Hướng dẫn sơ cứu vết thương chảy máu Garo vết thương ở tay hoặc chân

Bài viết được viết bởi ThS.BS Lê Thị Thanh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Đối với vết thương chảy máu nặng ở tay hoặc chân và không thể cầm máu bằng việc đè ép trực tiếp thì phải thực hiện garo cầm máu.

1. Mức độ chảy máu của vết thương

Vết thương chảy máu có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng:

  • Vết thương chảy máu nhẹ thường gây ra bởi những vết cắt nhỏ hoặc vết trầy xước. Hầu hết các vết thương này sẽ có thể cầm máu được chỉ bằng việc đè ép, tuy nhiên người cấp cứu cần phải giữ bình tĩnh và kiên nhẫn, vì đôi khi các vết thương trông có vẻ nghiêm trọng hơn bản chất thực sự của nó.

>>> Hướng dẫn sơ cứu vết thương chảy máu bằng cách đè ép và băng vết thương

>>> Sơ cứu vết thương mạch máu

Vết thương chảy máu
Vết thương chảy máu có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng

2. Nguyên tắc xử trí vết thương

Gọi người hỗ trợ khi:

  • Vết thương chảy máu nhiều
  • Không thể cầm máu vết thương
  • Nhìn nạn nhân có dấu hiệu sốc
  • Nghi ngờ nạn nhân có chấn thương đầu, cổ hoặc cột sống (tránh không di chuyển nạn nhân)
  • Hoặc bạn bối rối không biết cách xử trí

Gọi hỗ trợ bằng cách hô to gọi người xung quanh đến giúp. Nếu xung quanh không có ai thì dùng điện thoại gọi cấp cứu, mở chế độ loa ngoài để vừa giao tiếp và nhờ nhân viên y tế hướng dẫn cách sơ cứu an toàn, vừa đồng thời tiến hành sơ cứu cho nạn nhân.

  • Phải đảm bảo môi trường an toàn cho bản thân mới tiến hành cấp cứu nạn nhân. Hoặc di chuyển nạn nhân đến nơi an toàn trước khi cấp cứu.
  • Lấy túi cấp cứu, hoặc nhờ người khác hỗ trợ chạy đi lấy túi cấp cứu.
  • Mang phương tiện bảo hộ (thường được để sẵn trong túi cấp cứu) cho bản thân: Mang kín bảo hộ và đeo găng tay.

3. Các bước tiến hành đè ép và băng vết thương

3.1 Sử dụng dụng cụ garo

  • Nếu trong túi cấp cứu đã trang bị dụng cụ garo sẵn (Hình 1).
Garo cầm máu
Hình 1: Garo chuyên dụng

3.2 Trường hợp không có dụng cụ garo

Có thể tự làm garo bằng cách dùng một dây vải hoặc một miếng vải xếp thành dây có bề rộng khoảng 2.5 cm, chiều dài có thể quấn quanh hết vòng tay hoặc vòng chân vị trí phía trên vết thương và phải dư thêm một đoạn để cho vào trục quay và một cây que thẳng làm trục quay. Quấn dây quanh vị trí cần đặt garo và buộc hai đầu dây lại với nhau. Cho que làm trục quay vào giữa và xoay tròn để xiết như (Hình 2).

Garo tự chế
Hình 2: Garo tự chế
  • Đặt garo phía trên vị trí vết thương cần cầm máu 5cm (không đặt garo ngay tại vết thương hay phía dưới vết thương).
  • Xoay trục quay để siết garo, vừa xoay vừa quan sát vết thương cho đến khi vết thương ngưng chảy máu.
  • Cố định tay quay, nếu garo tự chế thì dùng dây hoặc băng keo cố định 2 đầu trục quay dọc chiều dài của tay hoặc chân.
  • Ghi chú thời gian đặt garo.
  • Ở cạnh nạn nhân, sẵn sàng dụng cụ và máy AED (nếu có) để có thể sơ cứu cho nạn nhân nếu nạn nhân xuất hiện sốc hoặc ngưng tim, cho đến khi có đội cấp cứu đến đưa nạn nhân đi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan