Ít đi tiểu, có hại gì không?

Uống ít nước là nguyên nhân hàng đầu khiến mỗi người đi tiểu ít hơn so với mức thông thường. Tuy nhiên, tình trạng ít đi tiểu nếu kéo dài sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là hệ tiết niệu. Vậy đi tiểu ít có hại như thế nào và làm sao để cải thiện tình trạng này?

1. Những vấn đề sức khỏe nhận biết thông qua việc đi tiểu

Nước tiểu được bài tiết ra khỏi cơ thể hằng ngày và đây là một hiện tượng sinh lý bình thường. Nước tiểu được bài tiết ra ngoài sẽ mang theo các chất cặn bã cũng như đào thải những độc tố ra khỏi cơ thể.

Từ xưa đến nay, việc quan sát màu sắc cũng như tần suất đi tiểu sẽ giúp bác sĩ một phần trong việc chẩn đoán một số bệnh lý. Nếu gặp phải các tình trạng đi tiểu sau đây, bạn nên sớm đến bệnh viện để kiểm tra, vì rất có thể bạn đang gặp một vấn đề về sức khỏe nào đó:

  • Đi tiểu cảm thấy buốt và tiểu rắt: Đây là dấu hiệu nhận biết của một số bệnh lý như viêm bàng quang cấp tính, sỏi bàng quang đặc biệt là khi gặp sỏi đã lọt vào niệu đạo, viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo, viêm quanh hậu môn, viêm bộ phận sinh dục nữ (như tử cung), u bàng quang, u tiền liệt tuyến
  • Đi tiểu nhiều nhưng lượng nước tiểu không nhiều. Đây có thể là dấu hiệu của những bệnh lý như lao bàng quang mãn tính, ung thư bàng quang.
  • Đi tiểu ít nước tiểu: Cảnh báo cơ thể đang mất nước, bị nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu.
  • Đi tiểu không tự chủ, nước tiểu tự rỉ ra, người bệnh có hoặc không thể nhận biết được. Thông thường những người bệnh tổn thương thần kinh ở vỏ não hoặc tủy sống, cổ thành bàng quang mất tính đàn hồi, mất cân bằng giữa khả năng chứa của bàng quang, hệ thống cơ thắt cổ bằng quang và niệu đạo, dị dạng đường tiết niệu thường gặp phải tình trạng này.
  • Ít đi tiểu trong ngày: Nguyên nhân chủ yếu do uống ít nước, nếu tình trạng này không kèm theo các biểu hiện khác thì bạn nên thay đổi thói quen sống, uống đủ lượng nước mỗi ngày.

Vô niệu tức là không đi tiểu được, tình trạng này thường cảnh báo một số tình trạng như mất máu, mất nước, tụt huyết áp, suy tim. Ngoài ra, một số bệnh lý sau cũng có thể gây ra tình trạng vô niệu như viêm cầu thận cấp và mãn, ngộ độc gây tổn thương ống thận cấp, sốt rét ác tính, ngộ độc mật cá trắm, sỏi thận, u thận, mắc bệnh thận giai đoạn cuối.


Đi tiểu cảm thấy buốt và tiểu rắt là dấu hiệu nhận biết của một số bệnh lý như viêm bàng quang, viêm tiền liệt tuyến,...
Đi tiểu cảm thấy buốt và tiểu rắt là dấu hiệu nhận biết của một số bệnh lý như viêm bàng quang, viêm tiền liệt tuyến,...

2. Những lý do khiến nhiều người đi tiểu ít

Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người đi tiểu ít hơn so với bình thường. Thông thường theo Hội niệu học quốc tế, một người trưởng thành khỏe mạnh trung bình sẽ đi tiểu từ 6-8 lần trong một ngày. Nếu bạn đi tiểu ít hơn, khoảng 2-3 lần trong một ngày thì bạn nên lưu ý tìm hiểu nguyên nhân.

Trên thực tế nguyên nhân khiến bạn đi tiểu ít thường đến từ hai khía cạnh, một là do tình trạng cơ thể bạn, hai là do chính mong muốn của bạn.

Đối với nguyên nhân từ cơ thể, rất có thể bạn đang thiếu nước trầm trọng. Một người bình thường mỗi ngày cần nạp vào cơ thể từ 1.5 đến 2 lít nước thông qua đường ăn uống, tuy nhiên nếu bạn không uống đủ nước thậm chí uống quá ít nước dẫn đến lượng nước tiểu đào thải ra ngoài quá ít khiến bạn ít đi tiểu hơn so với bình thường.

Đối với nguyên nhân từ chính bản thân, có thể do nhiều lý do khác nhau như bạn không muốn việc đi tiểu ảnh hưởng đến công việc nên cố nhịn tiểu hoặc uống ít nước để không phải đi tiểu. Tuy nhiên, thói quen ít đi tiểu không hề tốt một chút nào, về lâu dài sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến bản thân mỗi người.


Đối với nguyên nhân đi tiểu ít tới từ cơ thể, rất có thể bạn đang thiếu nước trầm trọng
Đối với nguyên nhân đi tiểu ít tới từ cơ thể, rất có thể bạn đang thiếu nước trầm trọng

3. Những nguy cơ từ việc ít đi tiểu đối với sức khỏe

Nước tiểu là chất thải vô trùng được đưa ra khỏi cơ thể thông qua đường niệu đạo. Thành phần của nước tiểu chủ yếu là nước và các chất cặn bã và chất độc. Nếu bạn đi tiểu ít những chất bất lợi cho cơ thể không được đào thải ra ngoài hoàn toàn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.

Nếu bạn ít đi tiểu và tình trạng này kéo dài thường xuyên thì vấn đề đầu tiên bạn gặp phải là táo bón và sau đó là các vấn đề về đường tiết niệu.

Ngoài ra, nếu ít đi tiểu do nguyên nhân uống ít nước, bạn sẽ dễ gặp phải những tình trạng như khô miệng, mệt mỏi, thậm chí là choáng váng. Không nên vì lý do muốn đi tiểu ít mà hạn chế uống nước, vì sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đặc biệt là nước có vai trò quan trọng trong hoạt động sống hằng ngày của mỗ người.

Nếu gặp phải tình trạng đi tiểu ít do nguyên nhân uống ít nước, bạn không nên uống nhiều nước trong thời gian ngắn, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến nồng độ các chất điện giải trong cơ thể. Nên uống khoảng 8 ly nước trong một ngày, tương đương với 1.5-2 lít nước, nếu không thích uống nhiều nước có thể thay thế bằng ăn những loại hoa quả mọng nước hoặc ăn nhiều canh trong bữa cơm.


Nếu gặp phải tình trạng đi tiểu ít do nguyên nhân uống ít nước, bạn không nên uống nhiều nước trong thời gian ngắn
Nếu gặp phải tình trạng đi tiểu ít do nguyên nhân uống ít nước, bạn không nên uống nhiều nước trong thời gian ngắn

Đi tiểu ít hay nhịn tiểu vốn là thói quen không tốt cho sức khỏe, vì thế bạn nên cân bằng chế độ ăn phù hợp cũng như duy trì lối sống lành mạnh để không ảnh hưởng đến hệ tiết niệu.

Khi nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu liên quan tới tiết niệu, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện. Giúp việc thăm khám trở nên hiệu quả, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe