Mất nước trong tăng nồng độ thẩm thấu máu

Mất nước là một trong những tình trạng thường gặp trên lâm sàng, phổ biến ở nhiều bệnh lý khác nhau. Sự mất nước trong cơ thể có liên quan mật thiết đến nồng độ thẩm thấu máu. Dù giảm hay tăng nồng độ thẩm thấu máu cũng có thể gây nên tình trạng mất nước.

1. Mất nước ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Nước chiếm tới 50-60% trọng lượng cơ thể. Nước có mặt ở khắp mọi nơi. Nước giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc tham gia vào cấu tạo các tế bào, cấu tạo các mô cơ quan, tham gia vào các hoạt động chuyển hóa và duy trì các hoạt động sống của cơ thể.

Nước là dung môi cho tất cả các hệ thống sinh học của cơ thể nói riêng và của môi trường bên ngoài nói chung. Do đó, sự mất nước có ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Nếu cơ thể bị mất đi 10% lượng nước sẽ lâm vào các tình trạng bệnh lý. Nếu mất đi 20 - 25% lượng nước, chúng ta có thể chết.

Nước được cung cấp cho cơ thể qua con đường ăn uống hoặc qua nguồn nội sinh trong các quá trình chuyển hóa các chất của cơ thể.

Trong cơ thể, cơ chế điều hòa nước được đảm bảo bởi nhiều yếu tố khác nhau trong đó có nồng độ thẩm thấu máu.

Độ thẩm thấu máu hay áp lực thẩm thấu máu hữu dụng, đó là số lượng các phân tử chất hòa tan có hoạt tính thẩm thấu trong huyết tương.

  • Nồng độ thẩm thấu máu bình thường là 280 - 290 mosmol/kg.
  • Tăng nồng độ thẩm thấu máu là khi chỉ số nồng độ này trên 290 mosmol/kg.
  • Giảm nồng độ thẩm thấu máu là khi chỉ số nồng độ này dưới 280 mosmol/l.
Xét nghiệm máu 32 chỉ số
Nồng độ thẩm thấu máu góp phần điều hòa nước trong cơ thể

Về bản chất, sự vận chuyển qua màng tế bào của các phân tử nước trong cơ thể là dựa trên sự chênh lệch về áp lực thẩm thấu giữa trong và ngoài màng tế bào.

Khi độ thẩm thấu máu giảm, các phân tử nước sẽ bị kéo vào bên trong tế bào gây nên tình trạng mất nước ngoại bào dẫn đến phù, cổ chướng. Ngược lại, nếu nồng độ thẩm thấu huyết thanh tăng cao thì các phân tử nước sẽ bị kéo ra khỏi tế bào gây nên tình trạng mất nước nội bào.

Nói chung, để duy trì được sự cân bằng nước bên trong và bên ngoài tế bào thì độ thẩm thấu máu cũng phải được duy trì ở một ngưỡng nhất định. Khi nồng độ này bị thay đổi sẽ gây ra sự mất nước.

2. Các dạng mất nước

Từ thực tế các ca lâm sàng cho thấy, đa số các dạng rối loạn nước trong cơ thể đều có đi kèm với tình trạng rối loạn điện giải. Dựa trên nồng độ Na+ ngoại bào mà phân chia thành các dạng mất nước như sau:

Mất nước ưu trương (mất nước do tăng độ thẩm thấu máu):

  • Mất nước cả nội bào và ngoại bào.
  • Là tình trạng mất nước nhiều hơn mất ion natri, thể tích ngoại bào bị giảm
  • Tăng nồng độ thẩm thấu máu dẫn tới nước ở bên trong tế bào bị vận chuyển ra bên ngoài gây mất nước nội bào.
  • Nguyên nhân do chưa cung cấp đủ nước cho cơ thể, bị ra mồ hôi quá nhiều dẫn đến mất nước, do sử dụng liệu pháp bài niệu thẩm thấu, bệnh nhân bị bệnh thận mãn, hội chứng suy thận cấp, bị đái tháo nhạt hay do bị tăng thông khí.
  • Biểu hiện triệu chứng lâm sàng: khát kèm theo thao cuồng, sốt, lãnh đạm, thậm chí có thể hôn mê, mê sảng.
  • Điều trị: Điều trị nguyên nhân kết hợp với truyền dung dịch ringer lactat.
truyền dịch
Truyền dung dịch ringer lactat để điều trị mất nước ưu trương

Mất nước đẳng trương:

  • Thể tích nước ngoại bào giảm, thể tích nước nội bào không thay đổi.
  • Mất nước và mất ion natri xảy ra tương đương nhau.
  • Độ thẩm thấu huyết thanh bình thường.
  • Nguyên nhân thường gặp do bị nôn, tiêu chảy, do dùng thuốc lợi niệu kéo dài, bị viêm phúc mạc, bệnh nhân bị bỏng, bị say nắng hay ngộ độc thuốc ngủ...
  • Biểu hiện lâm sàng: khát nhiều, người mệt mỏi, nôn mửa, trụy mạch, mất ý thức, mạch nhanh, giật cơ.
  • Điều trị: Điều trị nguyên nhân kết hợp với truyền dung dịch ringer lactat.

Mất nước nhược trương:

  • Mất nước ngoại bào, tăng thể tích nước nội bào.
  • Tình trạng mất ion natri xảy ra nhiều hơn mất nước.
  • Áp lực thẩm thấu huyết thanh thấp, các phân tử nước ở ngoại bào bị kéo vào bên trong tế bào mà gây nên mất nước ngoại bào.
  • Nguyên nhân thường gặp do bổ sung thiếu natri, sau nôn, bị tiêu chảy, ra mồ hôi nhiều hoặc mất natri do suy tuyến thượng thận, sau cắt tuyến thượng thận, dùng thuốc lợi tiểu kéo dài, bị bệnh lý đường tiêu hóa...
  • Biểu hiện lâm sàng: người mệt mỏi, sốt, buồn nôn và nôn, trương lực cơ giảm, trụy mạch, mất ý thức, mạch nhanh, có thể bị giật cơ và ức chế thần kinh.
  • Điều trị: điều trị nguyên nhân kết hợp với truyền natriclorua 0,9% hay 10% tùy theo thể trạng và tình trạng mất nước.

Trên lâm sàng, tùy theo tình trạng mỗi người và những nguyên nhân gây nên mất nước mà bệnh nhân có những biểu hiện lâm sàng ở những mức độ khác nhau.

Mất nước
Người bệnh có biểu hiện lâm sàng mất nước khác nhau

Mất nước mức độ nhẹ:

  • Là tình trạng mất nước khi lượng nước thiếu không quá 1 - 2 lít.
  • Triệu chứng lâm sàng: khát, khô miệng, nhịp tim nhanh, giảm lượng nước tiểu 24 giờ.

Mất nước mức độ trung bình:

  • Bị mất lượng nước từ 3 - 5 lít.
  • Biểu hiện lâm sàng: khát nhiều, lưỡi khô, mạch yếu, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, thiểu niệu kèm theo các triệu chứng của rối loạn tuần hoàn ngoại vi.

Mất nước mức độ nặng:

  • Lượng nước tiểu bị thiếu trên 8 lít.
  • Lâm sàng biểu hiện sốc do giảm thể tích tuần hoàn, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, bị ảo giác, mê sảng, vô niệu, tụt huyết áp, mạch nhanh, có thể bị kích thích vận động tâm thần.

Nước giữ vai trò rất quan trọng trong cơ thể để đảm bảo duy trì sự sống và phát triển ổn định của cơ thể. Mất nước gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong. Hãy đi khám ngay nếu thấy cơ thể có những điều thay đổi bất thường để kịp thời phát hiện và điều trị, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan