Làm gì khi bị sâu răng cửa?

Sâu răng thường phổ biến ở những răng sau do khó vệ sinh và cấu trúc bề mặt rãnh hố của chúng. Tuy nhiên, các răng cửa ở trước vẫn có nguy cơ bị sâu. Việc sâu răng cửa sẽ mang lại khá nhiều phiền toái, đặc biệt là về mặt thẩm mỹ. Vậy nếu bạn hoặc bé bị sâu răng cửa phải làm sao để giải quyết vấn đề này?

1. Nguyên nhân bị sâu răng cửa

Sâu răng cửa là một tổn thương răng với sự hình thành của một hoặc nhiều lỗ trên răng cửa, ban đầu lỗ này có kích thước nhỏ nhưng sẽ lớn dần lên nếu không được điều trị.

Nguyên nhân sâu răng cửa là do hoạt động của một số loài vi khuẩn có thể sống trong các mảng bám trên răng. Vi khuẩn trong mảng bám có thể chuyển đổi đường trong thức ăn thành axit. Nếu mảng bám được phép tích tụ theo thời gian, các axit này có thể bắt đầu làm hỏng răng của bạn.

Đây là lý do tại sao vệ sinh răng miệng tốt là một phần quan trọng để ngăn ngừa sâu răng nói chung và sâu răng cửa nói riêng.

Mọi người đều có nguy cơ bị sâu răng cửa, nhưng một số người có nguy cơ cao hơn. Các yếu tố này chẳng hạn như:

  • Ăn quá nhiều thực phẩm hoặc đồ uống có đường hoặc axit;
  • Thói quen vệ sinh răng miệng kém, chẳng hạn như không chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa hàng ngày;
  • Không nhận đủ florua;
  • Khô miệng;
  • Rối loạn vấn đề ăn uống (như chán ăn hoặc ăn vô độ);
  • Bệnh trào ngược axit, axit dạ dày trào ngược lên có thể làm mòn men răng.

2. Những dấu hiệu và triệu chứng sâu răng cửa

Các triệu chứng của sâu răng cửa sẽ phụ thuộc vào độ lớn của khoang sâu, ban đầu có thể sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào, nhưng khi khoang sâu răng càng lớn các triệu chứng có thể càng trở nên tệ hơn.

Các dấu hiệu sâu răng bao gồm:

  • Đau hoặc nhức ở vùng răng cửa xảy ra mà không báo trước;
  • Răng nhạy cảm;
  • Đau khi bạn ăn hoặc uống đồ ngọt, nóng hoặc lạnh;
  • Các lỗ hoặc vết rỗ trên răng cửa;
  • Vết ố đen, trắng hoặc nâu trên răng cửa;
  • Đau khi cắn xuống.

3. Sâu răng cửa phải làm sao?

Cần phát hiện và điều trị sâu răng cửa càng sớm càng tốt trước khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng. Điều này có thể đặc biệt quan trọng đối với các bé bị sâu răng cửa vì trẻ có thể kèm theo sâu nhiều răng khác.

Để được chẩn đoán phát hiện sớm sâu răng cửa, bạn nên đi khám răng định kỳ, thời gian khám răng định kỳ sẽ do bác sĩ nha khoa quyết định tùy theo tình trạng răng miệng và sức khỏe tổng thể của bạn.

Trong quá trình chờ đến cuộc khám răng tiếp theo, các triệu chứng của sâu răng cửa có thể làm bạn khó chịu, hỏi bác sĩ về việc có nên sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn hay không, hoặc bạn cũng có thể:

  • Đánh răng bằng nước ấm;
  • Chọn dùng loại kem đánh răng cho răng nhạy cảm;
  • Tránh thức ăn và đồ uống quá nóng, lạnh hoặc ngọt.

Để điều trị sâu răng cửa, thông thường các bác sĩ sẽ thực hiện loại bỏ phần răng bị sâu trước tiên để tránh mầm bệnh lan qua các phần răng khỏe còn lại.

Kỹ thuật nạo vết sâu yêu cầu loại bỏ triệt để vết sâu và không được phạm vào mô lành. Nhưng với các răng cửa, do có hình thể mảnh, men ở rìa răng mỏng dẫn đến dễ gây mất quá nhiều mô răng thật. Việc này gây khó khăn cho việc phục hình và tính thẩm mỹ sau điều trị.

Việc điều trị sau đó phụ thuộc vào mức độ hư hỏng của răng cửa, các lựa chọn có thể bao gồm:

  • Trám răng: Khi các vết sâu răng nhỏ hoặc nằm ở mặt trong của răng cửa, bác sĩ sẽ trám vào lỗ bằng vật liệu có màu tương đồng với răng chẳng hạn như nhựa composite.
  • Bọc răng (gắn mão răng): Khi một chiếc răng bị sâu nặng đến mức không còn nhiều men răng khỏe mạnh, bác sĩ có thể sẽ tư vấn cho bạn chọn phương pháp này. Sau khi lấy ra và sửa chữa phần bị hư hỏng, một mão răng sẽ được lắp lên phần răng còn lại.
  • Lấy tủy răng cửa: Nếu chân răng hoặc tủy răng bị chết hoặc bị tổn thương không thể sửa chữa được, bạn có thể cần được lấy tủy răng. Bác sĩ sẽ loại bỏ dây thần kinh, mạch máu và mô cùng với các phần bị sâu của răng, sau đó lấp đầy các ống tủy vật liệu bịt kín phù hợp. Cuối cùng, một mão răng để bọc trên chiếc răng đã trám có thể sẽ cần thiết.

4. Phòng ngừa sâu răng cửa

Để ngăn ngừa sâu răng cửa, bạn nên:

  • Đánh răng ít nhất hai lần một ngày bằng kem đánh răng có chứa florua. Tốt nhất là sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.
  • Làm sạch kẽ răng hàng ngày bằng chỉ nha khoa hoặc chất làm sạch kẽ răng.
  • Súc miệng hàng ngày bằng nước súc miệng có chứa florua. Một số loại nước súc miệng cũng có thành phần khử trùng để giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ra mảng bám.
  • Ăn các bữa ăn cân bằng dinh dưỡng và hạn chế ăn vặt. Tránh các loại thức ăn chứa carbohydrate như bánh quy, kẹo, khoai tây chiên vì những chất này có thể đọng lại trên bề mặt răng.
  • Uống nước có chất fluoride ít nhất một lít mỗi ngày để tránh việc bé bị sâu răng cửa.
  • Khám răng miệng định kỳ để được kiểm tra và làm sạch mảng bám.

Sâu răng cửa có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, sức khỏe toàn thân, vấn đề ăn nhai và tính thẩm mỹ của bạn hoặc bé. Việc điều trị sâu răng cửa khá khó khăn nếu tổn thương càng nhiều. Vì vậy, cần ngăn ngừa khi bệnh còn chưa xảy ra và cố gắng phát hiện sớm để hiệu quả trị liệu đạt cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan