Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn tiền đình

Mục đích chính của việc dùng thuốc điều trị rối loạn tiền đình là kiểm soát các triệu chứng, giảm thiểu tình trạng khuyết tật chức năng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Rối loạn tiền đình là gì?

Rối loạn tiền đình là những rối loạn liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8 và các đường kết nối của nó. Vì dây thần kinh số 8 đảm nhận chức năng thính giác và thăng bằng nên việc tổn thương bộ phận này sẽ khiến các thông tin dẫn truyền bị sai lệch, dẫn tới mất thăng bằng cơ thể, hoa mắt, chóng mặt hay ù tai.

Rối loạn tiền đình có thể chia làm 2 loại:

  • Rối loạn tiền đình ngoại biên: Là loại rối loạn thường gặp nhất gây ra các triệu chứng như chóng mặt thoáng qua hoặc nặng và kéo dài khiến người bệnh không thể di chuyển được. Ngoài ra, ở người bệnh nặng còn có thể gây nôn ói, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung.
  • Rối loạn tiền đình trung ương: Là dạng ít gặp hơn, biểu hiện chủ yếu lên hệ thống tiền đình của hệ thần kinh trung ương với việc người bệnh đi đứng khó khăn, choáng váng, chóng mặt mà nguyên nhân có thể đến từ tai biến mạch máu não, viêm hoặc u não.
thuốc rối loạn tiền đình
Mục đích chính của việc dùng thuốc rối loạn tiền đình là kiểm soát các triệu chứng

2. Các thuốc điều trị rối loạn tiền đình và lưu ý sử dụng

Tùy thuộc vào giai đoạn và triệu chứng lâm sàng của từng bệnh nhân mà thuốc điều trị rối loạn tiền đình sẽ khác nhau. Cụ thể:

  • Giai đoạn cấp: Cần đặt bệnh nhân ở nơi có ánh sáng dịu nhẹ, yên tĩnh, nằm đầu thấp, tránh xoay lắc; dùng thuốc chống nôn, an thần, kháng Histamin và Cholinergic; Benzodiazepine có thể kết hợp Corticosteroid
  • Giai đoạn mạn: Điều trị phục hồi chức năng tiền đình, phương pháp tiêm Gentamicin và Steroids, phẫu thuật nếu các phương pháp khác không hiệu quả và bệnh nhân rất suy nhược

Các thuốc rối loạn tiền đình cụ thể thường được sử dụng như sau:

  • Thuốc chống nôn: Domperidone, Dimenhydrinate giúp giảm triệu chứng; Benzodiazepine được dùng với mục đích an thần và giải lo âu trong một số trường hợp nhất định. Ngừng thuốc khi các triệu chứng cấp tính biến mất;
  • Thuốc Corticosteroid: Đôi khi sử dụng đặc biệt trong các trường hợp mất thính lực đột ngột, giảm cường độ chóng mặt và ù tai. Tuy nhiên cần lưu ý các tác dụng phụ như tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa, tăng cân, tăng nguy cơ nhiễm trùng;
  • Thuốc chóng mặt: Betahistine có thể giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng buồn nôn hay ù tai;
  • Thuốc lợi tiểu: Acetazolamide hay Triamterene có thể giúp thận bài tiết nhiều hơn và giảm áp lực ở tai trong. Thuốc cần được giám sát y tế nghiêm ngặt vì có thể gây rối loạn điện giải nguy hiểm.
thuốc rối loạn tiền đình
Domperidone là 1 trong các thuốc rối loạn tiền đình thường được sử dụng

3. Các phương pháp điều trị rối loạn tiền đình không dùng thuốc

Ngoài việc sử dụng thuốc thì chế độ ăn uống, vận động và nghỉ ngơi cũng góp phần đáng kể trong việc điều trị rối loạn tiền đình. Người bệnh nên thực hiện những biện pháp sau nhằm giảm thiểu tình trạng tiền đình:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng, tránh các chất kích thích gây tăng triệu chứng ù tai, giảm cấp máu đến tai, thực phẩm quá mặn hoặc quá ngọt, nước có ga, đồ uống có cồn vì có thể tác động lên hệ thần kinh gây tăng đau đầu, chóng mặt;
  • Tập phục hồi chức năng tiền đình được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu;
  • Liệu pháp áp lực dương: Bác sĩ sẽ sử dụng máy phát xung áp suất thấp tạo một áp lực dương lên vùng tai giữa để giảm bớt sự tích tụ dịch. Bệnh nhân thường cần điều trị trong 3 buổi, 5 phút mỗi ngày để kiểm soát chứng chóng mặt hiệu quả;
  • Phẫu thuật giải áp túi nội mạch huyết: Mục đích nhằm giảm áp trong tai bằng cách mở túi chứa nội dịch để phần chất lỏng thoát ra ngoài. Phẫu thuật được thực hiện khi muốn bảo tồn cấu trúc của tai trong và thính giác;
  • Phẫu thuật cắt mê nhĩ bằng hóa chất: được chỉ định khi chức năng thính giác của người bệnh đã rất kém, ù tai, chóng mặt rất khó chịu. Nguyên tắc điều trị là phá hủy các tế bào tiền đình bằng thuốc gây độc cho tai nhưng đổi lại thính lực có nguy cơ suy giảm mạnh, nên cần được theo dõi thường xuyên
  • Phẫu thuật cắt mê cung: Nghĩa là phá hủy hoàn toàn tai trong bên bị bệnh nhưng sẽ khiến chức năng thăng bằng và thính giác mất vĩnh viễn.

Tóm lại, dùng thuốc điều trị rối loạn tiền đình giúp kiểm soát các triệu chứng cho người bệnh. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần chú ý không được vượt quá liều quy định, thăm khám đều đặn theo lời dặn bác sĩ để phát hiện sớm triệu chứng khác hay trầm cảm và ngưng điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan