Khám họng và thanh quản như thế nào?

Khám họng và thanh quản giúp đánh giá sơ bộ các bệnh lý thường gặp trước khi tiến hành nội soi, là phương pháp dễ thực hiện, không gây đau hay khó chịu cho bệnh nhân.

1. Mục đích của khám họng và thanh quản

Khám họng và khám thanh quản trong các trường hợp bệnh nhân có các vấn đề về họng hay giọng nói như: đau họng, rát họng, nuốt vướng, ho, khó thở, khạc đờm, ngứa họng, khàn tiếng, mất tiếng,... nhằm đánh giá sơ bộ, chẩn đoán một số bệnh lý vùng họng cũng như thanh quản.

Khám họng thanh quản luôn được thực hiện ở những người nghi ngờ có các bệnh lý về họng hay thanh quản nhằm bước đầu đánh giá các tổn thương. Từ đó đưa ra các chỉ định cần thiết như nội soi tai mũi họng để chẩn đoán, sinh thiết trong trường hợp có khối u. Khám họng thanh quản giúp tầm soát một số bệnh lý đặc biệt ở những nơi chưa có các phương tiện chẩn đoán hiện đại.

Để khám họng thanh quản có hiệu quả, định hướng được nguyên nhân cần hỏi thời gian khởi phát, diễn biến bệnh, đã điều trị thuốc gì, cần hỏi tình trạng nghề nghiệp và gia đình để thấy được các nguyên nhân, liên quan gây bệnh.

Giải thích bệnh nhân trước khi tiến hành thăm khám, hướng dẫn tư thế bệnh nhân. Nếu là trẻ em cần có người lớn giữ cố định đầu để quá trình khám dễ dàng.

Phẫu thuật polyp thanh quản
Khám họng giúp phát hiện ra các bệnh lý nguy hiểm về họng

2. Cách khám họng và thanh quản

Khám họng

Khám họng bao gồm: khám miệng, khám họng không có dụng cụ, khám họng có dụng cụ.

  • Khám miệng: Dùng đè lưỡi vén má ra để xem răng, lợi và mặt trong của má xem hàm ếch và màn hầu. Hướng dẫn bệnh nhân cong lưỡi lên xem sàn miệng và mặt dưới lưỡi.
  • Khám họng không có dụng cụ: hướng dẫn bệnh nhân há miệng, thè lưỡi, kêu ê ê dài, có thể quan sát vòm họng và amidan ở tư thế bình thường.
  • Khám họng có dụng cụ (bằng đè lưỡi): hướng dẫn bệnh nhân há miệng không thè lưỡi thở nhẹ nhàng. Bác sĩ đặt đè lưỡi lên 2⁄3 trước lưỡi, sau đó ấn từ từ xuống, quan sát màn hầu, lưỡi gà, trụ trước, trụ sau, amiđan và thành sau họng,
  • Đánh giá họng:

+ Bình thường: màn hầu cân đối, lưỡi gà không lệch, amiđan kích thước vừa phải không có chấm mủ, niêm mạc hồng hào. Trụ trước, trụ sau bình thường không xung huyết đỏ, thành sau họng sạch nhẵn.

+ Bất thường: có thể quan sát thấy hình ảnh bệnh lý như lưỡi gà lệch, amidan nhiều chấm mủ, quá phát amidan, viêm họng hạt, khối bất thường vùng hầu họng, phù nề, xung huyết vùng họng,...

Bác sĩ sẽ xem xét mọi vị trí trong khoang miệng khi khám họng
Bác sĩ sẽ xem xét mọi vị trí trong khoang miệng khi khám họng

Khám thanh quản

  • Chuẩn bị dụng cụ khám: Đèn Clar, gương trán, gương soi thanh quản, đèn cồn, ống soi Chevalier-Jackson, thuốc tê.
  • Cách khám
  • Bằng gương (gián tiếp): bệnh nhân ngồi ngay ngắn, thầy thuốc tay trái cầm gạc kéo lưỡi bệnh nhân, tay phải cầm cán gương soi thanh quản (tuỳ tuổi mà dùng các cỡ gương khác nhau), tốt nhất là gây tê trước khi soi.
  • Cần quan sát: vùng tiền đình thanh quản, dây thanh (màu sắc, di động, có hạt xơ, khép có kín không ?...), xoang có sạch không?
  • Bằng ống soi Chevalier-Jackson (trực tiếp): phương pháp này áp dụng khi soi gián tiếp chưa đánh giá hết bệnh tích, chúng ta sẽ đánh giá được rõ hơn toàn bộ thanh quản.
  • Bình thường thanh quản màu hồng nhạt, di động tốt, khép kín, không có hạt xơ, các xoang sạch.
  • Các bệnh thường gặp: viêm phù nề thanh quản, có thể quan sát được hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh, phát hiện nấm thanh quản, u thanh quản,...
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan