Liên quan giữa suy tuyến cận giáp và hạ canxi máu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Suy tuyến cận giáp là một rối loạn hiếm gặp trong đó các tuyến cận giáp ở cổ tiết ra lượng hormone tuyến cận giáp (PTH) với nồng độ thấp, không đủ cho nhu cầu trong cơ thể, bệnh sẽ dẫn đến tình trạng hạ canxi máu một cách đáng kể, ảnh hưởng xấu đến nhiều quá trình sinh lý.

1. Suy tuyến cận giáp là gì?

Hormon tuyến cận giáp hoạt động với vai trò là kết hợp với các hormon khác để điều chỉnh nồng độ canxi, photpho và vitamin D trong máu và xương mục đích là giữ được canxi cân bằng. Suy tuyến cận giáp được định nghĩa là tình trạng thiếu hụt hormone tuyến cận giáp (PTH). Thiếu hụt PTH có thể gây ra giảm nồng độ canxi và tăng nồng độ photpho trong cơ thể

Về nguyên nhân suy tuyến cận giáp thì được chia thành hai nhóm:

  • Suy tuyến cận giáp nguyên phát là tình trạng PTH được sản xuất ra không đầy đủ. Hệ quả là nồng độ canxi ion hóa trong dịch ngoại bào giảm xuống dưới ngưỡng giới hạn bình thường.
  • Suy tuyến cận giáp thứ phát là một trạng thái sinh lý trong đó mức PTH thấp để đáp ứng với tình trạng gây tăng canxi máu ví dụ giảm Mg máu. Nguyên nhân này thường rất hiếm gặp và sẽ được đề cập nhiều hơn trong vấn đề các bệnh lý làm tăng canxi máu.

Xét về nguyên nhân phổ biến nhất của suy tuyến cận giáp nguyên phát là những tổn thương tuyến cận giáp trong phẫu thuật tuyến giáp hoặc vùng cổ, hội chứng DiGeorge – là một rối loạn di truyền làm tổn thương sự phát triển của nhiều hệ thống trong cơ thể, suy tuyến cận giáp do di truyền, bệnh tự miễn, điều trị xạ trị cho ung thư. Ngoài ra, các điều kiện khác cũng gây ra suy tuyến cận giáp nguyên phát bao gồm:

  • Suy tuyến cận giáp vô căn: Bệnh nhân được sinh ra không có mô tuyến cận giáp bẩm sinh
  • Suy tuyến cận giáp giả: Bệnh nhân vẫn bài tiết ra được PTH nhưng cơ thể lại không đáp ứng với hormone; thường gây ra bởi các rối loạn chức năng tự miễn dịch.
Suy tuyến cận giáp
Suy tuyến cận giáp là tình trạng thiếu hụt hormone tuyến cận giáp (PTH).

2. Vai trò của canxi trong cơ thể là gì?

Canxi và photpho là một những nguyên tố có nhiều nhất trong cơ thể con người. Hầu hết canxi được lưu trữ trong xương và răng. Phần còn lại là canxi dạng tự do lưu thông trong dòng máu hoặc nằm trong mô mềm.

Canxi rất quan trọng đối với hoạt động bình thường của hầu hết mọi quá trình sinh lý. Đây là một nguyên tố đóng vai trò trong sự dẫn truyền thần kinh, sự co cơ, hình thành màng tế bào và điều chỉnh hoạt động của các enzyme cũng như tham gia truyền đạt thông tin giữa các tế bào. Ví dụ, canxi máu giúp ổn định huyết áp và duy trì chức năng não ở mức độ bình thường.

Ở một người trưởng thành khỏe mạnh, lượng canxi bên trong các tế bào sẽ thấp hơn khi so sánh với lượng canxi lưu thông trong máu. Điều này là nhờ vào vai trò của các hormon như PTH giúp kích thích thành tế bào cho phép dòng canxi tràn vào bên trong để thực hiện các chức năng.

Khi mắc bệnh suy tuyến cận giáp, việc sản xuất PTH thấp gây ra sự mất cân bằng, nồng độ canxi trong máu của người bệnh sẽ giảm thấp một cách đáng kể. Trong khi đó, nồng độ photpho trong huyết thanh lại tăng lên. Nói một cách đơn giản, nồng độ PTH thấp trong bối cảnh của suy tuyến cận giáp sẽ phá vỡ sự cân bằng tỷ lệ giữa canxi và photpho. Với nồng độ mức canxi tuần hoàn thấp, cơ thể sẽ có các triệu chứng của bệnh suy tuyến cận giáp như sau:

  • Đau cơ hoặc chuột rút
  • Cảm giác ngứa ran, bỏng rát hoặc tê các đầu ngón tay, ngón chân hay quanh môi
  • Co thắt cơ, đặc biệt cơ quanh miệng
  • Rụng tóc loang lổ từng đám
  • Khô da
  • Móng giòn
  • Mệt mỏi
  • Lo lắng hoặc trầm cảm
  • Đau bụng kinh
  • Co giật

Trẻ em có suy tuyến cận giáp có thể có đau đầu, nôn, các vấn đề về răng như là men răng yếu hay răng kém phát triển.

Suy tuyến cận giáp
Suy tuyến cận giáp sẽ phá vỡ sự cân bằng tỷ lệ giữa canxi và photpho

3. Liên quan giữa suy tuyến cận giáp và hạ canxi máu như thế nào?

Liên quan giữa suy tuyến cận giáp và hạ canxi máu như thế nào?
Liên quan giữa suy tuyến cận giáp và hạ canxi máu như thế nào?

Nồng độ canxi trong dịch ngoại bào gần như không đổi. Đồng thời, lượng canxi này cũng luôn trong trạng thái cân bằng với canxi dự trữ trong xương, răng và trong dịch nội bào. Việc duy trì nồng độ canxi ion hóa trong dịch nội bào và ngoại bào được điều chỉnh với sự tham gia của tuyến cận giáp, xương, tế bào ống thận, các yếu tố đông máu và vô số các quá trình nội bào.

Hình vẽ sưu tầm từ timeofcare.com

Trên các tế bào tuyến cận giáp, thụ thể cảm ứng nồng độ canxi ngoại bào giúp điều chỉnh sự sản xuất và bài tiết PTH. Nếu một tình trạng làm bất hoạt thụ thể cảm ứng canxi ngoại bào thì sẽ dẫn đến tăng canxi máu. Ngược lại, kích hoạt những thụ thể này sẽ dẫn đến hạ canxi máu.

Khi PTH được giải phóng vào dòng máu sẽ tham gia kích hoạt các nguyên bào xương, kích hoạt hủy xương dẫn đến việc tái hấp thu xương và giải phóng canxi ion hóa vào dịch ngoại bào, làm tăng nồng độ canxi trong máu.

Không những thế, PTH còn có tác dụng giữ canxi trên ống lượn xa ở thận. Sự tái hấp thu canxi qua trung gian PTH không phụ thuộc vào bất kỳ tác dụng nào đối với sự tái hấp thu natri hoặc nước tại thận. Tác dụng này của PTH rất quan trọng trong bệnh suy tuyến cận giáp vì trong trường hợp không có sự tái hấp thu canxi ở ống thận xa này, thận sẽ gây lãng phí canxi. Điều này lại làm cạn kiệt canxi trong dịch nội bào trong khi lại tăng nồng độ canxi trong nước tiểu.

Bên cạnh đó, PTH kích thích thận tạo ra các men tham gia tổng hợp tạo vitamin D. Điều này cho phép hấp thụ canxi trong chế độ ăn uống trở nên tốt hơn, gián tiếp làm tăng nồng độ canxi trong máu.

Chính vì thế, trong trường hợp không có PTH, cơ thể không thể huy động nguồn canxi lấy từ xương, không tái hấp thu canxi ở ống thận hay hấp thụ canxi qua trung gian vitamin D. Do đó, hậu quả của việc thiếu PTH là hạ canxi máu mà nguyên nhân thường gặp nhất là do suy tuyến cận giáp nguyên phát.

Tóm lại, khi cơ thể có các triệu chứng hạ canxi máu, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa nội tiết để được đánh giá chức năng tuyến cận giáp. Mặc dù không có cách chữa trị suy tuyến cận giáp, việc phát hiện ra bệnh và sử dụng các chất bổ sung, thay đổi lối sống sẽ giúp ổn định đời sống cho người bệnh, giảm thiệu các triệu chứng của hạ canxi máu cũng như ngăn ngừa các biến chứng.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc đã có hơn 10 năm học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực nội tiết. Bác sĩ Ngọc đã tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nội tổng quát tại trường Đại học Y Hà Nội và từng học Bác sĩ Nội trú tại Đại học Lyon (Pháp). Hiện tại bác sĩ Ngọc đang là bác sĩ điều trị tại khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan