thể gặp phải. Bởi vậy, bệnh nhân nên thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo quá trình gây tê, gây mê không xảy ra sai sót.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan