Làm gì khi hen trở nặng?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bệnh nhân hen suyễn có thể đối mặt với cơn hen trở nặng bất kỳ lúc nào dù có đang kiểm soát tốt cơn hen hay không. Vậy khi hen trở nặng người bệnh nên làm gì?

1. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đợt cấp khi hen trở nặng

Đối với bệnh nhân hen suyễn, khi hen trở nặng đợt cấp tính có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, cho dù tình trạng hen có được kiểm soát tốt hay không. Các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ dẫn đến đợt cấp:

  • Thuốc điều trị hen: Việc sử dụng thuốc điều trị hen corticosteroid dạng hít nhưng người bệnh không được chỉ định hoặc kém tuân thủ với thuốc, hít không đúng kỹ thuật hay sử dụng vượt liều thuốc giãn phế quản có tác dụng ngắn.
  • Phơi nhiễm: Thường xuyên sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm, nhiều khói thuốc, tiếp xúc với phấn hoa, các yếu tố dị ứng gây hen suyễn.
  • Bệnh lý mắc phải khác: Ngoài hen, người bệnh còn mắc phải các bệnh lý khác như trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi dị ứng, dị ứng thực phẩm, thừa cân - béo phì, hoặc thường xuyên bị căng thẳng, stress, lo lắng, phụ nữ mang thai.
  • Xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng phổi: Kết quả xét nghiệm máu cho thấy FENO tăng, bạch cầu ái toan tăng, chức năng phổi FEV1 thấp dưới 60% dự đoán và thay đổi nhiều.

2. Làm thế nào để nhận biết cơn hen trở nặng?

2.1 Nhận biết hen suyễn cấp tính

Đợt cấp hen suyễn có các dấu hiệu sau:

  • Thở khó, khò khè, ho nhiều, cảm giác nặng ngực.
  • Các cơn hen xuất hiện nhiều và nhanh hơn.
  • Đáp ứng với thuốc điều trị kém.
  • Người bệnh phải tăng liều thuốc để cắt cơn hen.
  • Lưu lượng đỉnh cơn hen giảm dần nhưng sự khác biệt cơn hen sáng và chiều tăng lên.
Hen suyễn hen phế quản 1
Người bệnh phải tăng liều thuốc để cắt cơn hen khi cơn hen trở nặng

2.2 Nhận biết hen trở nặng

Hen trở nặng có những dấu hiệu nhận biết sau:

  • Thở khó hơn và diễn ra liên tục, khiến người bệnh không thể nằm được và phải ngồi để thở.
  • Ho nhiều và liên tục nên không thể nói được, phải nói từng từ.
  • Khi hít vào và thở ra nghe được tiếng phổi rít ran.
  • Thần kinh bị kích thích, tím tái, đổ nhiều mồ hôi.
  • Thở nhanh, thở gấp, tim đập nhanh.
  • Lồng ngực thay đổi do các cơ ở vùng ngực bị co kéo.
  • Các chỉ số như SpO2 dưới 90%, huyết áp tăng bất thường.

2.3 Nhận biết hen suyễn nguy kịch

Hen suyễn trở nên nguy kịch khi:

  • Người bệnh thở chậm (dưới 10 lần/phút) hoặc ngừng thở.
  • Phổi không nghe rít ran, lồng ngực bất động.
  • Huyết áp hạ xuống thấp, tim đập chậm.
  • Ý thức rối loạn, không thể nói được.

3. Làm gì khi hen trở nặng?

3.1 Dự phòng khi hen trở nặng

Bệnh nhân hen suyễn được hướng dẫn một kế hoạch cụ thể để khi lên cơn hen có thể xử trí kịp thời và phù hợp. Kế hoạch hành động đối với cơn hen được chia thành 3 cấp độ từ kiểm soát tốt đến trở nặng và nguy kịch tương ứng với 3 màu xanh, vàng và đỏ, cụ thể như sau:

  • Kiểm soát tốt cơn hen - Màu xanh: Ở trường hợp này người bệnh vẫn có thể sinh hoạt bình thường, không bị thở khò khè và cũng không cần dùng thuốc để cắt cơn hen. Kế hoạch hành động là người bệnh vẫn cần dùng thuốc để có thể kiểm soát cơn hen suyễn trong thời gian dài và bác sĩ có thể chỉ định giảm liều dùng.
  • Cơn hen trở nặng - Màu vàng: Người bệnh cảm thấy khó thở, thở khò khè, ho, đau tức vùng ngực, không thể sinh hoạt hay làm một số công việc như bình thường. Cơn hen gây mất ngủ khi lên cơn vào ban đêm, do đó người bệnh cần dùng thuốc điều trị cắt cơn với liều dùng từ 3 lần/tuần trở lên. Khi người bệnh tự đo lưu lượng đỉnh, chỉ số này bằng 1⁄2 - 3⁄4 so với khi lưu lượng đỉnh đạt giá trị tốt nhất. Theo đó, người bệnh cần tiếp tục dùng thuốc cắt cơn và để kiểm soát hen suyễn trong thời gian dài. Khi các triệu chứng thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc 1 giờ, cần kiểm tra lại và vẫn tiếp tục sử dụng thuốc.
  • Hen nguy kịch - Màu đỏ: Người bệnh thở khó, tăng liều dùng thuốc điều trị cắt cơn (4 giờ/lần) và không đáp ứng với thuốc. Người bệnh rất khó có thể sinh hoạt và làm việc như bình thường. Trước đó, người bệnh đã ở trong tình trạng cơn hen trở nặng (với biểu hiện như màu vàng) trong khoảng 24 giờ nhưng các triệu chứng không thuyên giảm. Khi được đo lưu lượng đỉnh, giá trị này chỉ bằng 1⁄2 so với giá trị tốt nhất đạt được. Lúc này, điều cần làm là liên lạc với bác sĩ hoặc cơ sở y tế.
Khó thở tức ngực đau ngực 1
Cơn hen được chia làm các cấp độ dự phòng khác nhau

3.2 Cách xử lý khi cơn hen trở nặng tại nhà

Bệnh nhân hen suyễn được hướng dẫn để tự đánh giá tình trạng cơn hen thuộc nhóm màu nào như đã nêu ở trên để có thể tự xử trí phù hợp. Một số loại thuốc sau được dùng để người bệnh có thể tự xử trí khi ở nhà như:

  • Thuốc điều trị làm giảm triệu chứng: Tăng liều corticosteroid dạng hít hoặc thuốc giãn phế quản có tác dụng ngắn liều thấp.
  • Điều trị kiểm soát: Tăng liều dùng khi điều trị kiểm soát hen suyễn trong 1 - 2 tuần, tăng liều corticosteroid dạng hít đơn thuần lên gấp 4 lần. Duy trì corticosteroid dạng hít và formoterol với liều tăng gấp 4 nhưng cần chú ý formoterol không vượt quá 72 mcg/ngày. Duy trì corticosteroid dạng hít và thuốc giãn phế quản đồng vận beta kéo dài với liều tăng cao, hoặc bổ sung corticosteroid dạng hít sao cho liều dùng tăng gấp 4. Thuốc điều trị cắt cơn có thể tăng liều nếu cần nhưng không được vượt quá 72 mcg/ngày).
  • Thuốc corticoid trị hen suyễn đường uống: Prednisolon với liều dùng từ 40 - 50 mg/ ngày, dùng trong khoảng 5 - 7 ngày đối với người lớn. Prednisolon với liều dùng từ 1 - 2 mg/kg/ngày, dùng trong khoảng 3 - 5 ngày đối với trẻ em.

4. Những việc cần làm để hạn chế hen suyễn vào đợt cấp

Bệnh nhân hen phế quản cần chủ động và nhận biết những việc cần làm sau để hạn chế cơn hen trở nặng vào đợt cấp bằng cách:

  • Nhận thức và hiểu bệnh lý hen suyễn cũng như các phương thức điều trị.
  • Hạn chế việc tiếp xúc, phơi nhiễm với những yếu tố có thể làm cơn hen xuất hiện, tái phát.
  • Nhận biết các yếu tố nguy cơ đã nêu ở trên và những dấu hiệu khi cơn hen vào đợt cấp.
  • Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và lịch tái khám. Dùng thuốc theo hướng dẫn để kiểm soát, ngăn ngừa cơn hen, điều trị cắt cơn. Dùng thuốc dạng hít đúng kỹ thuật được hướng dẫn.
  • Nếu mắc phải những bệnh lý khác, cần sớm điều trị.
  • Nắm rõ kế hoạch hành động đối với cơn hen để phòng ngừa hen trở nặng. Thường xuyên theo dõi các triệu chứng, đo lưu lượng đỉnh để kiểm soát tốt cơn hen.

Chuẩn bị sẵn một kế hoạch xử trí với cơn hen có thể giúp bệnh nhân hen suyễn đưa ra phương án khắc phục đúng cách và phù hợp khi cơn hen trở nặng.

Hướng dẫn sử dụng bình xịt định liều Inhaler
Người bệnh nên dùng thuốc dạng hít đúng kỹ thuật được hướng dẫn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

873 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan